Kết quả sản xuất mía đường 2017-2018 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ sáu - 05/10/2018 15:00 503 0

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 Công ty, nhà máy đường hoạt động chính thức gồm: Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa, Công ty Cổ phần Đường Nước Trong và Nhà máy đường TTC Biên Hòa – Tây Ninh với tổng công suất thiết kế là 14.800 tấn mía cây/ngày đáp ứng vùng nguyên liệu tại tỉnh nhà và các tỉnh lân cận (Campuchia, Long An, Bình Phước). Riêng đối với Nhà máy đường Ninh Điền công suất dự kiến là 1.000 tấn mía cây/ngày, tuy nhiên hiện nay vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn chỉnh và chưa đi vào hoạt động chính thức.      

​Vụ mía 2017 -2018, tình hình thị trường giá đường thế giới và trong nước liên tục giảm đồng thời thời tiết nắng nóng và mưa nhiều, kéo dài từ đầu vụ ảnh hưởng quá trình thu hoạch và vận chuyển mía về nhà máy. Mặt khác tình trạng mía cháy tăng so với niên vụ 2016 - 2017 làm xáo trộn lịch đốn chặt của nhà máy, gây thiệt hại cho cả nhà máy và nông dân. Tuy nhiên được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, và sự liên kết giữa các công ty, nhà máy với nông dân đã tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển mía.


Mía nguyên liệu trên cánh đồng mẫu lớn của nhà máy - Ảnh minh hoạ.

Niên vụ sản xuất 2017-2018, Diện tích mía các nhà máy đường trong tỉnh đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu là 20.594 ha, tăng 4.634 ha (22,5%) so với vụ trước, trong đó: Đầu tư trong tỉnh là 14.294,5 ha, cụ thể: Diện tích trồng mới: 7.341,9 ha, Diện tích mía gốc: 6.952,6 ha; Đầu tư ngoài tỉnh là 6.300 ha, (chủ yếu là Campuchia).

Năng suất mía bình quân đạt 73 tấn/ha, tăng 1,2 tấn/ha so với niên vụ 2016 - 2017, CCS bình quân trên 9, tổng sản lượng mía nguyên liệu đạt 1.603.497 tấn/niên vụ, sản lượng đường của các nhà máy sản xuất đạt 166.315 tấn, nguyên liệu đáp ứng cho các nhà máy chế biến  khoảng 96%. Cây mía được xác định cây trồng chủ lực và có sự liên kết giữa doanh nghiệp với hộ trồng mía thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, thời gian qua do thị trường tiêu thụ đường giảm, sự cạnh tranh của cây trồng trên đất màu đồi và tình trạng thiếu lao động trong vùng nông thôn đã gây khó khăn cho cây mía phát triển.

Tại Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường, các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận, tìm giải pháp phát triển cây mía và ngành mía đường. Hội nghị này, đồng chí Võ Đức Trong - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu để ngành mía đường Tây Ninh phát triển cần tập trung thực hiện một số vấn đề sau:

- Sản xuất mía theo mô hình cánh đồng mẫu lớn;

- Áp dụng cơ giới hoá, khoa học kỹ thuật tiên tiến, thâm canh tăng năng suất giảm giá thành sản phẩm;

- Đổi mới công nghệ, chế biến sâu sau đường;

- Quy hoạch vùng nguyên liệu./.

Chi cục Quản lý chất lượng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây