Stress giai đoạn cai sữa và một số chất phụ gia sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm bảo vệ sức khỏe đường ruột của heo con giai đoạn cai sữa

Thứ năm - 01/11/2018 23:00 476 0

Cai sữa là một trong những yếu tố gây stress lớn nhất trong chăn nuôi heo và có thể ví nó như nút thắt trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng.

Lúc cai sữa, heo con phải đối mặt với nhiều yếu tố stress kết hợp cùng lúc, buộc chúng phải nhanh chóng thích nghi như thay đổi khẩu phần ăn, thay đổi môi trường sống, thành viên trong đàn, tách mẹ và nhiều yếu tố khác.

Một trong những ảnh hưởng đầu tiên của stress cai sữa là tình trạng heo con giảm ăn. Lượng thức ăn ăn vào giảm là nguyên nhân làm cho các vi nhung mao đường ruột bị ăn mòn, dẫn đến giảm bề mặt hấp thu ở ruột. Điều này cũng có thể làm suy giảm quá trình đồng hóa dưỡng chất và tăng sự nhạy cảm với các bệnh đường ruột ở heo con. Hơn nữa, hệ tiêu hóa của heo con sơ sinh chỉ có sẵn các enzyme để tiêu hóa sữa, chưa được điều chỉnh để tiêu hóa tinh bột thực vật và protein. Do đó ở giai đoạn cai sữa, heo con chuyển hoá thức ăn kém hiệu quả và có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Khi tách dần heo con khỏi nguồn sữa mẹ, hệ thống miễn dịch của chính chúng vẫn còn khá non nớt nên heo con sẽ nhạy cảm hơn với các mầm bệnh trong môi trường sống.

Chúng ta đều biết não và ruột có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, và stress có ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng tiêu hóa. Cai sữa là một yếu tố gây stress, được thể hiện qua những phản ứng sinh lý như giải phóng cortisol. Cortisol kích thích việc tạo ra các cytokine tiền viêm, một số trong đó có liên quan đến sự mở các nút liên kết chặt chẽ trong thành ruột, làm tăng tính thấm của ruột và phá vỡ chức năng hàng rào bảo vệ tiêu hóa.

Đối với heo con, ruột và hệ vi sinh vật đường ruột có liên kết chặt chẽ với nhau, và việc cai sữa có ảnh hưởng đến thành phần hệ vi sinh đường ruột. Cụ thể trong giai đoạn cai sữa, hệ vi sinh đường ruột thay đổi từ hệ vi sinh định hướng tiêu hóa sữa đến sự gia tăng số lượng vi khuẩn phân giải tinh bột, cũng như tăng số lượng vi khuẩn phân giải chất xơ. Sau một thời gian giảm ăn, khi heo con bắt đầu ăn lại thì sự gia tăng lượng ăn vào đáng kể có thể vượt quá khả năng tiêu hóa ở ruột. Một phần thức ăn đang tiêu hóa có thể chuyển xuống ruột già, nơi có thể xảy ra các quá trình lên men dẫn đến sản sinh nhiều axit béo mạch ngắn. Điều này lý giải vì sao tần suất tiêu chảy xuất hiện phổ biến ở heo con sau khi cai sữa. Ngoài ra, sự phá vỡ hàng rào bảo vệ ở ruột có thể dẫn đến sự xâm nhập của những vi khuẩn không mong muốn từ ruột, và có thể làm phát sinh các vấn đề sức khoẻ khác.

Nhờ những tiến bộ khoa học công nghệ gần đây, điển hình như kỹ thuật phân tích ADN đa hệ gen, giúp chúng ta đã có cái nhìn sâu sắc vào những vấn đề và yếu tố gây stress trong giai đoạn cai sữa ở cấp độ vi sinh đường tiêu hóa – và những cơ chế mà hệ vi sinh vật có thể giúp chúng ta giải quyết các vấn đề sức khỏe cho heo con, trong điều kiện giảm sử dụng kháng sinh mà vẫn không bị sụt giảm năng suất.

Một số chất phụ gia sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm bảo vệ sức khỏe đường ruột của heo con:

* Probiotic

Probiotic gồm các cá thể hoặc hỗn hợp của vi khuẩn axit lactic, nấm men vi sinh, hoặc các sản phẩm sinh học cuối của chúng. Cơ chế hoạt động của men vi sinh probiotic bao gồm: a. cạnh tranh giữa các loại nấm men và vi khuẩn của probiotic với các vi sinh vât gây bệnh ở niêm mạc ruột; b. sự hữu hiệu của chất dinh dưỡng; c. Khả năng áp chế sự phát triển mầm bệnh qua cơ chế sản xuất axit hữu cơ và các hợp chất có đặc tính giống như kháng sinh. Do đó probiotic có những tác dụng tích cực đối với quá trình tiêu hóa bằng cách gia tăng hoạt động của enzyme vi sinh và khả năng tiêu hóa hấp thụ thức ăn của động vật; tăng khả năng miễn dịch thông qua cơ chế kích thích hệ thống miễn dịch của động vật và tăng cường khả năng tái tạo tế bào ở niêm mạc ruột.

Tuy nhiên tầm ảnh hưởng của việc sử dụng probiotic trong thức ăn chăn nuôi phụ thuộc đáng kể vào cách thức lựa chọn các chủng vi khuẩn để tạo nên hỗn hợp men vi sinh, liều lượng probiotic trong thức ăn, các tương tác của men vi sinh với các loại dược phẩm khác, thành phần thức ăn, và hơn hết là điều kiện bảo quản cùng công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi.

* Prebiotic

Prebiotic là các chuỗi ngắn carbohydrates hòa tan (chất xơ hòa tan – oligosaccharides). Prebiotic, đã được khoa học chứng minh, đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và khả năng phát triển của động vật chăn nuôi, kích thích sự tăng trưởng của một hay nhiều loại vi khuẩn có lợi. Do prebiotic là các chất xơ hòa tan không tiêu hóa được, prebiotic có thể di chuyển tới đại tràng và hoạt động như một nguồn năng lượng cho vi khuẩn, không giống như các loại đường sinh học thông thường có thể bị tiêu hóa trực tiếp. Vì vậy, các thành phần và hoạt động vi sinh vật sẽ bị thay đổi, dẫn đến các tác dụng phụ như tăng sản lượng khí và giảm trừ độ pH trong đường ruột. Prebiotic cũng có thể ngăn chặn cơ chế bám dính của các mầm bệnh trên niêm mạc bằng cách cạnh tranh với các thụ đường sinh học của chúng; một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thức ăn được bổ sung với các loại oligosaccharides khác nhau có thể suy giảm khả năng nhiễm khuẩn Salmonella và E.coli.

* Axit Hữu Cơ

Axit hữu cơ là những chuỗi axit có cấu trúc chung R-COOH. Chúng được phân bố rộng rãi dưới dạng tự nhiên trong thành phần của thực vật hoặc các mô động vật, và cũng được hình thành thông qua quá trình lên men vi sinh của carbohydrates, chủ yếu ở ruột già.

Các axit hữu cơ được sử dụng phổ biến trong thức ăn chăn nuôi gồm có formic, axetic, propionic, butyric, lactic, sorbic, fumaric, tartaric, citric, benzoic, và malic, và được chia làm 2 nhóm dựa theo đặc tính của chúng. Nhóm thứ nhất gồm có lactic, fumaric, citric có đặc tính gián tiếp giảm thiểu số lượng vi khuẩn bằng cách giảm trừ độ pH trong dạ dày; trong khi đó, nhóm thứ hai gồm có formtic, axetic, propionic và sorbic có đặc tính tác động trực tiếp làm giảm độ pH trong đường tiêu hóa trên tế bào của vi khuẩn Gram.

Tác dụng của axit hữu cơ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sau: độ pK của axit, tỷ lệ của các loại axit bổ sung, thành phần của chế độ ăn và khả năng đệm của axit hữu cơ, các hoạt động của axit nội tại ở động vật, khả năng miễn dịch nhờ tiêm phòng của lợn/gà mẹ, tuổi của động vật, và hơn hết là điều kiện và tiêu chuản vệ sinh của trại chăn nuôi.

* Khoáng chất Zeolite

Zeolite là những tinh thể khoáng silicat nhôm có cấu trúc tinh thể xác định. Căn cứ vào cấu trúc độc đáo của chúng, zeolit (đặc biệt là clinoptilolite), đã được sử dụng làm chất phụ gia cho thức ăn chăn nuôi để cải thiện khả năng miễn dịch độc tố mycotoxin (độc tố vi nấm mốc sản sinh tự nhiên) và hiệu suất tăng trưởng của động vật. Gần đây, clinoptilolite đã được đăng ký sử dụng làm chất phụ gia cho thức ăn chăn nuôi trong khối liên minh EU, với hàm lượng lên tới 2% chất khô. Hiệu quả của chúng trong việc chống độc tố nấm mốc, cùng với khuynh hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ không để lại chất dư trên động vật chăn nuôi, được dự kiến sẽ thúc đẩy việc sử dụng khoáng chất zeolite để thay thế kháng sinh trên thức ăn chăn nuôi.

* Thảo dược tự nhiên

Việc sử dụng thảo dược tự nhiên làm phụ gia trong thức ăn chăn nuôi được quan tâm nhiều hơn trong những năm gần đây. Thảo dược tự nhiên trong chuyên ngành thức ăn chăn nuôi được định nghĩa là các hợp chất có nguồn gốc từ thực vật đưa vào trong khẩu phần dinh dưỡng của gia súc – gia cầm, ví dụ như các loại thảo mộc, hương liệu và các loại dầu thiết yếu cho dinh dưỡng động vật. Chúng có rất nhiều lợi ích cho động vât, từ việc thúc đẩy tăng trưởng của động vật qua việc cải thiện đặc tính dinh dưỡng của thức ăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất của động vật, tới việc nâng cao chất lượng thực phẩm đem lại lợi ích cho con người thông qua quá trình gián tiếp cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết của thảo dược qua sản phẩm thịt động vật.

Khi ngành chăn nuôi đang phải đối mặt với áp lực giảm sử dụng kháng sinh, những vấn đề xoay quanh hệ vi sinh đường ruột của vật nuôi dần trở nên quan trọng hơn. Việc sử dụng các chất phụ gia trong thức ăn chăn nuôi nhằm tạo một hệ vi sinh vật cân bằng, ổn định có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ sức khỏe vật nuôi, làm giảm ảnh hưởng tiêu cực của stress trong quá trình cai sữa đối với heo con. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả tốt hơn cần kết hợp với các giải pháp về khẩu phần ăn phù hợp, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và tăng khả năng miễn dịch bằng kháng thể thụ động mẹ truyền sang con.


Hình: Đàn heo con giai đoạn cai sữa 

Phòng Thú y cộng đồng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây