Trần Văn Tha
Cách UBND xã Cẩm Giang về hướng Huyện Gò Dầu 2,5km, khu vực ấp Cẩm Bình có trên 15,8ha đất hiện đang trồng dừa xiêm Mã Lai cho hiệu quả kinh tế cao. Đất ở vùng này quang năm khô hạn cằn cỗi, trước đây người dân trồng lúa, nhưng năng suất không cao. Nguyên nhân là đất triền gò 01 vụ, chưa có kênh thủy lợi đi qua nên sản xuất lúa bị hạn chế nước tưới.
Gia đình ông Nguyễn Thái Bảo, sinh năm 1950, ngụ ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang có 15,8ha đất bỏ không từ nhiều vụ, vì trồng cây gì cũng thất bại. Ông cũng nghiên cứu tìm cách cải tạo đất nhưng không hiệu quả. Năm 2011, ông tìm được tài liệu về cây dừa xiêm Mã Lai, đây là loại cây trồng ngắn ngày dễ thích nghi với vùng đất cằn cỗi, nếu chăm sóc tích cực có thể phát triển tốt, vốn đầu tư cũng phù hợp với kinh tế gia đình mình.
Được biết giống dừa xiêm Mã Lai được ưa chuộng trên thị trường, nước dừa xiêm là loại nước uống giải khát, thanh
nhiệt và rất tốt cho sức khỏe... Do trong vùng chưa có mô hình nào trồng thực tế để tham quan, nên thời gian đầu ông đầu tư trên 0,45hecta đất, để khảo sát xem dừa xiêm có thể trồng trên vùng đất nào, và hình thức chăm sóc cây cho hiệu quả cao nhất.
Ban đầu ông mua 150 cây giống từ Long An, trồng thử nghiệm trên diện tích đất 0,45 hecta đất xử lý đất bằng phân bò hoai mục và tro, ủ gốc bằng phân lục bình. Đến nay, là năm thứ 3, dừa bắt đầu cho thu hoạch. Khác với các loại dừa khác, loại dừa này mặc dù cây thấp nhưng cho trái quanh năm. Bất kể mùa mưa hay mùa khô thì nước dừa vẫn giữ được vị ngọt thanh đặc trưng, cứ 7 ngày ông lại cho thu hoạch 700 - 900 trái/150 gốc, các thương lái tìm đến tận vườn mua dừa phân phối đi các tỉnh khác tiêu thụ. Giá trung bình 5.000 đồng/trái thì việc thu nhập trên cây dừa xiêm Mã Lai cho hiệu quả kinh tế rất cao. Ông Bảo cho biết trồng dừa không tốn nhiều công sức, ban đầu thì chịu khó bón phân, xịt thuốc, xử lý ngọn tránh côn trùng ăn chết cây. Khi cây lớn thì việc chăm sóc cây nhàn rỗi hơn. Chỉ một mình ông cũng có thể quán xuyến hết công việc chăm vườn.
Nhận thấy cây dừa mang lại hiệu quả kinh tế cao ông Bảo dự kiến cải tạo diện tích còn lại tiếp tục trồng 600 gốc Mã Lai và 100 gốc dừa xiêm dây, cải tạo mương để nuôi cá tai tượng và cá diêu hồng cho thu nhập song song từ mô hình chuyển đổi cây trồng.
Bên cạnh việc phát triển vườn dừa của gia đình, ông Bảo còn giới thiệu cho người thân, bạn bè chuyển đổi cây trồng kém giá trị kinh tế sang trồng dừa. Ông cũng nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho những hộ trồng dừa khác trong khu vực. Cũng chính vì vậy mà hiện nay tại xã Cẩm Giang phong trào trồng dừa xiêm Mã Lai đang phát triển mạnh.
Ý kiến bạn đọc