CẢNH BÁO BỆNH CHỔI RỒNG PHÁT SINH GÂY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TÂN CHÂU

Thứ năm - 28/04/2022 00:00 838 0
Hiện nay, tình hình sinh vật gây hại cây trồng của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Châu cho thấy bệnh chổi rồng bắt đầu xuất hiện gây hại rải rác tại một số vùng sản xuất trên địa bàn huyện và chủ yếu trên giống KM 505, nhiều diện tích tuy tỷ lệ nhiễm thấp nhưng nguy cơ gây thiệt hại cho vụ sản xuất sau là rất lớn.

CẢNH BÁO BỆNH CHỔI RỒNG PHÁT SINH GÂY HẠI

 TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TÂN CHÂU 


      Vụ Đông Xuân 2021- 2022 toàn huyện Tân Châu có diện tích xuống giống khoai mì khoảng 12. 730 ha trên kế hoạch năm khoảng 16.000 ha với giống mì chủ lực hiện nay là KM 505. Giống KM 505 có đặc điểm sinh trưởng phát triển mạnh mặc dù bị nhiễm bệnh khảm lá nhưng  hàm lượng tinh bột cao và ổn định, năng suất đạt từ 25 – 40 tấn/ha, tuy điều kiện chăm sóc, mùa vụ, ... Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Tân Châu nói riêng và Tây Ninh nói chung, giống KM 505 được nông dân ưu tiên sử dụng và hiện nay giống này chiếm khoảng 90% diện tích trồng khoai mì. Do vậy, có thể xem đây là giống khoai mì chủ lực hiện nay trên địa bàn huyện.

      Hiện nay, qua kiểm tra tình hình sinh vật gây hại cây trồng của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Châu cho thấy  bệnh chổi rồng bắt đầu xuất hiện gây hại rải rác tại một số vùng sản xuất trên địa bàn huyện và chủ yếu trên giống KM 505, nhiều diện tích tuy tỷ lệ nhiễm thấp nhưng nguy cơ gây thiệt hại cho vụ sản xuất sau là rất lớn, nguyên nhân là do bệnh Chổi rồng lay lan chủ yếu qua hom giống và người sản xuất sử dụng cây mì trên ruộng nhiễm bệnh (bao gồm cây bị bệnh) để trồng.

      Tác nhân gây bệnh: Bệnh chổi rồng trên cây mì do Phytoplasma (Candidatus phytolasma aurantifolia) gây ra.

Triệu chứng:

      -  Giai đoạn cây con: Hom giống bị nhiễm bệnh sau khi trồng lên mầm kém, sinh trưởng kém, lóng thân ngắn, lá ngắn và nhỏ. Chồi ngọn rụt ngắn lại, cây thấp lùn, các mầm ngủ trên thân mọc nhiều chồi, cây sinh trưởng kém, lá chuyển màu vàng, rụng hoặc chết khô. Khi bệnh nặng bên trong thân gỗ của cây và hom mì thâm đen, phần bấc trong thân cây chuyển màu nâu vàng, sau đó cây héo dần, rụng lá và chết cả cây.

      - Giai đoạn thu hoạch: Những cây nhiễm bệnh nhẹ,  mặc dù cây sinh trưởng bình thường nhưng đến thời kỳ thu hoạch ngọn cây bị chết khô, phần thân đoạn dưới bị chết, các chồi mọc thành dạng chùm, hình dạng dù, biểu hiện sinh trưởng của từng chồi giống như triệu chứng của giai đoạn cây con nhiễm bệnh chổi rồng, cây mì ít củ và củ nhỏ hơn cây bình thường.



Hình ảnh cây mì bị bệnh chổi rồng trên địa bàn huyện Tân Châu.

        Để hạn chế thiệt hại do bệnh chổi rồng gây ra, nông dân nên sử dụng các biện pháp phòng trừ sau:

        - Sử dụng những giống mì từ vùng chưa bị bệnh và cây mì sạch bệnh để làm giống, tuyệt đối không vận chuyển hom mì giống từ vùng bệnh sang vùng khác.

       - Đối với diện tích mì non, giai đoạn phát triển thân lá bị nhiễm bệnh nhẹ, cần nhổ tiêu hủy cây bệnh và rắc vôi vào hốc những cây bị bệnh để hạn chế sự lây lan.

        - Bón phân đầy đủ và cân đối N, P, K; khuyến khích sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh.

         - Ruộng bị bệnh, thu gom đốt triệt để thân và tàn dư của cây mì bị bệnh để tiêu diệt nguồn bệnh, luân canh với cây trồng khác họ từ 1 – 2 vụ.

          - Trồng xen cây họ đậu để vừa bổ sung dinh dưỡng cho đất, vừa hạn chế xói mòn, rửa trôi đất.

          Bệnh chổi rồng hiện không có thuốc phòng trị, lây lan chủ yếu qua hom giống. Vì vậy, bà con nông dân cần cẩn thận lựa chọn nguồn cung cấp giống đáng tin cậy, đảm bảo hom giống không bị nhiễm bệnh chổi rồng để sản xuất vụ tiếp theo.


                                                                                                                                                                   TRẠM TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT HUYỆN TÂN CHÂU




  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây