Tây Ninh tổ chức Tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2017-2018

Thứ sáu - 05/10/2018 15:00 248 0

​Sáng ngày 13 tháng 9 năm 2018, tại Hội trường Tỉnh ủy Tây Ninh, Hiệp hội Mía đường Việt Nam và Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường, niên vụ 2017 - 2018.

Đến dự hội nghị có ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Phạm Quốc Doanh- Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, cùng đại biểu các tỉnh và doanh nghiệp sản xuất-chế biến mía đường trong cả nước. Về phía tỉnh Tây Ninh, dự hội nghị có ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT.

Theo số liệu của Cục Chế biến và Hiệp hội mía đường Việt Nam, vụ sản xuất mía đường niên vụ 2017 - 2018 tiếp tục là năm gặp nhiều khó khăn về thời tiết, khí hậu và tác động bất lợi của thị trường giá đường thế giới và trong nước; sâu bệnh hại mía ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng mía ở nhiều vùng trên cả nước. Thị trường và giá đường thế giới liên tục biến động giảm; giá đường trong nước giảm liên tục có thời điểm bằng giá đường lậu, có nhà máy bán dưới giá thành và thua lỗ.

Tuy nhiên, qua vụ chế biến đạt nhiều kết quả khả quan như: diện tích mía cả nước đạt hơn 274.000 ha, tăng 6.000 ha so với niên vụ trước; năng suất bình quân đạt 65,1 tấn/ha, chữ đường trung bình cả nước 9.62 CCS, nâng tổng sản lượng trong năm lên trên 17,8 triệu tấn, tăng 500.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Trong niên vụ sản xuất mía vừa qua, cả nước có 37/41 nhà máy đường hoạt động, thực hiện thu mua và đưa vào sản xuất trên 15 triệu tấn mía nguyên liệu (tăng 16,8% so với niên vụ 2016 – 2017) dẫn đến sản lượng đường lên hơn 1,4 triệu tấn, (vượt 4,1% kế hoạch năm), trong đó có hơn 504 ngàn tấn là đường tinh luyện chất lượng cao.

Tuy nhiên, giá đường trong niên vụ 2017 – 2018 lại ở mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây, mà nguyên nhân được cho là do nguồn cung trên thị trường thế giới tăng mạnh so với nhu cầu, cộng với số lượng đường tồn kho trong niên vụ trước quá nhiều (gần 600.000 tấn) đã gây áp lực tiêu thụ vụ này khá lớn.


Máy thu hoạch mía bằng cơ giới- Ảnh minh hoạ

Phát biểu tại hội nghị, các doanh nghiệp sản xuất và người trồng mía đều cho rằng, để ngành mía đường tiếp tục phát triển, ngoài nỗ lực của các thành viên hiệp hội và nông dân trồng mía thì cũng rất cần có sự vào cuộc, chung tay, góp sức hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương.

Các đại biểu đề nghị, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng mía và doanh nghiệp triển khai quy hoạch, tái cơ cấu ngành mía đường; Cục Quản lý thị trường và Cục Điều tra chống buôn lậu tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh, mua bán các loại đường nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại, giả mạo thương hiệu…

Theo kế hoạch sản xuất niên vụ 2018 – 2019, tổng diện tích mía có ký hợp đồng của đơn vị thành viên Hiệp hội là 238.067 ha (giảm 3.340 ha), giữ vững 37 nhà máy đang hoạt động với sản lượng ép trên 15 triệu tấn mía nguyên liệu, đạt trên 1,5 triệu tấn đường thành phẩm (trong đó có khoảng 600.000 tấn là đường tinh luyện chất lượng cao).

Tại Hội nghị, ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh phát biểu: cây mía đường được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, nhưng hiện tại do nhiều yếu tố đã khiến ngành mía đường và người trồng mía gặp nhiều khó khăn, diện tích trồng mía dần bị thu hẹp và thay thế bởi nhiều loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Để tiếp tục phát triển ngành mía đường tại tỉnh Tây Ninh, ông Trong đề nghị Hiệp hội mía đường và các doanh nghiệp có giải pháp hỗ trợ nông dân trồng mía trong tỉnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tập trung cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, kéo giảm chi phí đầu tư và gia tăng năng suất, đồng thời yêu cầu các nhà máy đổi mới công nghệ đa dạng hoá sản phẩm sau đường như: sản xuất Ethanol, đường saccoracese ứng dụng trong y học…

Hiệp hội và các doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu, tận dụng nguồn phụ phẩm (bã mía)dùng làm dán ép để tạo nên những sản phẩm khác ngoài sản phẩm chính là đường mía, bảo đảm lợi nhuận sản xuất và tăng thêm thu nhập cho nông dân./.

Chi cục Quản lý chất lượng


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây