PHÒNG TRỪ BỆNH CHÁY LÁ CHẾT NGỌN TRÊN CÂY SẦU RIÊNG

Thứ tư - 08/12/2021 00:00 1.491 0
Sầu riêng là một trong những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Tại Tây Ninh, sầu riêng được trồng chủ yếu tại huyện Gò Dầu với trên 900 ha, chiếm khoảng 41% diện tích canh tác sầu riêng trên địa bàn tỉnh. Bênh chết ngọn cây sầu riêng trong những năm gần đây xảy ra tại vùng trồng sầu riêng thâm canh như huyên Gò Dầu. Nông dân cần chú ý một sô kỹ thuât trong quá trình chăm sóc

PHÒNG TRỪ BỆNH CHÁY LÁ CHẾT NGỌN TRÊN CÂY SẦU RIÊNG


Sầu riêng là một trong những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Tại Tây Ninh, sầu riêng được trồng chủ yếu tại huyện Gò Dầu với trên 900 ha, chiếm khoảng 41% diện tích canh tác sầu riêng trên địa bàn tỉnh. Với năng suất bình quân vào khoảng 11 tấn quả/ha và giá bán trung bình là 40.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập  trung bình khoảng 440 triệu đồng/ha/năm, sau khi trừ đi các chi phí đầu tư, nông dân thu được lợi nhuận vào khoảng 290 triệu đồng/ha/năm.

Cũng như các loại cây trồng khác, trong quá trình canh tác nhất là trong điều kiện mùa mưa như hiện nay, một số sinh vật gây hại xuất hiện phổ biến như: xén tóc; bệnh Phytophthora gây ra các triệu chứng thối rễ, nứt thân, xì mủ, nứt và thối trái; bệnh đốm rong; bệnh nấm hồng; bệnh cháy lá chết ngọn, …


Hình: Cây sầu riêng nhiễm bệnh cháy lá chết ngọn

Nguồn: Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Gò Dầu

Qua quá trình kiểm tra đồng ruộng, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gò Dầu đã ghi nhận phản ánh của nông dân tại xã Bàu Đồn như sau: "một số diện tích sầu riêng bị sâu bệnh gây hại, ảnh hưởng lớn đến sản lượng, năng suất. Cây có những biểu hiện như: vàng, rụng lá; cây đang cho trái thì bị rụng trái, có những vườn cây trên 10 năm tuổi thì chết từ trên đọt xuống …". Qua trao đổi, nông dân cho rằng bộ rễ của cây không còn hấp thụ được chất dinh dưỡng, chỉ cần thời tiết bất thường sẽ dẫn đến tình trạng cây sầu riêng có hiện tượng chết từ trên đọt xuống hay còn gọi là bệnh cháy lá chết ngọn. Để hiểu rõ và quản lý tốt đối tượng bệnh hại này, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gò Dầu có một số thông tin lưu ý đến bà con nông dân như sau:

Bệnh cháy lá chết ngọn có tác nhân gây bệnh là nấm Rhizoctonia sp. Đây là loài nấm gây bệnh khá quan trọng đối với cây sầu riêng ở giai đoạn vườn ươm – trưởng thành và thường xuất hiện, phát triển mạnh trong điều kiện mùa mưa.

Triệu chứng:  vết bệnh xuất hiện ban đầu là những đốm màu nâu, sũng nước, sau đó lan rộng dọc theo hai mép lá làm cho lá không phát triển được và co dúm lại cuối cùng lá khô và rụng, cành non cũng khô dần và chết cả cây. Trên cây trưởng thành bị nhiễm làm lá non bị khô và rụng; chết ngọn, cành và nhánh nhỏ, ảnh hưởng rất lớn tới năng suất.

 Biện pháp phòng:

- Biện pháp canh tác: thoát nước vườn ươm tốt, không quá rậm rạp; không đặt cây con dưới tán cây lớn; thu dọn, tiêu hủy (các phần cây bị bệnh, tránh lây lan); tỉa cành tạo tán thông thoáng.

- Biện pháp hóa học: hiện nay đối với các loại thuốc BVTV để phòng trừ bệnh cháy lá chết ngọn cây sầu riêng chưa có các loại thuốc đặc trị. Do đó, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Gò Dầu khuyến cáo với nông dân có thể  sử dụng các loại thuốc BVTV có hoạt chất như sau: Hexaconazole, Difenoconazole + Propiconazole, Mancozeb, Mancozeb + Metalaxyl, Metalaxyl, Propineb, ...

Trong quá trình sử dụng thuốc BVTV, bà con nông dân cần tuân thủ nguyên tác "4 đúng", liều lượng sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất và nên phun thuốc từ trên ngọn cây sầu riêng xuống, phun thật đều khắp cây để đảm bảo hiệu quả diệt nấm tốt hơn.

                TRẠM TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT HUYỆN GÒ DẦU

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TÂY NINH




  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây