Vào thăm vùng trồng mía rộng 36 ha của ông Đặng Văn Hùng tại ấp 4, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, Tây Ninh. Không ai có thể ngờ rằng chính khu vực này khi xưa là một vùng đất bạc màu canh tác kém hiệu quả.
Đến với vùng đất xã Suối Ngô từ năm 2005, khi ấy, nơi đây vẫn còn hoang sơ hẻo lánh, ông đã đầu tư vào công việc sản xuất của mình, do điều kiện đất đai nơi đây cằn cỗi, các loại cây được đưa xuống vùng đất này trồng đều phát triển rất kém, cụ thể là cây mì, năng suất thu được khoảng 28 tấn/ha, độ bột được khoảng 21 – 22 chữ, còn cây mía thì đạt khoảng 50 tấn/ha, chữ đường khoảng 7 đến 8 chữ. Không chấp nhận bó tay trước điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, ông Hùng đã tìm đủ mọi cách nhằm cải tạo đất trồng, những diện tích trồng mì được ông Hùng chuyển sang trồng mía. Theo ông Hùng, cây mì là loại cây trồng hại đất, đặc biệt đối với vùng đất bạc màu nơi đây, nếu tiếp tục canh tác cây mì thì đất ngày càng trở nên bạc màu hoang hoá hơn nữa, do vậy ông mới chuyển sang trồng mía nhằm cải tạo dần độ phì nhiêu cho đất. Trước khi chuyển đổi sang trồng mía, ông đã phải đầu tư suy nghĩ rất nhiều; “làm sao để có thể cải tạo được đất trồng, làm gì để có thể nâng cao được năng suất, sản lượng và chất lượng của cây mía?”
Qua sự tìm tòi học hỏi và với tinh thần dám nghĩ, dám làm của mình. Biện pháp mà ông áp dụng để cải tạo được vùng đất bạc màu trên là sử dụng các loại phân có nguồn gốc từ hữu cơ để cải tạo đất. Tuy nhiên, do diện tích đất rộng lớn, để tìm được nguồn phân hữu cơ chất lượng, đủ để cải tạo được phần diện tích đất của ông là một điều không hề dễ dàng, đắn đo suy nghĩ mãi, ông quyết định tìm hiểu và tìm đến các nhà máy mì quanh khu vực để mua xác và lụa mì về làm nguồn phân hữu cơ. Lụa mì có thể xem là sản phẩm rẻ tiền, là chất thừa từ các nhà máy chế biến khoai mì bỏ ra, khi mang về nếu cho ngay vào đất nó sẽ là chất độc có thể làm cây trồng bị chết hoặc kém phát triển, do vậy, sau khi mua lụa mì về, ông không sử dụng ngay mà phải tiến hành ủ hoai rồi mới đưa vào sử dụng. Sau một vài vụ trồng mía, vừa sản xuất vừa cải tạo đất, năng suất mía dần được cải thiện, chất lượng sản phẩm cũng từ đó được nâng cao rõ rệt.
Bên cạnh việc cải tạo đất trồng, việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất cũng được ông thực hiện rất hiệu quả. Hiện nay, phần diện tích mía của ông được đầu tư chăm sóc bằng cách bóc lá mía. Ông Hùng cho biết thêm; việc bóc lá mía được ông tiến hành 2 lần/vụ, qua quá trình áp dụng thực hiện bóc lá mía từ năm 2012 đến nay, cây mía của ông luôn phát triển tốt, đạt được năng suất và hiệu quả hơn rất nhiều. Việc bóc lá mía có thể đạt được một số lợi ích sau: Giúp cây mía quang hợp tốt hơn, tạo được sự thông thoáng cho ruộng mía, nhất là tỉ lệ sâu đục thân rất ít đồng thời giảm thiểu một số vi sinh vật có hại, duy trì độ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại phát triển, lá khô khi phân huỷ sẽ trở thành nguồn phân hữu cơ đáng kể cải tạo đất rất hữu hiệu… theo ông việc bóc lá mía như trên, hàng năm ông đã tiết kiện được chi phí đầu tư phân bón nhưng năng suất mía lại tăng hơn từ 5 đến 7 tấn/ha, chữ đường cũng cao hơn so với trước kia.
Gắn liền với quá trình sản xuất của ông: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. ông Hùng đã tâm sự: Không chỉ riêng về cây mía, mà tất cả các loại cây trồng đều như thế, nếu chúng ta có chế độ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, hiểu rõ quy luật phát triển từng loại cây trồng thì việc đầu tư vào chăm sóc đạt hiệu quả cũng rất dễ dàng.
Theo ông Hùng:
+ Nhất nước: Các loại cây trồng đều rất cần nước để phát triển, vấn đề này được ông chú trọng đầu tư ngay từ ban đầu, ông chủ động khoan giếng, hạ đường điện vào tận nơi để thuận tiện tưới đầy đủ nước cho mía. Để cây mía sinh trưởng và phát triển tốt, cần phải đầu tư chăm sóc ngay từ ban đầu, luôn luôn giữ được nền đất ẩm và tưới nước đến giai đoạn mía chín gần đến ngày thu hoạch mới ngưng. Đặc biệt ở vào giai đoạn mía chín, nếu chúng ta ngưng tưới nước, nếu gặp thời tiết khô hạn kéo dài sẽ làm cây mía bị mất nước dẫn đến năng suất và chữ đường sẽ bị tuột giảm đáng kể.
+ Nhì phân: Ông luôn quan tâm đầu tư phân bón một cách cân đối và hợp lý, sử
dụng các loại phân bón có nguồn gốc từ hữu cơ, hữu cơ vi sinh để bón cho cây, nhằm mục đích cải tạo đất hiệu quả hơn.
+ Tam cần: Sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, vận dụng những cái mới, cái tiến bộ vào sản xuất. Ông đã mạnh dạn dám nghĩ dám làm, thực hiện việc bóc lá mía trên toàn bộ diện tích mía của mình. Nhiều người cho rằng, việc bóc lá mía tốn rất nhiều công lao động, đặc biệt vào thời điểm nguồn lao động khan hiếm như hiện nay, chi phí đầu tư rất nhiều nhưng hiệu quả thu được không bao nhiêu, vậy mà với sự cần cù, vượt khó của mình, ông đã áp dụng thực hiện rất thành công.
+ Tứ giống: Giống cũng là một yếu tố rất quan trọng, ảnh hưỡng trực tiếp đến năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm của cây trồng. Do vậy việc lựa chọn các loại giống mía tốt phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương cũng được ông Hùng quan tâm lựa chọn rất kỹ.
Hiện nay, mặt dù tuổi đã gần 70,
nhưng quá trình lao động của người nông dân này vẫn chưa dừng lại ở đó, tâm nguyện của ông là làm sao cho những diện tích đất canh tác của mình, việc sản xuất sẽ đạt được năng suất và chất lượng cao nhất.
Là chủ trang trại với 40 ha cao su, 36 ha mía, ông cảm thấy rất hài lòng với những gì mình đang có, quá trình sản xuất thành công, năng
suất mía hiện nay thu được từ 140 đến 150 tấn/ha, chữ đường từ 9,5 đến 10,5 chữ, tuy nhiên, thời gian sắp tới ông vẫn tiếp tục định hướng tìm cách đầu tư để tiếp tục cải thiện tăng thêm năng suất và chất lượng sản phẩm hơn nữa. Qua đó cho thấy, từ đôi bàn tay cần cù sáng tạo của mình, ông Hùng đã làm thay đổi vùng đất cằn cỏi hoang sơ trở nên một màu xanh tươi thắm, mang lại thu nhập đáng kể.
Trạm Khuyến nông Tân Châu
Ý kiến bạn đọc