Máy tuốt đậu phọng tươi

Thứ hai - 08/09/2014 22:05 423 0

 Diện tích trồng đậu phộng trên toàn tỉnh Tây Ninh năm 2012 là 9.361 ha, giảm 14.075 ha so với năm 2005. Nguyên nhân nông dân bỏ không trồng đậu phộng chủ yếu là do giá cả thị trường biến động mạnh, thiếu công lao động thời vụ. Hiện nay, Tây Ninh phổ biến thu hoạch đậu phộng tươi tại ruộng bằng thủ công. Đến thời điểm thu hoạch, việc nhổ và tuốt đậu phộng phải được tiến hành nhanh để kịp thời phơi khô và bảo quản, không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng đậu. Tuy nhiên, nhân lực thời vụ không đủ đáp ứng trong địa phương, giá nhân công lại cao khiến cho nông dân trồng đậu phộng gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu thu hoạch đậu phộng là một trong những giải pháp phát triển đậu phộng bền vững. Nắm được nhu cầu phát triển nông nghiệp của tỉnh, cùng với mong muốn giúp đỡ người nông dân, kỹ sư Lương Nguyễn Bảo Phong ở D53/9 Ninh Lợi, phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh đã tìm tòi, nghiên cứu và chế tạo thành công máy tuốt đậu phộng tươi phù hợp với điều kiện canh tác địa phương.

Máy tuốt đậu phộng của anh Phong không phải là máy tuốt đậu phộng đầu tiên được sản xuất nhưng về nguyên lý hoạt động thì hoàn toàn mới so với các máy trước đây. Giống đậu phộng trồng ở Tây Ninh chủ yếu là giống đậu Lỳ, có đặc điểm hàm lượng dầu cao, vỏ mỏng, dễ nứt vỡ dưới tác động cơ học.

Vì vậy, việc tìm ra nguyên lý kết cấu máy cho phù hợp với giống đậu phộng này là vấn đề không phải dễ. Anh Phong mô tả máy tuốt đậu phộng của anh hoạt động theo nguyên lý sau: Đậu phộng được đưa lên băng tải (1) đi vào trống tuốt dọc trục (2), trống nhận lực quay từ máy kéo, sinh ra lực ly tâm ép các dây đậu vào máng tuốt làm cho đậu và lá đậu bứt ra khỏi dây đậu và rơi xuống sàng (3); Dây được đưa ra ngoài quạt đẩy (4) cuối trống, còn lá và hạt sau khi xuống sàng sẽ di chuyển đến quạt hút (5) làm cho lá bay ra ngoài, hạt tiếp tục di chuyển ra sau cùng với thân cây gãy; Do thân cây gãy nặng gần bằng trọng lượng hạt nên không hút lên được, còn lá và tạp chất có khối lượng nhỏ hơn nên được hút ra ngoài; Sau khi hạt và thân cây gãy di chuyển ra sau, gặp lưới sàng có lỗ vừa bằng hạt nên hạt rớt xuống máng (6) ra ngoài, còn thân cây gãy sẽ di chuyển tiếp ra ngoài và rớt xuống đất.

Theo số liệu thực tế, tại xã Hưng Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, chi phí tuốt đậu phộng thủ công cho 1 ha, với 40 công lao động ước tính khoảng 6 triệu đồng (tính bình quân 4 tấn/ha). Nếu dùng máy tuốt đậu phộng chỉ tốn gần 1,6 triệu đồng, bao gồm chi phí dầu, tiền công cho 3 người, chi phí vận chuyển, bảo dưỡng và khấu hao cho máy. Như vậy, cứ 1 ha dùng máy tuốt đậu phộng có thể tiết kiệm chi phí lên đến 4,4 triệu đồng.

Hiện tại, các trang thiết bị trong tỉnh chủ yếu chỉ đáp ứng vấn đề cơ giới hoá trong khâu làm đất, các khâu còn lại như chăm sóc, thu hoạch, việc áp dụng cơ giới hoá là không đáng kể (ngoại trừ sản xuất lúa). Lao động trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh thiếu khoảng 4.664 người, tương đương với khoảng 835.929 công/năm. Điều này cho thấy việc ứng dụng nhanh cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp là yêu cầu tất yếu của ngành. Mục tiêu của lãnh đạo tỉnh đặt ra đến năm 2020 là chú trọng phát triển cơ giới hoá các khâu nặng nhọc, thời vụ khẩn trương, sử dụng nhiều lao động, giảm bớt áp lực lao động nông thôn, tăng giá trị sản phẩm nông sản. Với năng suất máy hoạt động là 600 – 800kg đậu/giờ, độ vỡ quả dưới 5%, độ sạch hơn 80% và tiết kiệm chi phí hơn 4,4 triệu đồng/ha, máy tuốt đậu phộng tươi của anh Phong thật sự có thể đáp ứng được nhu cầu cơ giới hóa và là một công cụ rất hữu ích cho người nông dân trồng đậu phộng tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

KS Nguyễn Thị Thúy An - TTKN Tây Ninh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây