Ngày 19/11/2018, Quốc hội ban hành Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 gồm 08 chương và 83 điều; quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, thay thế Pháp lệnh Giống vật nuôi số 16/2004/PL-UBTVQH11.
Trong Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14, người chăn nuôi cần nắm bắt một số quy định nhằm phục vụ công tác chăn nuôi được tốt hơn. Một số quy định về chăn nuôi cần nắm bắt gồm:
I. Các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi: được quy định tại Điều 12 của Luật:
- Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.
- Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
- Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại.
- Gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi nhằm trục lợi.
- Cản trở, phá hoại, xâm phạm hoạt động chăn nuôi hợp pháp.
II. Yêu cầu đối với giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường: được quy định tại Điều 18 của Luật:
- Đã công bố tiêu chuẩn áp dụng.
- Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng.
- Đáp ứng yêu cầu kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y.
III. Điều kiện về sản xuất, mua bán con giống vật nuôi: được quy định tại Điều 22 của Luật:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất con giống vật nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Các điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật Chăn nuôi;
+ Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với giống vật nuôi;
+ Cơ sở nuôi giữ giống gốc, cơ sở tạo dòng, giống vật nuôi phải có nhân viên kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học;
+ Cơ sở nuôi đàn giống cấp bố mẹ đối với lợn, gia cầm, đàn nhân giống, sản xuất con giống vật nuôi phải có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học;
+ Có hồ sơ giống ghi rõ tên giống, cấp giống, xuất xứ, số lượng, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật.
- Tổ chức, cá nhân mua bán con giống vật nuôi phải có bản công bố tiêu chuẩn áp dụng của cơ sở sản xuất và hồ sơ giống theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 22 Luật Chăn nuôi.
IV. Điều kiện về sản xuất, mua bán tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng giống vật nuôi, dịch vụ thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi giống vật nuôi: được quy định tại Điều 23 của Luật:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng giống vật nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật Chăn nuôi;
+ Có hồ sơ theo dõi chỉ tiêu chất lượng tinh trong thời gian kiểm tra, khai thác tinh đực giống;
- Tổ chức, cá nhân sở hữu đực giống để phối giống trực tiếp nhằm mục đích thương mại phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
+ Kê khai đực giống theo quy định tại Điều 54 của Luật Chăn nuôi;
+ Sử dụng đực giống có nguồn gốc, hồ sơ giống, đã được kiểm dịch, kiểm tra, đánh giá chất lượng.
- Cá nhân làm dịch vụ thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi giống vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
+ Có chứng chỉ đào tạo về thụ tinh nhân tạo hoặc kỹ thuật cấy truyền phôi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
+ Khi làm dịch vụ thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi phải ghi chép thông tin về chủ hộ, số hiệu đực giống, cái giống, ngày phối giống, lần phối.
V. Kê khai hoạt động chăn nuôi: được quy định tại Điều 54 của Luật:
- Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với Ủy ban nhân dân cấp xã.
VI. Chăn nuôi trang trại: được quy định tại Điều 55 của Luật:
- Chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi;
- Tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
VII. Chăn nuôi nông hộ: được quy định tại Điều 56 của Luật: Chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người.
- Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;
- Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
VIII. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân chăn nuôi được quy định tại Điều 57 của Luật:
- Tổ chức, cá nhân chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:
+ Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 của Luật Chăn nuôi.
IX. Xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ được quy định tại Điều 60 của Luật:
Chủ chăn nuôi nông hộ phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
- Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh;
- Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
X. Chăn nuôi động vật khác (gồm nuôi Chim yến, ong mật, chó mèo, hươu sao và động vật nuôi khác): được quy định từ Điều 64 đến Điều 68 của Luật; gồm:
- Quản lý nuôi chim yến:
+ Dẫn dụ chim yến là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để thu hút chim yến về làm tổ trong nhà yến.
+ Hoạt động nuôi chim yến bao gồm dẫn dụ, ấp nở, gây nuôi chim yến và khai thác tổ yến.
+ Tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi chim yến trong vùng nuôi chim yến phải bảo đảm môi trường, tiếng ồn, phòng ngừa dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
- Quản lý nuôi ong mật:
+ Đàn ong nuôi lấy mật là đàn ong đã được thuần hóa và phải bảo đảm an toàn dịch bệnh.
+ Tổ chức, cá nhân nuôi ong lấy mật phải bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn ong, vệ sinh môi trường nơi nuôi ong, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm khai thác từ ong mật.
- Quản lý nuôi chó, mèo: Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
+ Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y;
+ Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y;
+ Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y;
+ Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Quản lý nuôi hươu sao:
+ Tổ chức, cá nhân chỉ được phép nuôi hươu sao đã được thuần hóa, có nguồn gốc hợp pháp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc của hươu sao được nuôi.
+ Tổ chức, cá nhân nuôi hươu sao phải có chuồng nuôi phù hợp với đặc tính sinh học của hươu sao, bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, phòng ngừa dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
- Quản lý chăn nuôi động vật khác
+ Tổ chức, cá nhân được chăn nuôi động vật khác quy định tại các điều 64, 65, 66 và 67 của Luật Chăn nuôi và động vật khác thuộc Danh mục động vật khác được phép chăn nuôi.
XI. Bổ sung nội dung Đối xử nhân đạo với vật nuôi gồm 04 điều từ điều 69 đến điều 71 gồm:
Điều 69. Đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi
Điều 70. Đối xử nhân đạo với vật nuôi trong vận chuyển
Điều 71. Đối xử nhân đạo với vật nuôi trong giết mổ
Điều 72. Đối xử nhân đạo với vật nuôi trong nghiên cứu khoa học và hoạt động khác
XII. Quy định chuyển tiếp tại Điều 83 của Luật nêu rõ:
- Cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thuộc khu vực quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này thì trong thời hạn là 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp.
- Cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không đáp ứng điều kiện chăn nuôi thì trong thời hạn là 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải hoàn thiện điều kiện chăn nuôi đáp ứng quy định của Luật này.
Toàn văn Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH 14 được đăng tải kèm theo
Luat Chan nuoi so 32 2018 QH 14.pdf
Chi cục Chăn nuôi và Thú y
Ý kiến bạn đọc