Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Thứ ba - 11/03/2014 16:30 188 0
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn nước ta đang hội nhập với nền kinh tế thế giới, là chìa khóa giúp Việt Nam đi tắt, đón đầu và thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

 Thực tế đã minh chứng, một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả, đem lại khá nhiều lợi nhuận cho người sản xuất. Các mô hình thành công này phần lớn thuộc cơ sở tư nhân hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa, như mô hình sản xuất giống tại Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình; Công ty Bảo vệ thực vật An Giang; mô hình nuôi bò và chế biến sữa của Công ty TH, Công ty sữa Mộc Châu; các công ty trồng hoa công nghệ cao tại Ðà Lạt, Mộc Châu...

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được xây dựng, đang hoạt động và được quy hoạch tại 12 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, các hoạt động này còn nhiều hạn chế do đầu tư chưa được đồng bộ, cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp thiếu hấp dẫn, sản phẩm làm ra chưa chiếm được lòng tin người tiêu dùng. Nguyên nhân chính là do chính quyền cơ sở chưa đủ quyết tâm, lựa chọn mô hình, sản phẩm để sản xuất cho phù hợp. Thêm vào đó là khả năng tài chính chưa đủ mạnh để thực hiện đầu tư hạ tầng và thu hút doanh nghiệp, hoặc do sai lầm trong việc lựa chọn công nghệ, dẫn đến sản xuất thiếu hiệu quả. Vì vậy, để phát huy thế mạnh của các khu nông nghiệp công nghệ cao, cần có định hướng cụ thể, phù hợp; có cơ chế chính sách đặc thù nhằm thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp khoa học đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất; cần quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng cả về số lượng và chất lượng cũng như đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tập trung và đồng bộ. Ðồng thời tăng cường hợp tác với các tỉnh, các viện nghiên cứu và hợp tác quốc tế trong việc ứng dụng công nghệ cao sản xuất các sản phẩm chất lượng. Bên cạnh đó, quy trình công nghệ cao đòi hỏi đồng bộ trong suốt chuỗi cung ứng và nó chỉ phát huy tốt hiệu quả khi sản xuất mang tính công nghiệp, vì vậy cần hình thành các trang trại tập trung, liên kết các nguồn lực để có quy mô về tài chính và điều kiện phát triển sản xuất.

Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu để có được sản phẩm chất lượng tốt, khả năng cạnh tranh cao. Ðể phát triển một cách hiệu quả và bền vững, cần xây dựng lộ trình, quy mô và thời gian thực hiện cho từng sản phẩm nông nghiệp, từ đó có hướng đầu tư trọng điểm, bền vững; đồng thời các nhà khoa học cần thường xuyên hướng dẫn bà con nông dân sản xuất theo quy trình để tạo ra sản phẩm sạch, giá thành hạ... Có vậy, những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao mới có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

QUANG MINH

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây