Tập huấn hướng dẫn về ứng dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng trong các công trình cấp nước sạch nông thôn

Thứ ba - 11/07/2023 14:09 269 0

Ngày 30 tháng 6 năm 2023, tại Khách sạn Kim Thơ – số 1A Ngô Gia Tự, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, Trung tâm quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm quốc gia Nước sạch) thuộc Tổng cục Thuỷ lợi đã tổ chức Tập huấn Hướng dẫn ứng dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng trong các công trình cấp nước sạch nông thôn.

Buổi Tập huấn nằm trong khôn khổ Dự án do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEPT) tài trợ, hợp tác thực hiện với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Hình 1: Giới thiệu đại biểu và phát biếu khai mạc

Tham dự tập huấn có các đại biểu từ Trung tâm quốc gia Nước sạch, Tổ chức UNICEFT, Trung tâm Phát triền xanh GREEN.DC (công ty tư vấn), trường Đại học Cần thơ cùng đại biểu đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn của 09 tỉnh thành phố gồm: Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận và Đắc Lắc.

Theo Báo cáo kết quả khảo sát thực tế năm 2023 của Trung tâm quốc gia Nước sạch về hiện trạng ứng dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng tại 16 công trình nước sạch nông thôn thuộc 6 tỉnh (An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bình Thuận, Nam Định và Thái Nguyên) cho thấy: tất cả các công trình nước sạch nông thôn sử dụng nước mặt và nước ngầm đều sử dụng điện; thời gian sử dụng gần như liên tục suốt ngày đêm; các thiết bị tiêu thụ điện chính gồm các hệ bơm cấp 1 và cấp 2; chi phí tiền điện trong cơ cấu giá thành nước sạch khá cao, chiếm từ 20-30%, thậm chí có một số công trình nước sạch nông thôn lên đến 30%. Do đó, để giảm chi phí giá thành nước sạch, các công trình nước sạch nông thôn cần áp dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng như các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hoặc sử dụng các nguồn năng lượng khác rẻ hơn, thân thiện với môi trường cũng như bảo toàn nguồn tài nguyên thiên nhiên như năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió…

Tại buổi tập huấn các đại biểu đã thảo luận việc chuyển dịch năng lượng đang là mục tiêu quan trọng của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới trước sức ép nhu cầu năng lượng tăng trong khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch sang nguồn năng lượng tái tạo không chỉ giúp đảm bảo nhu cầu năng lượng cũng như an ninh năng lượng của mỗi quốc gia, việc phát triển năng lượng tái tạo còn là một giải pháp quan trọng nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.

Các nguồn năng lượng tái tạo giúp giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả. Ví dụ như, một hệ thống điện mặt trời công suất 1MWp được lắp đặt trên mái của nhà sẽ tạo ra 120-150 nghìn kWh điện/tháng, hơn 1,5 triệu kWh điện/năm, giúp giảm phát thải khoảng 1.000 tấn CO2/năm và tương đương với trồng hơn 17.000 cây xanh mỗi năm.

Như vậy, trong suốt vòng đời khoảng 25-30 năm, hệ thống này sẽ giúp giảm phát thải khoảng 25-30 tấn CO2. Rất rõ ràng, việc đầu tư nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió,…không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho các hộ gia đình, doanh nghiệp khi có thể tự tạo ra điện sạch để phục vụ nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của mình mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt môi trường. Hơn nữa, các hệ thống điện mặt trời áp mái còn được ví như những “mái xanh”, có tác dụng cách nhiệt rất tốt, giúp làm mát vào mùa hè, làm ấm vào mùa đông cho công trình bên dưới, từ đó giúp giảm sử dụng năng lượng cho hệ thống điều hòa, máy sưởi; tăng hiệu quả tiết kiệm năng lượng. Sau khi hết vòng đời, khả năng tái chế các tấm quang năng này lên đến 93-95%. Chúng chính là tài nguyên làm vật liệu đầu vào sản xuất các tấm pin mới hoặc cho các mục đích khác, không gây hại đến môi trường.

Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo phong phú. Với tổng số giờ nắng cao (lên đến trên 2.500 giờ/năm), tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam, Việt Nam rất thuận lợi khi khai thác năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo đang được Chính phủ ưu tiên phát triển. “Đảng và Nhà nước đã thực thi nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể hóa bằng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khẳng định việc ưu tiên khai thác, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Việt Nam cũng đang đặt mục tiêu giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế; đặt mục tiêu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2020-2025 (theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Chính vì vậy, có thể nói tham gia phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo là một giải pháp mà các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp có thể chung tay thực hiện nhằm bảo vệ môi trường, chống lại biến đổi khí hậu theo định hướng của Chính phủ cũng như xu hướng trên toàn cầu. Việc ứng dụng năng lượng tái tạo, điện mặt trời được đánh giá là có tính hợp lý và khả năng áp dụng nhất cho các công trình cấp nước nông thôn bởi tính tiện lợi, suất đầu tư vừa phải, phù hợp với địa hình và nhu cầu sử dụng điện thực tế của công trình. Về tiết kiệm năng lượng, mặc dù đa số là các công trình có quy mô vừa và nhỏ, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các công trình cấp nước nông thôn là khá cao, ước tính khoảng từ 15% – 20%. Các giải pháp và công nghệ có thể tiết kiệm năng lượng điển hình như sử dụng biến tần (VFD) để điều khiển tốc độ của thiết bị máy bơm, nâng cấp lên máy bơm hiệu suất cao, thực hiện các giải pháp quản lý như lập lịch bơm phù hợp, khắc phục rò rỉ, khuyến khích các hành vi tiết kiệm nước,…

Hình 2: Đại biểu tham dự chụp ảnh kỷ niệm

Mặc dù có nhiều tiềm năng, tuy nhiên tại hội thảo các đại biểu cũng bang khoăn việc ứng dụng điện mặt trời trong các công trình cấp nước trong những năm qua còn chưa phổ biến. Nguyên nhân là do còn có các vướng mắc, bất cập khi thực hiện giải pháp năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng như cơ chế chính sách chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu nguồn vốn đầu tư, … về vấn đề cơ chế chính sách rất mong các cơ quan quản lý nhà nước sớm có các hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ các vướng mắc về nối lưới đối với điện mặt trời, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm, cho vay ưu đãi, đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực và nhận thức cho cán bộ vận hành các công trình cấp nước…đây là một trong vấn đề hết sức quan trọng rất cần sự quan tâm của lãnh đạo các bộ ngành Trung ương./.

Tác giả: Nuoc sach

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây