Ứng dụng phần mềm Truy xuất nguồn gốc điện tử Kipus trên cây ăn quả tại tỉnh Tây Ninh

Thứ hai - 10/01/2022 00:00 1.090 0
Các thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, trong đó đặc biệt là yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đòi hỏi người sản xuất phải sản xuất theo quy trình GAP, và có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đối với thị trường trong nước và một số nước trong khu vực, sản phẩm rau quả cần phải đạt tiêu chuẩn VietGAP mới đáp ứng được yêu cầu lưu thông trên thị trường và tiêu chuẩn GLOBALGAP là hướng đến xuất khẩu các thị trường khó tính nhưng có hiệu quả kinh tế cao như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu

1. Thực trạng tình hình sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và định hướng sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm có truy xuất nguồn gốc.

 1.1 Thực trạng sản xuất cây ăn quả và định hướng phát triển

Trong xu thế hội nhập với thế giới, sự cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa ngày càng cao, kể cả tại thị trường trong nước và xuất khẩu.Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngànhđã tập trung đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật canh tác phục vụ phát triển nông nghiệp; hỗ trợ chứng nhận VietGAP/GlobalGAP trên rau và cây ăn quả; xây dựng điểm trình diễn mô hình sản xuất rau công nghệ cao…

Tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 23.159 ha, tăng 1.122 ha so với năm 2019; Trong đó, các loại cây ăn quả có quy mô khá lớn trên địa bàn tỉnh như sau: mãng cầu 5.405,9 ha, nhãn 4.525 ha, xoài 2.463 ha, chuối 2.047 ha, cây có múi 2.050,5 ha(cây bưởi: 1.231,3ha; cây cam: 453,5ha, cây quýt: 365,7 ha). Mãng cầu là loại cây ăn quả có diện tích lớn và là sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng cả nước. Diện tích cây ăn quả đã được hỗ trợ chứng nhận VietGAP trong năm 2019 tại 20 vùng với tổng diện tích là 885,26 ha nâng tổng số diện tích chứng nhận trong toàn tỉnh Tây Ninh đạt 1.215 ha.

Định hướng đến năm 2025 tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 36.933 ha. Trong đó, Diện tích sản xuất một số loại cây ăn quả đặc sản chủ lực như:  mãng cầu 6.573 ha, chuối 4.247 ha, xoài 4.050 ha, Chôm chôm : 1.647 ha, cây có múi: 5.957 ha ( bưởi 3.280 ha, cây có múi khác: 2.677 ha), nhãn 5.533 ha và Thanh long : 359 ha.  tăng diện tích trồng thơm và một số loại cây ăn quả đặc sản có giá trị cao lên khoảng 3.000 ha. Bên cạnh đó, việc áp dụng mô hình công nghệ cao trong nhà màng nhà lưới để trồng một số loại Dưa (Dưa lưới, Dưa Lê) hiện trong năm 2020 diện tích khoảng 20 ha, và định hướng đến năm 2025 khoảng 30 ha.

Các thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, trong đó đặc biệt là yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đòi hỏi người sản xuất phải sản xuất theo quy trình GAP, và có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đối với thị trường trong nước và một số nước trong khu vực, sản phẩm rau quả cần phải đạt tiêu chuẩn VietGAP mới đáp ứng được yêu cầu lưu thông trên thị trường và tiêu chuẩn GLOBALGAP là hướng đến xuất khẩu các thị trường khó tính nhưng có hiệu quả kinh tế cao như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu.

 1.2. Căn cứ pháp lý và yêu cầu bắt buộc việc áp dụng truy xuất nguồn gốc trên cây trồng

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;

Căn cứ Luật Trồng trọt năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính Phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc;

Căn cứ Công văn số 1053/UBND-KTTC ngày 23 tháng 5 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc cho ý kiến về chủ trương hoạt động phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng (KIPUS) cho các tổ chức cá nhân, sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Tây Ninh;

Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yêu cầu bắt buộc khi lưu thông hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản  đã có Công văn số 339/CCTTNS-TT ngày 04/4/2019 về việc thời hạn áp dụng truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu của Trung Quốc.

Để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm phải lưu trữ các thông tin liên quan đến nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm và khách hàng trong trường hợp khách hàng đã mua sản phẩm đó thông qua hợp đồng, sổ sách ghi chép hoặc các phương thức khác để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc.

Thực hiện Kế hoạch số 939/KH-UBND ngày 11/5/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.

Trên cơ sở các quy định về yêu cầu chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn và phải minh bạch quá trình canh tác từ khâu gieo trồng đến nơi tiêu thụ. Do đó, việc ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng điện tử KIPUS là phần mềm do Công ty TNHH KIAG thiết kế, xây dựng triển khai tại tỉnh Tây Ninh là sản phẩm mang tính đột phá của tỉnh Tây Ninh trên cơ sở hợp tác với Công ty TNHH KIAG có trụ sở tại nước Đức là một bước đi quan trọng trong việc minh bạch hóa sản phẩm đảm bảo yêu cầu chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng và đáp ứng theo yêu cầu của quy định Nhà nước.

2. Khái quát về những lợi ích mà phần mềm Kipus do công ty TNHH KIAG thiết kế và quản lý.

2.1. Đối với chuỗi giá trị chuỗi cung ứng

Cách tiếp cận phát triển bền vững khu vực với thực tiễn được xác định, tăng khả năng tiếp thị của các thương hiệu bao gồm nhiều hơn một trang trại, tạo ra thị trường mới dành cho các quy trình đã xác định yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

 

2.2. Đối với nông dân, nhà sản xuất và chế biến

Tài liệu sản xuất , nhật kí canh tác, minh bạch, rõ ràng, kiểm tra dữ liệu dễ dàng và tiết kiệm thời gian thông qua kiểm toán viên (trong việc cấp giấy chứng nhận). Cho thấy tổng quan về sản lượng, vật tư nông nghiệp được sử dụng, về thu nhập, cơ chế cảnh báo sớm như: chống lại việc sử dụng phân bón, BVTV thuốc trái phép, chống lại việc sử dụng số lượng vật tư nông nghiệp sai quy chuẩn, chống lại các hoạt động sai quy chuẩn.

Truy xuất nguồn gốc đầy đủ cho khách hàng (xây dựng niềm tin, thương hiệu, lòng trung thành), tiếp cận thị trường mới khó tính hơn, nông sản có giá trị cao hơn, thông báo về tin tức, học tập về GAP (thực hành nông nghiệp tốt) từ các kiến thức đã được tích hợp trong hệ thống.

2.3. Đối với Hợp tác xã

Tất cả các lợi thế như cho nông dân cũng được áp dụng, phân tích, so sánh và hỗ trợ những đơn vị sản xuất chưa hiệu quả, truy xuất nguồn gốc đầy đủ cho khách hàng, thông báo về việc sử dụng không đúng hoặc phân thuốc mới. Thêm dịch vụ như một mô hình kinh doanh cải thiện khả năng quản lý rủi ro, thêm niềm tin và kết nối với nông dân

2.4. Đối với Cán bộ quản lý Nhà nước và người tư vấn

Được kiểm tra tài liệu sản xuất, nhật kí canh tác của người sản xuất, cảnh báo khi có hoạt động sai quy chuẩn, quản lý sát từng cá nhân nông dân (để có hành động khắc phục), mọi quyền truy cập vào dữ liệu.

Phần mềm truy xuất nguồn gốc còn cho phép cán bộ quản lý Nhà nước và người tư vấn được kiểm tra tài liệu sản xuất, nhật kí canh tác của người sản xuất, cảnh báo khi có hoạt động sai quy chuẩn, quản lý sát từng nông dân trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (để có hành động khắc phục).

2.5. Thông tin sản phẩm

Truy xuất nguồn gốc là một trong những giải pháp giúp cho người tiêu dùng biết được rõ về nguồn gốc, xuất xứ cũng như các công đoạn để làm ra sản phẩm.Truy xuất nguồn gốcsản phẩm cung cấp đến người tiêu dùng đầy đủ thông tin ngược dòng, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối; cung cấp hình ảnh, giá cả, thông tin liên hệ, nơi sản xuất, thời điểm sản xuất. Khách hàng có thể truy xuất nhanh nguồn gốc sản phẩm,định vị được địa điểm sản xuất trên bản đồ qua mã QR in trên bao bì sản phẩm bằng cách dùng ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh;

Khi áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc, người sản xuất sẽ tăng được sự tin tưởng của khách hàng khi minh bạch quá trình sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm nông sản của tỉnh Tây Ninh, hướng đến xuất khẩu ra thị trường thế giới để nâng cao giá trị ngành hàng rau quả, nâng cao thu nhập.

3. Tình hình triển khai và vận hành phần mềm Kipus trên địa bàn tỉnh Tây Ninh như sau:

Năm 2019, được sự quan tâm của UBND tỉnh cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Công ty TNHH KIAG bước đầu triển khai thử nghiệmứng dụng phầm mềm truy xuất nguồn gốc điện tử KIPUS trên địa bàn tỉnh. Trong năm có 70 hộ nông dân trồng cây ăn quả được hướng dẫn áp dụng phần mềm, cách nhập và truy xuất dữ liệu trên các thiết bị điện tử (máy tính bàn, laptop, điện thoại…).

Năm 2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp Công ty TNHH KIAG triển khai thực hiện phầm mềm truy xuất nguồn gốc điện tử KIPUS tại tỉnh Tây Ninh trên các loại cây ăn quả như: bưởi, xoài, cam, quýt, nhãn, mãng cầu, chuối già Nam Mỹ, thanh long, mít...trong năm 2020 đã cài đặt cho 145 hộ áp dụng phầm mềm truy xuất nguồn gốc điện tửKIPUS với diện tích 1.231,9 ha. Trong đó có 08 cơ sở được cấp mã QR và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Công ty TNHH 6 Như 1, Hợp tác xã Xoài tứ quý Thạnh Bắc, Hợp tác xã Mộc An Xanh, Công ty Cổ phần Natani, Công ty Cổ phần Quốc tế Đức Thành và 03 hộ nông dân Hà Chí Mãng, Phạm Đình Cường, hộ kinh danh vận tải Phú Đô My) với tổng diện tích là 114,23 ha trên các loại cây trồng bưởi da xanh, mãng cầu, dưa lưới, xoài tứ quý với số lượng 44.000 tem.

Năm 2021, tính đến tháng 10/2021, đã vận động thêm 26 tổ chức, cá nhân tham gia với tổng diện tích 224,77 ha tại các huyện: Châu Thành, Dương Minh Châu, Tân Biên, Bến Cầu, thị xã Trảng Bàng, thị xã Hòa Thành và TP Tây Ninh gồm các loại cây trồng: mãng cầu, xoài, chuối, bưởi, sầu riêng, nhãn, ổi, táo.

Qua quá trình triển khai thực hiện ứng dụng phầm mềm truy xuất nguồn gốc điện tử KIPUS, đa số các hộ dân tham gia thực hiện phần mềm rất nhiệt tình và tích cực nhập quá trình canh tác hoặc tác động trên vườn vào phần mềm. Tuy nhiên cũng có một số khó khăn như địa bàn rộng nên việc liên hệ và đến trực tiếp từng hộ dân mất nhiều thời gian; một số hộ dân chưa đáp ứng được điều kiện tham gia phần mềm truy xuất nguồn gốc (do không có điện thoại thông minh, lớn tuổi, chưa tham gia lớp tập huấn VietGAP trên cây ăn quả).

 

 

 

 

 

4. Những thuận lợi và khó khăn

4.1. Thuận lợi

- Trong quá trình thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng một số hộ sản xuất đã thực hiện tốt và cập nhật đầy đủ thông tin trong quá trình sản xuất. 

- Trong quá trình thực hiện cán bộ và nhân viên công ty liên hệ với nông dân, đi đến từng hộ trên địa bàn hướng dẫn sử dụng phần mềm và cách thức nhập dữ liệu vào phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng (KIPUS) trên địa bàn tỉnh.

- Đã cập nhật vị trí, thông tin nông trại, vẽ phân chia lô canh tác vào phần mềm truy xuất nguồn gốc cho từng hộ tham gia.

- Một số nông dân tham gia thực hiện phần mềm rất nhiệt tình và tích cực nhập quá trình canh tác hoặc tác động trên vườn vào phần mềm truy xuất nguồn gốc.

- Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện và cán bộ Công ty TNHH KIAG  tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất cây ăn quả trên địa bàn nắm bắt tình hình và chính sách của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên cây trồng.

4.2. Khó khăn

- Do địa bàn rộng, liên hệ và đến trực tiếp từng nông hộ nên mất nhiều thời gian tiếp cận và hướng dẫn cho từng nông dân sử dụng phần mềm, nông dân chưa sắp xếp được thời gian gặp gỡ cán bộ hướng dẫn nhập phần mềm thường xuyên.

- Nông dân sử dụng phần mềm chưa thành thạo nên cần có sự hướng dẫn và hỗ trợ của cán bộ Công ty TNHH KIAG, Chi cục Trồng trọt và BVTV và Trạm Trồng trọt và BVTV huyện, thị xã/thành phố.

- Năm 2021, giá một số trái cây (nhãn, mãng cầu, cam, quýt,…) giảm mạnh do ảnh hưởng tình hình dịch Covid 19, sản phẩm chủ yếu bán cho thương lái, do đó việc vận động nông dân tham gia và duy trì hoạt động cập nhật dữ liệu gặp nhiều khó khăn.

5. Phương hướng

- Tiếp tục duy trì, tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc.

- Thực hiện rà soát, thông tin và khuyến cáo đến nông dân sản xuất có nhu cầu thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tiếp theo, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục duy trì cài đặt và định vị (mới), tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc;củng cố đội ngũ cán bộ tham gia triển khai phần mềm để đảm bảo phần mềm vận hành tốt./.

Chi cục Trồng trọt và BVTV

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây