Trong thời gian qua, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Tây Ninh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như ngành Nông nghiệp và PTNT; nhiệm vụ XDNTM đã trở thành một cuộc cách mạng mạnh mẽ, đột phá toàn diện trong phát triển nông thôn; các chủ trương, văn bản chỉ đạo của Trung ương về XDNTM đã được tổ chức triển khai thực hiện tốt; nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ với nguồn lực đầu tư có trọng tâm; công tác tuyên truyền đúng định hướng; nhiệm vụ XDNTM đã được cả hệ thống chính trị và nhân dân tích cực, đồng lòng thực hiện; nhận thức về XDNTM của hệ thống chính trị, nhân dân được nâng cao. Kết cấu hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, giáo dục, y tế,...) được tập trung đầu tư, đã phát huy hiệu quả sau khi đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ tốt hơn cho sản xuất, sinh hoạt; tạo bộ mặt nông thôn đổi mới, môi trường nông được cải thiện, xanh sạch đẹp và văn minh hơn; nhiều mô hình hiệu quả đã được nhân rộng; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; thu nhập, đời sống người dân từng bước được cải thiện, nâng cao.
Sau 5 năm thực hiện, đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 16/80 xã, chiếm 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và mục tiêu so với Quyết định 800/QĐ-TTg; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 33,5 triệu đồng/người/năm (tăng 94,8% so với năm 2010); bình quân toàn tỉnh đạt 12 tiêu chí/xã (tăng 8,8 tiêu chí so với năm 2010) với tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình 6.417 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách nhà nước 3.127 tỷ đồng).
Trong quá trình thực hiện, Chương trình vẫn có một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: Chất lượng đồ án quy hoạch xã nông thôn mới còn thấp, thiếu tính khả thi; nội dung đề án XDNTM còn nặng về xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa định hướng cụ thể phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đời sống dân cư nông thôn được nâng lên nhưng chưa vững chắc; tái cơ cấu nông nghiệp thực hiện còn chậm; liên kết sản xuất chưa bền vững; sản xuất nông nghiệp còn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro; an ninh trật tự nhiều địa phương tiềm ẩn nguy cơ phức tạp; một số công trình được đầu tư chưa phù hợp thực tế, nhu cầu sử dụng nên khai thác chưa hết công năng, công suất thiết kế. Chưa có giải pháp phù hợp cho xã có xuất phát điểm thấp, huyện có nguồn thu thấp. Kết quả huy động vốn ngoài ngân sách còn hạn chế; cơ cấu nguồn vốn chưa đảm bảo theo quy định.
Nguyên nhân chủ yếu: Sự quan tâm thực hiện Chương trình có lúc có nơi có địa phương chưa được thường xuyên, chặt chẽ; nhận thức một bộ phận người dân, một số CBCC, đơn vị về XDNTM chưa đầy đủ, một số người dân có tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự đầu tư của Nhà nước. Công tác hướng dẫn thực hiện chưa sát tình hình thực tế, việc theo dõi, đánh giá hiệu quả đầu tư chưa được quan tâm đúng mức. XDNTM là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhu cầu vốn đầu tư lớn trong khi vốn ngân sách có hạn; phạm vi địa bàn nông thôn rộng, chưa có mô hình mẫu; các cấp, các ngành chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai Chương trình.
Một số bài học kinh nghiệm được đúc kết để Chương trình thực hiện đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra như: XDNTM phải gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển KT - XH của địa phương. Phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình. Phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ của các Ban, Ngành, đoàn thể. Phải có cách làm phù hợp điều kiện từng địa phương thông qua việc lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách. Có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp. Các cách làm hay, sáng tạo phải được phổ biến kịp thời để vận dụng và nhân rộng.
Có hệ thống chỉ đạo, đồng bộ, hiệu quả; bộ máy giúp việc đủ năng lực, chuyên nghiệp, sát thực tế là yếu tố quan trọng đảm bảo công tác chỉ đạo có hiệu quả. Lồng ghép, sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực đa dạng; việc huy động, đóng góp của người dân phải trên cơ sở tự nguyện, bàn bạc dân chủ, không gượng ép quá sức dân. Công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát phải được thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ sở (kèm theo một số hình ảnh XDNTM tỉnh Tây Ninh sau 5 năm thực hiện Chương trình)./.
Nguyễn Ngọc Thanh Thảo
Chi cục Phát triển nông thôn
Ý kiến bạn đọc