Các giải pháp thay thế kháng sinh trong chăn nuôi heo

Thứ tư - 31/10/2018 16:00 411 0

Hiện nay tại Việt Nam, vấn đề lạm dụng kháng sinh xảy ra rất nhiều trong ngành chăn nuôi lấy thịt, đặc biệt là chăn nuôi heo. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh tràn lan, không chỉ dẫn đến việc vi khuẩn kháng thuốc, mà hơn thế, khi lượng kháng sinh sử dụng không được kiểm soát dẫn đến tồn dư sẽ gây nguy hiểm tới sức khỏe cộng đồng. Trong chăn nuôi, sử dụng kháng sinh có trách nhiệm là loại bỏ sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng và tăng hiệu quả sử dụng thức ăn. Kháng sinh chỉ được sử dụng để điều trị bệnh động vật dưới sự giám sát chặt chẽ của thú y.

Do đó việc đưa ra các giải pháp để thay thế kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi heo là vấn đề cấp bách hiện nay.

Giải pháp quan trọng đầu tiên là thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, áp dụng quy trình quản lý cùng vào – cùng ra, tăng cường dọn dẹp vệ sinh, khử trùng sạch sẽ chuồng trại và quan trọng nhất là thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi để giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh, từ đó giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh.

Giải pháp thứ hai là áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe đường ruột của con vật vì hệ miễn dịch ruột chiếm 70-80% năng lực miễn dịch của cơ thể. Hệ tiêu hóa khỏe thì khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn tốt, thành ruột ngăn ngừa hiệu quả độc tố và nguồn bệnh, hệ miễn dịch ruột sản sinh đầy đủ kháng thể để bảo vệ ruột và toàn bộ cơ thể. Các biện pháp bảo vệ sức khỏe đường ruột bao gồm:

1. Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng của khẩu phần theo một tỷ lệ cân đối phù hợp với nhu cầu của con vật; đặc biệt là cân đối axit amin để giảm protein tổng số.

Các chất dinh dưỡng, nhất là những protein không được hấp thụ ở hồi tràng cuối trở thành chất nền cho vi khuẩn phát triển trong ruột già. Đặc biệt, E.coli phát triển mạnh trên protein không được tiêu hóa. Tất nhiên, một lượng vi khuẩn lớn không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến dinh dưỡng động vật, mà còn là nơi ẩn náu của các mầm bệnh như Colibacillus, Salmonella, và Clostridium. Do đó, mầm bệnh cần protein để phát triển và tăng số lượng, điều này có nghĩa là khi ta giảm tổng hàm lượng protein trong khẩu phần đồng thời tăng khả năng tiêu hóa các protein này, thì vi khuẩn sẽ bị suy giảm rõ rệt. Theo phương pháp này, điều quan trọng là cần cân bằng được lượng axit amin trong cơ thể vật nuôi để phát huy tối đa khả năng tăng trưởng và tích lũy nạc.

2. Làm ẩm thức ăn giai đoạn cuối cai sữa cho phép cải thiện khả năng ăn của heo con, giảm được độ teo nhung mao và giảm thiểu tác động của quá trình chuyển đổi thức ăn khi cai sữa.

3. Sử dụng các phụ gia có lợi cho sức khỏe ruột hay ngăn ngừa những tác nhân gây tổn hại đến sức khỏe ruột như: probiotic, prebiotic, axit hữu cơ, enzyme công nghiệp, các chất vô hoạt mycotoxin, các chất chống oxy hóa và thảo dược.

Tuy nhiên không có chất phụ gia hay biện pháp quản lý riêng lẽ nào mang lại hiệu quả tăng trưởng và giá thành rẻ có thể thay thế được kháng sinh. Do đó, sự kết hợp đồng bộ giữa các yếu tố được nêu trên là giải pháp thay thế tốt nhất, tuy nhiên thường có chi phí cao hơn.

Ngày 02/10/2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tổ chức buổi giới thiệu về thức ăn bổ sung curcumin cho gia súc, gia cầm cho người chăn nuôi và thú y viên trên địa bàn tỉnh với số lượng 70 người./.

Phòng Thú y cộng đồng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây