Thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi heo nông hộ

Thứ ba - 02/07/2019 21:00 580 0

Chăn nuôi nông hộ tạo ra sản lượng thực phẩm lớn cho xã hội, góp phần tạo công ăn việc làm, giúp xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững ở nông thôn.

Chăn nuôi nông hộ là một đầu mối tiêu thụ, chế biến những phụ phẩm của ngành nông nghiệp, các ngành nghề phụ ở nông thôn như xay xát, nấu rượu, làm bún, bánh... để tạo ra những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như trứng, thịt, sữa...

Ngoài ra, chăn nuôi nông hộ tận dụng được nguồn đất đai bạc màu, công lao động nhàn rỗi và vốn tự có của hộ nông dân.

Tuy nhiên, hạn chế đối với chăn nuôi heo nhỏ lẻ chính là khó đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp và kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay, bệnh Dịch tả heo Châu Phi xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước khiến cho người chăn nuôi heo như ngồi trên đống lửa. Nguy cơ xâm nhiễm cao, trong khi người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ chưa có đủ phương tiện, điều kiện phòng, chống bệnh dịch hiệu quả. Những ổ dịch ghi nhận được cho tới thời điểm phần lớn đều ở những hộ chăn nuôi nhỏ, không kiểm soát được nguồn lây nhiễm.

Việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học tại các nông hộ là vô cùng quan trọng, cần thiết  nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm vật nuôi, sức khỏe người chăn nuôi và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường.

Dưới đây là một số hướng dẫn để xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học tại nông hộ:  

a) Yêu cầu về chuồng trại:

- Trại chăn nuôi có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; đối với chăn nuôi nông hộ, yêu cầu tối thiểu phải cách biệt giữa khu vực chăn nuôi với nhà ở và nguồn nước sinh hoạt.     

- Cần có 2 ô chuồng cách ly tách biệt. Một ô để nuôi heo mới mua về, theo dõi trong 02 tuần, nếu không có biểu hiện bệnh mới cho nhập đàn. Một ô để tách riêng heo có bệnh ở vị trí cuối chiều gió.

 - Có hố khử trùng tại cổng ra vào trại chăn nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng; đối với chăn nuôi nông hộ là các khay chứa thuốc sát trùng hoặc vôi bột ; người chăn nuôi trước khi vào chuồng nuôi phải mang ủng và nhúng qua vôi hoặc dung dịch sát trùng.

- Chuồng nuôi dễ vệ sinh, khử trùng tiêu độc; phải có nơi để chứa, ủ chất thải rắn, có hố để xử lý chất thải lỏng đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.

- Chuồng nuôi phải bố trí hợp lý theo các kiểu chuồng về vị trí, hướng, kích thước, khoảng cách giữa các dãy chuồng;

- Nền chuồng không trơn trượt và có rãnh thoát nước đối với chuồng sàn, có độ dốc từ 3-5% đối với chuồng nền;


Hình: chuồng nuôi heo tại nông hộ

- Khu vực xử lý chất thải, nước thải cần tách biệt với chuồng nuôi chính. Công suất của hệ thống xử lý chất thải, nước thải phải đáp ứng nhu cầu xử lý đối với quy mô đàn heo được nuôi.

- Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến nơi xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác;

- Các thiết bị trong chuồng trại, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống phải phù hợp và dễ vệ sinh tẩy rửa;

-  Tùy vào quy mô chăn nuôi có thiết kế xây dựng chuồng nuôi, kho thức ăn, kho thuốc thú y, kho hoá chất và thuốc sát trùng, kho thiết bị. Các kho chứa này phải thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Đối với chăn nuôi nông hộ khu vực để thức ăn phải thoáng mát, cao ráo, tránh chuột và các động vật khác.

b) Yêu cầu về con giống

- Heo giống phải có nguồn gốc rõ ràng.

- Con giống phải khỏe mạnh và được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phù hợp với lứa tuổi theo quy định của thú y.

- Heo giống mới nhập về cần được nuôi cách ly riêng và ghi chép đầy đủ các biểu hiện bệnh lý của con giống trong quá trình nuôi cách ly.

- Không nuôi lẫn các lứa heo khác nhau trong cùng ô chuồng; không nuôi chung heo với các loài vật khác.

c) Thức ăn, nước uống

- Thức ăn sử dụng cho chăn nuôi heo phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn và khẩu phần ăn của các loại heo; Không dùng thức ăn ôi, thiu, mốc. Không dùng thức ăn không rõ nguồn gốc hoặc quá hạn sử dụng.  Không cho heo ăn các phụ phẩm từ lò mổ, thức ăn thừa từ nhà hàng khách sạn, từ chợ mà không qua nấu chín.

- Không sử dụng thức ăn thừa của đàn heo đã xuất chuồng, thức ăn của đàn heo đã bị  bệnh dịch cho đàn heo mới;

- Bao bì, dụng cụ đựng thức ăn của đàn heo bị dịch bệnh phải được tiêu độc, khử trùng;

- Nước dùng cho heo uống phải an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; Sử dụng nước sạch cho heo uống, không dùng nước đục, nước ao tù. Nước giếng khoan có hàm lượng sắt cao hoặc các chất độc phải xử lý trước khi cho heo uống. Tuyệt đối không sử dụng nước ao, hồ, kênh rạch làm nước uống cho heo; trường hợp cần thiết phải sử dụng  thì phải được tiệt trùng bằng dung dịch chlorine.

- Trong trường hợp phải trộn thuốc, hóa chất vào thức ăn, nước uống nhằm mục đích phòng hoặc trị bệnh phải tuân thủ thời gian ngừng thuốc, ngừng hóa chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất; không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong danh mục cấm theo quy định hiện hành.

d) Vệ sinh thú y

- Chất sát trùng tại các hố sát trùng hoặc khay sát trùng phải bổ sung hoặc thay hàng ngày;

- Tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào cơ sở chăn nuôi, khu chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và phải được phun thuốc sát trùng. Mọi người trước khi vào khu chăn nuôi phải mang ủng hoặc giày dép và mặc quần áo bảo hộ của cơ sở; trước khi vào các chuồng nuôi phải nhúng ủng hoặc giầy dép vào hố khử trùng;

- Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi tùy vào nguy cơ dịch bệnh; trường hợp tỉnh chưa có dịch thì thực hiện ít nhất 1 lần/2 tuần; phun thuốc sát trùng lối đi trong khu chăn nuôi và các dãy chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, và ít nhất 1 lần/ngày khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên heo 1 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất;


Hình: Hố khử trùng


Hình: Khay để nhúng ủng  khử trùng trước mỗi dãy chuồng

- Định kỳ phát quang bụi rậm, khai thông và vệ sinh cống rãnh trong khu chăn nuôi ít nhất 1 lần/tháng;

-  Không vận chuyển heo, thức ăn, chất thải hay vật dụng khác chung một phương tiện; phải thực hiện sát trùng phương tiện vận chuyển trước và sau khi vận chuyển;

- Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày;

- Có biện pháp kiểm soát côn trùng, loài gặm nhấm và động vật khác (nếu có) trong khu chăn nuôi.

- Áp dụng phương thức chăn nuôi "cùng vào cùng ra" theo thứ tư ưu tiên cả khu, từng dãy, từng chuồng, từng ô;

- Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa heo mới vào. Trường hợp cơ sở chăn nuôi bị dịch bệnh, phải để trống chuồng ít nhất 21 ngày (đối với cơ sở chăn nuôi bị dịch tả heo Châu Phi thì phải để trống chuồng ít nhất 30 ngày).

đ) Xử lý chất thải và bảo vệ môi trường

- Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, hoặc bằng hóa chất; đối với chăn nuôi nông hộ nên thu gom để ủ bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định hiện hành của thú y;

- Các chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng lối thoát riêng và được xử lý bằng hóa chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

e) Biện pháp quản lý

- Hạn chế cho khách tham quan chuồng trại. Bắt buộc khách thăm thay giầy khi vào và ra trại bằng cách nhúng chân vào hố chứa dung dịch sát trùng.

- Hạn chế tối đã việc mang các dụng cụ, thiết bị cá nhân vào chuồng nuôi nếu không cần thiết.

- Đối với chăn nuôi nông hộ, hạn chế phương tiện mua heo, bắt heo vào khu vực chăn nuôi, nếu nhất thiết cần vào khu chăn nuôi, phải được rửa sạch toàn bộ bùn đất và phải được sát trùng.

- Nên thay quần áo riêng, mang ủng cao su, sát trùng trước khi vào khu chăn nuôi.

- Ngăn chặn, không cho động vật khác như chó, mèo, (gặm nhấm, chim,..) xâm nhập vào khu chăn nuôi.

- Thức ăn, rau củ quả mua từ chợ về cần phải rửa sạch, nếu có tủ UV thì nên khử trùng bằng tia UV, nếu không thì rửa qua bằng nước chlorine nồng độ 100ppm. Tuyệt đối không mang thịt heo và các sản phẩm nấu chin từ heo vào khu chăn nuôi.


Hình: Tủ UV sát trùng dụng cụ

 

- Thực hiện tốt 5"KHÔNG"

1. Không giấu dịch

2. Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết

3. Không giết mổ tiêu thụ

4. Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt

5. Không vứt heo chết ra môi trường.


Chi cục Chăn nuôi và Thú y (PDTTY)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây