Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát – “lá phổi” của Đông Dương

Thứ năm - 06/02/2014 16:05 494 0
Từ trung tâm TP Cần Thơ, qua hơn 280 km đường bộ, chúng tôi có mặt tại cửa rừng miền Đông Nam bộ, bắt đầu chuyến du khảo Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò Xa Mát. Rừng ở đây đã có từ xưa, nhưng VQG này thì mới được thành lập theo Quyết định số 91/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ hơn 10 năm. Và chỉ trong khoảng thời gian đó, các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học được triển khai hiệu quả không chỉ giới hạn trong một quốc gia hay biên giới Việt Nam – Campuchia, mà còn giữa các nước Đông Dương…

 


* Phong phú, đa dạng sinh học

Khi nghe chúng tôi giới thiệu là đoàn nhà báo đến từ TP Cần Thơ, Nguyễn Thị Tuyết Mai – Chuyên viên Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ môi trường rừng – thuộc VQG Lò Gò Xa Mát, hăm hở giới thiệu: Qua hơn 10 năm nay, đơn vị đã bảo vệ, bảo tồn tốt mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng dày bán ẩm và sự đa dạng sinh học đặc trưng của vùng rừng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, hiện nay có rất ít đoàn khách từ Đồng bằng sông Cửu Long đến tham quan. Vì vậy, Tuyết Mai rất mong đoàn nhà báo Cần Thơ giới thiệu để người dân địa phương quan tâm hơn.

Tuyết Mai nhiệt tình hướng dẫn đoàn nhà báo TP Cần Thơ tham quan vùng lõi VQG Lò Gò Xa Mát.

Với diện tích 18.765ha, nằm ở độ cao từ 5-10m so với mực nước biển VQG Lò Gò Xa Mát nằm trên địa phận 3 xã Tân Lập, Tân Bình, Hòa Hiệp thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. VQG được chia thành ba phân khu: khu được bảo vệ nghiêm ngặt là 8.590 ha, khu phục hồi sinh thái: 10.080 ha còn lại là khu hành chính dịch vụ. VQG có thảm thực vật rừng dạng khảm giữa rừng bán rụng lá, rừng rụng lá trên đất thấp và các dải hẹp rừng thường xanh ven sông suối và rừng tràm. Gần biên giới với Campuchia là các dải rộng đồng cỏ đất lầy với các thảm cói lác. Vườn có hệ thực vật phong phú có giá trị như: các cây họ dầu: dầu nước, dầu cát, dầu chai, dầu song nàng, sao đen, nến mủ, một số loài đã có tên trong sách đỏ như: gõ cà te, giáng hương, mạc sưa…

Từ trên chòi canh nhìn qua ống nhòm, chúng tôi mục sở thị nhiều đàn chim cò đang nô đùa trong nắng vàng. Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc VQG Lò Gò Xa Mát cho biết, đến nay có khoảng hơn 500 con cò nhạn, thuộc họ hạc có tên trong sách đỏ Việt Nam, thuộc bậc hiếm và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hằng năm, khoảng tháng 6 đến tháng 11, đàn cò nhạn di cư từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về trú ngụ tại khu vực trảng này ngày càng đông. Khu hệ chim tại VQG này rất đặc trưng và được công nhận là một trong các vùng chim quan trọng của Việt Nam. Tại các sinh cảnh đất ngập nước có loài chim nước quý hiếm như giang sen, già đẫy nhỏ và cò nhạn, gà lôi lông tía, gà tiền mặt đỏ, chích chạch má xám…

Ông Xuân cho biết thêm, qua phối hợp thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, đến nay VQG đã có được danh mục các loài thực vật bậc cao gồm 694 loài thực vật có ý nghĩa khoa học và kinh tế. Xác định được các quần thể động vật quan trọng tại VQG gồm 29 loài thú, 149 loài chim, 56 loài bò sát, 23 loài ếch nhái, 88 loài cá, 128 tiêu bản côn trùng. Trong đó có nhiều loài quý hiếm, đặc hữu có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, VQG phát hiện được một loài phong lan mới của thế giới, được đặt tên khoa học là Dendrobium minusculum Aver. Mới đây, VQG còn phát hiện thêm loài cây "nắp ấm", hình thù cây như chiếc ấm trà và luôn hở phần trên để côn trùng chui vào thì lập tức cây đóng nắp lại. Thật ra, theo các nhà khoa học, loài cây ăn côn trùng này có tên khoa học là Nepentes thorelii. Đây là lần đầu tiên sau 100 năm mới phát hiện được loài cây này ở môi trường tự nhiên tại VQG Lò Gò Xa Mát vì trước đây, loài này được đánh giá là tuyệt chủng ngoài môi trường tự nhiên trên thế giới.

Động vật ở VQG này cũng khá phong phú. Theo ghi nhận, hiện tại đây có các loài heo rừng, nai, hoẵng, cu li nhỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ tay dài. Đặc biệt, VQG còn phát hiện được quần thể chà vá chân đen là loài đặc hữu của Đông Dương, các loài chim le khoang cổ, hạc cổ trắng và nhiều bò sát... đều là những loài nằm trong sách đỏ thế giới. Nhiều loài thú có giá trị cao về nguồn gien như chồn dơi, sóc bay đen trắng, trút, trâu rừng, mèo rừng… cũng hiện diện ở VQG này.

* Khu du lịch sinh thái và hoạt động môi trường

VQG Lò Gò Xa Mát còn có giá trị lịch sử, nơi thích hợp cho các hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Trong VQG có con sông Vàm Cỏ bắt nguồn từ Campuchia chảy qua nên rừng ở đây có vai trò quan trọng trong an ninh quốc phòng. Nhà báo Giang Minh Chánh, Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam TP Cần Thơ dẫn đầu đoàn nhà báo du khảo nhớ lại: "Trong suốt thời kỳ chiến tranh, Lò Gò Xa Mát là nơi hứng chịu các đợt đánh bom ác liệt, rải thảm chất độc màu da cam của Mỹ nên nhiều cánh rừng bị tàn phá trơ trụi. Tuy nhiên, với lợi thế địa hình hiểm trở, lại nằm sát biên giới nước bạn Campuchia nên các cơ sở cách mạng vẫn tồn tại. cách đây hơn 40 năm, tôi đã từng đến đây học quay phim tại Trường Điện ảnh miền Nam để phục vụ báo chí cách mạng. Khi đó, mặc dù chiến tranh ác liệt nhưng chúng tôi ai cũng lạc quan và chính nhờ khu rừng Lò Gò và dòng sông Vàm Cỏ đã tiếp tế nguồn lương thực dồi dào cho các cán bộ, chiến sĩ giải phóng nên ai cũng an tâm công tác.

Khu có nhiều cổ thụ quý ở vùng lõi của rừng.

Hiện nay, Khu Di tích đặc biệt Trung ương Cục miền Nam cũng nằm trong VQG Lò Gò Xa Mát và đang được cải tạo, mở rộng để phục vụ du khách. Theo đó, đề án quy hoạch tổng thể khu di tích này dự kiến mở rộng diện tích lên trên 1.600 ha với một số hạng mục, công trình tái hiện di tích lịch sử và mô hình dịch vụ gắn với du lịch sinh thái nhằm thu hút khách tham quan.

Tuy nhiên, do lợi thế phong phú về động thực vật, VQG Lò Gò Xa Mát cũng đang đối mặt với nạn phá rừng và săn bắt các loài thú rừng. Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc VQG Lò Gò Xa Mát, cho biết, thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã ngăn chặn nhiều vụ săn bắt trộm thú rừng. Để ngăn chặn tệ nạn này, bên cạnh việc tăng cường các hoạt động cứu hộ, tháo bẫy trong rừng, VQG đã phối hợp với các tổ chức và chính quyền hỗ trợ người dân ở vùng đệm, ven rừng nuôi trồng các loài gia súc, gia cầm và cây lương thực để họ cải thiện cuộc sống. Đối với những đối tượng bên kia biên giới thì VQG phối hợp với Bộ đội biên phòng tích cực tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm theo các qui định của pháp luật. Tuy nhiên, VQG vẫn luôn chú trọng việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về việc bảo vệ rừng, môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học theo nhiều hình thức sinh động, thiết thực.

* Hướng đến Vườn di sản ASEAN và Khu Ramsar

Mới đây, một đoàn cán bộ khoa học môi trường do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến dẫn đầu đến khảo sát VQG Lò Gò Xa Mát. Với sự đa dạng sinh học của VQG, nhất là các khu vực rừng trên đất ngập nước, rừng thường xanh trên đất thấp là những sinh cảnh ngày càng quý hiếm. Đoàn đã đề nghị VQG Lò Gò Xa Mát lập hồ sơ để được chứng nhận là Vườn di sản ASEAN và tiến tới là công nhận khu bảo vệ đất ngập nước theo Công ước Ramsar. Đây là công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước. Hiện đã được 160 quốc gia tham gia Công ước Ramsar.

Vườn di sản ASEAN là đại diện của những nỗ lực để bảo tồn các khu vực đa dạng sinh học có tầm quan trọng hoặc mang tính độc đáo đặc biệt tại các quốc gia thành viên ASEAN. Vườn di sản ASEAN là danh hiệu có giá trị để thu hút đầu tư, phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học, văn hóa, giáo dục. Việt Nam hiện đã có các vườn di sản ASEAN là các VQG Hoàng Liên (Lào Cai), Ba Bể (Bắc Kạn), Chư Mom Ray (Kon Tum) và Kon Ka Kinh (Gia Lai). Và mới đây, VQG U Minh Thượng (Kiên Giang) vừa được công nhận là Vườn di sản ASEAN.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để được công nhận là vườn di sản, VQG Lò Gò Xa Mát cần phải đảm bảo được các tiêu chí về tính tự nhiên, hoang dã, tính nguyên vẹn về hệ sinh thái, sự đa dạng và giá trị nổi bật quần thể. Các vườn di sản ASEAN phải thực thi và chịu trách nhiệm về các chính sách bảo tồn sinh vật quý hiếm sống trong khu vực Đông Nam Á.

Tấn Phúc

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây