Vấn đề nước sạch cho nông thôn mới

Thứ năm - 20/07/2023 16:11 545 0

Những năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo các làng quê nông thôn. Việc cung cấp các dịch vụ cơ bản có nhiều thay đổi. Ðặc biệt, tiêu chí về nước sạch và vệ sinh môi trường đã nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sức khỏe nhân dân.

Tính đến tháng 6 năm 2023, khu vực nông thôn có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đảm bảo quy chuẩn đạt tỷ lệ 68% (147.392/216.753 hộ), cụ thể:

 Đối với công trình cấp nước tập trung: số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn tăng 3.340 hộ so với cuối năm 2022, lũy kế số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung đạt 30.306 hộ, trong đó: 24.714 hộ từ công trình cấp nước tập trung nông thôn và 5.592 hộ từ các nhà máy của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh.

Về cấp nước quy mô hộ gia đình: Trên địa bàn tỉnh có 186.447 hộ gia đình sử dụng nước từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình, trong đó: 179.995 hộ gia đình sử dụng nước từ giếng khoan và 6.452 hộ được hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình trong giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.

 

Hình: Người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung

Nước sạch là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống người dân và trong sản xuất nông công nghiệp… Ở các đô thị, vấn đề nước sạch được giải quyết thông qua việc cung cấp từ các nhà máy nước tập trung. Còn tại các vùng nông thôn, từ xưa nước coi là sạch được dùng từ giếng khơi, giếng làng, bể nước mưa, hay nước sông suối, … Tuy nhiên, các nguồn nước đó không bền vững bởi bị tác động rất lớn do ô nhiễm môi trường.

Ðể nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân vùng nông thôn, giải quyết triệt để những bệnh lý thông thường do sử dụng nguồn nước chưa đạt chuẩn, ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 318/QÐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh và nâng chỉ tiêu tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch đạt quy chuẩn. Theo đó, khu vực Bắc Trung Bộ, tỷ lệ dân được dùng nước sạch ở các xã vùng III tối thiểu là 35% (trong đó 15% cung cấp bởi hệ thống cấp nước tập trung), các xã không thuộc vùng III tương ứng là 45% và 20%...

Trước đó, ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1978/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đề ra mục tiêu đến năm 2030, 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; đến năm 2045, 100% số dân được dùng nước sạch đạt quy chuẩn, bền vững.

Tuy nhiên, với bộ tiêu chí mới, nhiều vùng nông thôn (kể cả các xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới) sẽ khó đạt về tiêu chí nước sạch; những xã đang phấn đấu về đích nông thôn mới lại càng khó khăn để đạt chuẩn.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu đầu tư các công trình nước sạch tập trung ở nông thôn rất lớn, nhưng nguồn lực của Nhà nước có hạn. Bên cạnh đó, đặc thù nhiều vùng nông thôn địa bàn dân cư thưa, phân tán nên chi phí đầu tư lớn, khó kêu gọi thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia.

Hình: Sửa chữa tuyến ống tại CTCN Thanh Hòa, huyện Châu Thành đảm bảo cung cấp nước phục vụ người dân

Nhằm khắc phục những khó khăn nêu trên, hướng tới nhằm đảm bảo cho người dân các xã nông thôn mới được sử dụng nước sạch, các địa phương cần rà soát, điều chỉnh và cập nhật nội dung cấp nước sạch nông thôn vào quy hoạch nông thôn, bảo đảm cấp nước sinh hoạt nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn nước; hỗ trợ đầu tư một số mô hình cấp nước sạch tại các vùng đặc thù, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước. Bên cạnh đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát sửa chữa, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có; trong đó chú trọng nâng cấp công nghệ xử lý chất lượng nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu; xây dựng, triển khai thí điểm một số mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình; mô hình cấp nước hộ gia đình thích ứng với biến đổi khí hậu cho dân cư vùng đặc thù, chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, khan hiếm, khó khăn về nguồn nước. Về lâu dài, cần nâng cao năng lực quản trị trong công tác quản lý vận hành công trình cấp nước nông thôn; từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp và ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học công nghệ trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là về công nghệ thông tin và tự động hóa trong hoạt động cấp nước nông thôn, bảo đảm hầu hết công trình cấp nước đều hoạt động bền vững, thực hiện tốt kế hoạch cấp nước an toàn./.

Tác giả: Nuoc sach

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây