Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ tư - 28/12/2016 17:00 225 0

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhiệm vụ TTPBPL được xem là cầu nối giữa đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác TTPBPL Đảng và Nhà nước đã đề cập trong nhiều văn kiện; Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Chỉ thị đã tạo một bước phát triển mới về nhận thức và lãnh đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước, toàn dân ta trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra nhiều mục tiêu trong đó có mục tiêu "không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của dân cư nông thôn". Do đó, TTPBPL cho người dân nông thôn sẽ góp phần nâng cao ý thức pháp luật, đời sống tinh thần cho người dân nông thôn.

Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp Hội Luật gia tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn tại xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của hoạt động TTPBPL, trong 4 năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT luôn bám sát bám sát mục tiêu, yêu cầu của Quyết định số 1755/QĐ-UBND ngày 03/9/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và đã tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức 01 lớp bồi dưỡng cho 44 cán bộ cấp huyện, xã phụ trách pháp luật và làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn; phối hợp với Hội Luật gia tỉnh thực hiện 15 lớp tập tuyên truyền cho hơn 1091 cán bộ, người dân nông thôn tại 15 xã trọng điểm xây dựng nông thôn mới; 03 phụ trương đăng trên Báo Tây Ninh; 03 chuyên mục phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Đối tượng là CBCCVC làm việc trong các cơ quan liên quan đến người dân nông thôn và người dân nông thôn ở các xã điểm tập trung xây dựng nông thôn mới của 08 huyện trên địa bàn tỉnh. Nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định về ngành nông nghiệp và PTNT có liên quan đến quyền và lợi ích của người dân nông thôn, một số kỹ năng TTPBPL...

Nhìn chung, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, một số văn bản quy phạm pháp luật về ngành nông nghiệp và PTNT đã được phổ biến bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng và địa bàn, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người dân nông thôn góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TTPBPL còn một số tồn tại như: đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác TTPBPL từ tỉnh đến cơ sở còn ít, một số cán bộ có trình độ và kỹ năng tuyên truyền còn hạn chế, chưa thu hút được người nghe do đa số đều hoạt động kiêm nhiệm; công tác nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tư tưởng cán bộ, hội viên chưa kịp thời, nhất là vùng nông thôn, biên giới; đời sống người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số đa số còn khó khăn, phải đi làm thuê, mướn nên chưa thường xuyên tham gia các buổi truyền thông; một số đồng bào dân tộc thiểu số còn ngại đến chỗ đông người. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác TTPBPL còn hạn chế; tài liệu tuyên truyền còn ít; chủ trương xã hội hóa huy động nguồn lực phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được các doanh nghiệp, người dân quan tâm. Một số đơn vị chưa thật sự quan tâm, chưa đưa công tác này vào nội dung, chương trình sinh hoạt thường kỳ. Tủ sách pháp luật chưa được cập nhật tài liệu thường xuyên, ảnh hưởng đến việc khai thác và sử dụng. Sự phối hợp thực hiện giữa các ngành chưa thường xuyên, đồng bộ. Để nâng cao hiểu biết pháp luật của cán bộ và nhân dân trong tỉnh, hạn chế vi phạm pháp luật, hình thành thói quen sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong thời gian tới hoạt động TTPBPL cần thực hiện tốt những giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác TTPBPL. Phát huy vai trò đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp (nhất là cấp huyện, xã) trong công tác TTPBPL cho cán bộ, người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Hai là, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền (nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng), tài liệu, thời gian tuyên truyền phù hợp từng đối tượng, địa bàn, điều kiện cụ thể; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền. Chú trọng tuyên truyền gương điển hình "người tốt, việc tốt" trong chấp hành pháp luật và đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm.

Ba là, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại các thôn, ấp, bản làng giúp người dân nâng cao hiểu biết, nhận thức, tôn trọng, chấp hành pháp luật và từng bước hình thành nếp sống, làm việc theo pháp luật. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật tại địa phương, tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Bốn là, đảm bảo đủ nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án; đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa huy động nguồn lực phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong doanh nghiệp, người dân. Nội dung TTPBPL là một trong những nhiệm vụ, chương trình công tác hàng năm của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị.

Năm là, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án; sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong thực hiện Đề án; có chế độ hỗ trợ đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác TTPBPL./.

 

                                                              Minh Lý – Chi cục Phát triển nông thôn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây