HỘI NGHỊ SƠ KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN NQ 26 VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN

Thứ ba - 17/09/2013 20:40 140 0

HỘI NGHỊ SƠ KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN NQ 26 VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN

Dự hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Phuông, UVBCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Minh Trọng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh; Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã...

Đồng chí Trần Lưu Quang, UVDKBCHTƯ Đảng, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày dự thảo báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ trên địa bàn tỉnh. Báo cáo nêu bật kết quả phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trong 5 năm qua cũng như công tác triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ.

* Về Nông nghiệp: Sản xuất nông lâm thủy sản tiếp tục được duy trì tăng trưởng ổn định trong điều kiện khó khăn và thách thức do dịch bệnh, thời tiết, giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng bình quân 5,5%/năm.. Công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng khai thác lợi thế của từng vùng, sản xuất gắn với thị trường được thực hiện khá tốt, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh.

Trồng trọt phát triển theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: lúa, rau an toàn ở các huyện Châu Thành, Bến Cầu, Trảng Bàng, Hòa Thành và Dương Minh Châu; cây ăn quả ở các huyện Hòa Thành, Dương Minh Châu, Trảng Bàng; cây mía, mì và cao su tập trung ở các huyện Tân Châu, Tân Biên. Công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật; ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chọn giống mới có năng suất, chất lượng cao không ngừng đẩy mạnh … Từng bước hình thành các vùng nguyên liệu tập trung nhằm đáp ứng đủ nguyên liệu cho chế biến công nghiệp trong tỉnh, hầu hết các cây trồng chính của tỉnh như mía, mỳ, cao su, lúa đều có các nhà máy chế biến trong tỉnh thu mua sản phẩm. Các công ty, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và thực hiện các giải pháp đồng bộ về giống, kỹ thuật thâm canh, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng cơ giới hóa… để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Chăn nuôi được duy trì ổn định, phát triển theo hướng tập trung chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp. Công tác thú y, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thường xuyên được quan tâm, Tỉnh đã xây dựng Quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm giai đoạn 2011-2020.

 Về thủy sản: Tình hình phát triển thủy sản có những chuyển biến tích cực, nhiều nông dân đã chuyển đổi, đầu tư thâm canh nuôi trồng một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá tra, ba ba, ếch, cá sấu, lươn..., nhiều nhà đầu tư ngoài tỉnh đến Tây Ninh khảo sát, xây dựng dự án đầu tư nuôi, chế biến thủy sản tập trung (chủ yếu là cá tra) ở các huyện Dương Minh Châu, Bến Cầu, Trảng Bàng.  Hàng năm thả vào hồ Dầu Tiếng trên 1 triệu các loại cá, góp phần duy trì và phát triển nguồn lợi thủy sản.

 Về thủy lợi: Rà soát, bổ sung quy hoạch thủy lợi đến năm 2015, triển khai Chương trình Kiên cố hóa kênh mương; Hoàn thiện hệ thống kênh tưới, tiêu; Thực hiện cơ bản xong Tiểu dự án Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng. Ngoài ra, Tỉnh đang triển khai thực hiện Dự án Đê bao ven sông Vàm Cỏ; Hệ thống thủy lợi Phước Hòa,...

 Về lâm nghiệp: công tác giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Giai đoạn 2009-2011 thực hiện khá tốt, đã giải quyết thu hồi được 3.886,6/ 4.117 ha đất lâm nghiệp, trồng mới được 3.457 ha rừng, bình quân hàng năm trồng mới trên 1.152 ha. Công tác bảo vệ khoanh nuôi tái sinh rừng được quan tâm, diện tích bảo vệ rừng toàn tỉnh đến năm 2012 là 46.109ha tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2012 lên 32,5%

 Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn được khuyến khích đầu tư phát triển, nhất là công nghiệp chế biến nông sản. Với việc hình thành Nhà máy xay sát chế biến gạo xuất khẩu, công suất 40.000 tấn gạo/năm tại xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, góp phần đảm bảo giải quyết đầu ra cho sản xuất lúa. Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển với trên 2.400 trang trại nông – lâm- thủy sản, các ngành công nghiệp-dịch vụ từng bước phát triển trên địa bàn nông thôn; tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp đạt trên 50%;  Các làng nghề truyền thống như bánh tráng, muối ớt, mây tre, mộc gia dụng được khôi phục phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, … tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cho địa phương và xuất khẩu. Khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển ổn định đã tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, điện, cấp thoát nước…) hạ tầng xã hội (y tế, dịch vụ internet, trường học, bưu điện, ngân hàng…) có giá trị sử dụng lâu dài tại địa phương; thúc đẩy đô thị hóa nông thôn, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động trực tiếp và gián tiếp xuất thân từ khu vực nông thôn, hình thành một bộ phận công nhân kỹ thuật có tay nghề cao tại khu vực nông thôn, góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu lao động.

Ngoài ra Tỉnh quan tâm, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, trọng tâm là công nghệ sau đường, sau bột mì, sau mủ cao su…đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020.     

* Về nông dân: Đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân nông thôn, nhất là ở những vùng khó khăn được chăm lo ngày càng tốt hơn. Thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên, khu vực nông thôn năm 2012 tăng 1,69 lần so với năm 2008 từ 13.572.000đồng/người/năm (2008) lên 22.918.000 đồng/người/năm (2012); tỷ lệ hộ nghèo hàng năm theo tiêu chuẩn mới giảm bình quân 2%/năm, từ 7,67% năm 2008 xuống còn 4,89% năm 2012 (trong đó tỷ lệ hộ nghèo Trung ương 2,61%); tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường tăng bình quân hàng năm trên 2%, từ 80% năm 2008 đến năm 2012 đạt 90%; tỷ lệ dân sử dụng điện năm 2008 đạt 96,81%, đến năm 2012 đạt 99,34%; mạng viễn thông và Internet đã phủ toàn tỉnh, với mật độ 135,13 máy/100 dân, tỷ lệ người dân sử dụng Internet theo hệ số quy đổi là 30,63 thuê bao 100 dân.

Sự nghiệp giáo dục, đào tạo tiếp tục phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị được xây dựng và đổi mới đáp ứng được nhu cầu dạy và học ở các cấp học, đến nay không còn tình trạng học 3 ca. Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi ra lớp đạt 99,99%. Công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được triển khai thực hiện.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân đã có nhiều tiến bộ trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh và khống chế các dịch bệnh mới phát sinh. Bênh viện tỉnh, huyện được nâng cấp xây mới bổ sung trang thiết bị góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh. Trạm y tế xã được đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia về y tế, đã có  ngủ  Bác sĩ phục vụ. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh có thêm bệnh viện đa khoa tư nhân và nhiều phòng khám tư nhân đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh tại chổ cho nhân dân.

Thông qua việc triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chất lượng nguồn nhân lực nông thôn ngày càng được nâng cao. Hệ thống chính trị được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo, đời sống người dân ổn định.

Hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và tập trung vào phát triển chất lượng. Hệ thống các làng nghề có bước phát triển góp phần vào bảo tồn, phát triển nghề truyền thống như bánh tráng, muối ớt, mây tre đan...  Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 52 HTX nông nghiệp, gồm 17 HTXDVNN, 04 thủy sản, 26 HTXDV Thủy lợi và 05 HTX sản xuất rau an toàn. Trong đó có 05 HTX hoạt động tốt, 09 HTX khá, 31 HTX hoạt động trung bình và 07 HTX yếu kém.  Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1.996 trang trại và 1.275 Tổ hợp tác

Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất có bước chuyển biến đáng kể góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp giúp nông dân áp dụng và nhân rộng các mô hình sản xuất. Giai đoạn từ năm 2009 đến tháng 4/2013, Tỉnh đã phê duyệt triển khai thực hiện được 18 đề tài, dự án phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.  Ngoài ra, Tỉnh còn xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của Tỉnh như: Sản phẩm mãng cầu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận địa lý “Bà Đen”; Sản phẩm bánh tráng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Trảng Bàng” và đã chuyển giao  Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể bánh tráng phơi sương Trảng Bàng cho HTX Tiểu thủ công nghiệp Tân Tiến tiếp nhận sử dụng; Sản phẩm nhãn hiệu “Muối ớt Tây Ninh” đang hoàn chỉnh nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn tiếp tục được giữ vững, hệ thống chính trị, cơ sở được tăng cường, các thiết chế văn hóa được chú trọng, hầu hết các tổ, ấp đều thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, lễ tang, lễ hội.

Từ năm 2008 đến nay tỉnh đã thực hiện đào tạo bồi dưỡng cho 2.310 cán bộ với kinh phí 1.461 triệu đồng. Đồng thời tổ chức được 422 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo kế hoạch với 13.012 học viên, tham gia học 24 nghề, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (trong đó số lao động nông thôn đã học xong là 10.818 người và số người có việc làm 8.107 người). Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của 25 xã điểm tổ chức được 36 lớp, 1.051 học viên được cấp chứng nhận học 8 nghề: cạo mủ cao su, lái xe hạng B2, nuôi cá lồng bè, trồng rau nhút, trồng rau mầm, trồng gừng, trồng ớt, may công nghiệp.

Về nông thôn, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, cơ sở hạ tầng nông nghiệp đã có bước phát triển, diện mạo nông thôn được cải thiện rõ rệt. Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 01 xã  đạt 14 tiêu chí, 01 xã đạt 13 tiêu chí, 02 xã đạt 11 tiêu chí, 03 xã đạt 10 tiêu chí, 02 xã đạt 9 tiêu chí, 50 xã đạt từ 5-8 tiêu chí, 23 xã đạt dưới 5 tiêu chí;  Chọn 25 xã điểm thuộc 9 huyện, thị để tập trung chỉ đạo điểm trong giai đoạn 2011-2015, trong đó giai đoạn 2013-2014 tập trung triển khai thực hiện hoàn thành 9 xã điểm.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Võ Văn Phuông, UVBCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở tỉnh ta tăng trưởng ổn định và phát triển khá toàn diện. Nông thôn có nhiều đổi mới, nông dân có nhiều tiến bộ. Vị thế của giai cấp nông dân tiếp tục được khẳng định. Hệ thống chính trị được củng cố, dân chủ ở cơ sở được phát huy. Các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển. Kết quả đó đã góp phần rất quan trọng giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong điều kiện có nhiều khó khăn do khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu suốt mấy năm vừa qua.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) trên địa bàn tỉnh,  đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành quan tâm và thực hiện tốt 04 vấn đề sau:

- Tiếp tục nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

- Phải nâng cao nhận thức vai trò, trách nhiệm của từng cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với quyết tâm chính trị cao để mang lại hiệu quả thiết thực trong thời gian tới, nhất là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với cách nghĩ, cách làm chủ động, sáng tạo; vận dụng chính sách linh hoạt, không rập khuôn, máy móc; không hình thức, không chạy theo thành tích; hướng vào tình hình cụ thể của từng địa phương và nhu cầu của người dân để quy hoạch các dự án đầu tư cho phù hợp mang lại hiệu quả thiết thực; tránh lãng phí.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới chính là giải pháp để thể chế hoá một cách toàn diện và đồng bộ nghị quyết tam nông mà Nghị quyết Trung ương 7 đề ra, chúng ta cần tới năm 2014 cơ bản hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới tại 9 xã điểm của tỉnh; đến năm 2015 có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo chỉ đại Đại hội IX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

- Phải chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách phát triển tam nông; chương trình xây dựng nông thôn mới để tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia tích cực từ nhiều phía. Nhân dân vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể được hưởng các chính sách về tam nông.

- Phải đẩy mạnh nâng cao chất lượng và hiệu quả; vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn kết chặt chẽ vói cuộc vận động “toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới” để mang lại kết quả toàn diện và vững chắc hơn.

- Cần phải quan tâm rà soát, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp, các chính sách phát triển tam nông và xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, đơn vị, bảo đảm tính phù hợp; xác thực tiễn và có tính khả thi cao.

- Phải chủ động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm; tập trung nghiên cứu sâu; đề ra cho được các giải pháp đột phá, đi tắt đón đầu; thúc đẩy mặt trận nông nghiệp phát triển nhanh, ổn định và bền vững.

- Quan tâm phát triển sản xuất theo quy mô lớn, hình thành các vùng chuyên canh tạo ra sản phẩm cho chất lượng cao gắn với thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh phát triển công nghệ; cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuội để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.

- Sớm tổng kết mô hình cánh đồng mẫu lớn, để nhân rộng; thiết lập cơ chế để gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa người sản xuất, người chế biến và người tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp.

- Quan tâm quãng bá sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Phấn đấu mỗi huyện thị phát triển ít nhất từ 1 đến 2 sản phẩm nông nghiệp có chất lượng.

- Rà soát, triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, nghiêm túc các chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp chăn nuôi tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu; trọng tâm là các sản phẩm tinh chế từ nguyên liệu mía, mì, cao su, đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ nông nghiệp.

- Nâng cao phát triển nguồn lực; nâng cao dân trí nông dân; thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, lao động ở nông thôn. Gắn kết nhu cầu sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế. Chú trọng tập huấn kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp chăn nuôi.

- Đẩy mạnh thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhất là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm phát triển hài hoà giữa đô thị hoá và hiện đại hoá nông thôn.

- Tạo điều kiện phát triển toàn diện, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn; thu ngắn khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị.

- Tích cực xây dựng nông thôn hoà thuận, ổn định, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữa vững tạo động lực để phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.  Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội nông thôn; góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

- Quan tâm, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, nhất là nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật để đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp.

- Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp phục vụ tốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là quản lý chặt chẽ, sử dụng linh hoạt có hiệu quả hơn 80.000 hécta trồng lúa theo quy hoạch..

- Chấn chỉnh tình trạng đưa cây lâu năm xuống đất trồng lúa; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định, nhất là chuyển đổi đất trồng lúa sang các mục đích khác; sử dụng không đúng mục đích, để lãng phí về đất.

- Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; huy động và phát huy nguồn lực vốn, lao động, kinh nghiệm trong các thành phần kinh tế và trong nhân dân để thực hiện các chương trình, dự án phát triển tam nông.

- Xây dựng nông thôn mới, tranh thủ các nguồn kinh phí hỗ trợ, các chương trình mục tiêu hỗ trợ của Trung ương để thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển tam nông. Xây dựng nông thôn mới ở địa phương, thường xuyên kiểm tra, giám sát, sử dụng các nguồn vốn cho phù hợp, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm trong lãnh đao, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về tam nông  và chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước cấp trên về kết quả thực hiện tam nông này ở địa phương, đơn vị.

- Các cấp uỷ, tổ chức đảng phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của chi bộ, đảng bộ cơ sở để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn......Chính quyền các cấp phải quan tâm, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ công chức, nhất là cấp xã để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

- Mặt trận và các đoàn thể, nhất là hội nông dân phải tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động nhằm khắc phục tình trạng hành chính hoá; phải hướng về cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động ở nông thôn. Tích cực tham gia thực hiện các chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống sản xuất của nông dân; tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia đóng góp hệ thống chính trị vững mạnh.

- Các cấp, các ngành cần thực hiện tốt công tác phối hợp, chăm lo giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng chính trị vững chắc nhằm bảo vệ tổ quốc.

- Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, định kỳ 6 tháng, hằng năm thực hiện nghị quyết phát triển tam nông và chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát động và nâng cao chất lượng trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là các phong trào nông dân sản xuất giỏi, phong trào chung tay xây dựng nông thôn  mới; thông qua các phong trào thi đua phải kịp thời tổng kết, đánh giá, phát hiện nhân tố mới để biểu dương, khen thưởng kịp thời gương điển hình tiên tiến, xuất sắc; tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tổt, sáng tạo, hiệu quả trong công tác này để tạo động lực phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển nhanh, mạnh và vững chắc.

PHÒNG KH-TC SỞ

    

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây