Ngày 18/6/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 44/2021/TT-BTC quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt (Thông tư số 44) thay thế Thông tư số 88/2012/TT-BTC ngày 28/5/2012 của Bộ Tài chính ban hành khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt, Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn (Thông tư số 75), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/8/2021.
Thông tư số 44 hướng dẫn rõ, cụ thể hơn nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch, giá nước sạch được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình khai thác, sản xuất, phân phối, tiêu thụ và có lợi nhuận; phù hợp với chất lượng nước, định mức kinh tế - kỹ thuật, quan hệ cung cầu về nước sạch, điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương, khu vực, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ; hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước sạch (sau đây gọi là đơn vị cấp nước) và khách hàng sử dụng nước; khuyến khích khách hàng sử dụng nước tiết kiệm; khuyến khích các đơn vị cấp nước nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, giảm thất thoát, thất thu nước sạch, đáp ứng nhu cầu của khách hàng; thu hút đầu tư vào hoạt động sản xuất, phân phối nước sạch. Trong đó, khung giá nước sạch quy định tại Thông tư này không thay đổi so với khung giá quy định tại Thông tư số 88/2012/TT-BTC.
Bổ sung mới 2 khoản mục là chi phí tài chính và chi phí đảm bảo cấp nước an toàn.Trong đó, chi phí tài chính là những khoản chi phí trả lãi các khoản vay, lỗ chênh lệch tỷ giá (nếu có) liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh nước sạch; chi phí đảm bảo cấp nước an toàn là những khoản chi phí phục vụ các hoạt động nhằm giảm thiểu, loại bỏ, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro gây mất an toàn cấp nước từ nguồn nước qua các công đoạn thu nước, xử lý, dự trữ và phân phối đến khách hàng sử dụng nước.
Với chính sách mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa đối với mỗi dự án lên đến 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước, dẫn đến chi phí lãi vay cao. Việc đưa chi phí lãi vay vào tổng chi phí sản xuất, kinh doanh nước sạch làm cho giá thành của 01m³ nước sạch tăng cao. Bên cạnh đó, lợi nhuận định mức theo Thông tư số 44 để đưa vào phương án giá nước sạch của đơn vị cấp nước chỉ cấp nước khu vực đô thị hoặc khu vực nông thôn là từ 360 đồng/m³ - 1.300 đồng/m³, đối với đơn vị cấp nước đồng thời cho khu vực đô thị và khu vực nông thôn là từ 360 đồng/m³ - 1.500 đồng/m³. Lợi nhuận định mức trần khá cao so với quy định trước đây về lợi nhuận định mức được tính mức tối thiểu 5% trên giá thành toàn bộ tại Thông tư số 75. Qua đó các khoản mục nêu trên ảnh hưởng lớn đến giá bán lẻ, nước sạch đưa đến khách hàng sử dụng với mức giá bán lẻ rất cao.
Một điểm mới tiếp theo là tỷ lệ hao hụt, theo Thông tư số 44 quy định tỷ lệ hao hụt nước sạch đưa vào tính toán sản lượng nước sạch thương phẩm trong phương án giá nước sạch tối đa là 20%. Trước đây Thông tư số 75 quy định toàn bộ mạng cấp nước để tiêu thụ đã đưa vào sử dụng dưới 10 năm: 23%; đối với toàn bộ mạng cấp nước để tiêu thụ đã đưa vào sử dụng từ 10 năm trở lên: 32%; trường hợp mạng cấp nước để tiêu thụ được đưa vào sử dụng có thời gian xen lẫn (gồm cả mạng cấp nước dưới 10 năm và mạng cấp nước từ 10 năm trở lên): 27%. Hiện tại, các công trình cấp nước sạch cho khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được xây dựng từ những năm 2000 cho đến nay với quy mô nhỏ, công nghệ cũ, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối chi phí nhằm giảm tỷ lệ hao hụt xuống đạt mức tối đa là 20%.
Nội dung chi phí sản xuất nước sạch không phân biệt cho khu vực đô thị hay nông thôn. Thông tư số 44 có quy định: Ủy ban Nhân dân tỉnh có chính sách hoặc cơ chế điều hòa về mức giá nước sạch của đơn vị cấp nước cung cấp nước sạch đồng thời tại khu vực đô thị và nông thôn để đảm bảo hài hòa giá nước sạch giữa các khu vực.
Đối với hệ số tính giá tối đa so với giá bình quân, Thông tư này có thay đổi đối với nhóm khách hàng là hộ dân cư, lượng nước sạch sử dụng từ trên 20m³ – 30m³/đồng hồ/tháng, hệ số tính giá tối đa so với giá bình quân là 1,5 (theo quy định cũ là 1,2 tại Thông tư số 75).
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn quyết định về lộ trình điều chỉnh giá nước sạch tối đa 05 năm. Thông tư quy định đối với Hồ sơ phương án giá nước sạch đã được Sở Tài chính thẩm định, biểu giá nước sạch đã ban hành theo quy định tại Thông tư số 75 trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực tiếp tục thực hiện đến khi lập Hồ sơ phương án giá nước sạch và ban hành biểu giá nước sạch mới.
Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội nói chung, sự phát triển của ngành nước nói riêng, hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch đã có nhiều thay đổi, việc ban hành Thông tư số 44 đã hướng dẫn chi tiết phương pháp xác định giá nước sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị cấp nước tính toán phương án giá nước sạch, đầu tư và nâng cấp các công trình cấp nước./.
Trung tâm Nước sạch và VSMTNT
Ý kiến bạn đọc