QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG MÍA GIỐNG

Thứ sáu - 22/11/2013 17:10 6.032 0
(Áp dụng trên vùng đất cao tại Trung tâm Khảo nghiệm và Sản xuất Mía giống Tây Ninh)

 I/ Thời vụ trồng:  có 2 vụ trồng chính trong năm. 


1/ Vụ Đông Xuân (cuối mùa mưa): 
Vụ trồng mía này chủ yếu lấy hom nhân giống cho vụ trồng Hè Thu. 

1.1- Trong điều kiện không có tưới: 
Xuống giống khi đất còn đủ ẩm 70% , thời gian xuống giống từ 20/10 Dl và kết thúc khoảng 20/11 Dl. 
Tuy nhiên, tùy theo điều kiện thời tiết: mùa mưa chấm dứt sớm hay muộn mà thời vụ trồng có thể kết thúc sớm hơn hoặc muộn hơn, nhưng không nên kéo dài quá 10/12  Dl. 

1.2-Trong điều kiện có tưới: 
Thời vụ có thể kéo dài hơn so với điều kiện không có tưới. Tuy nhiên, cũng không nên kéo dài thời vụ trồng quá 30/12 Dl, trồng trễ hơn sẽ không kịp đôn ngọn cho vụ trồng Hè Thu. 

2/ Vụ Hè Thu (đầu mùa mưa): 
Đây là vụ trồng chính nhằm cung cấp hom giống cho vụ trồng Đông Xuân - vụ trồng phổ biến nhằm thu hoạch mía nguyên liệu. 

2.1- Trong điều kiện không có tưới: 
Tùy vào điều kiện thời tiết: mùa mưa bắt đầu sớm hay muộn mà thời vụ trồng có thể bắt đầu sớm hơn hoặc muộn hơn. Tranh thủ xuống giống từ 20/4 Dl và kết thúc 20/5 Dl. Không nên kéo dài quá 31/5 Dl. 

2.2- Trong điều kiện có tưới: 
Nếu chủ động được việc tưới nước, ngọn giống thì nên xuống giống từ 15/4 Dl và kết thúc vào 10/5 Dl. 
 
II/ Làm đất: 
Để ruộng mía có mật độ đạt yêu cầu, cho năng suất cao và lưu gốc tốt sau này thì khâu chuẩn bị đất rất quan trọng: cày sâu, bừa kỹ để đất đạt được độ tơi, xốp sâu là mục tiêu cần phải đạt được. 
Đối với Trung tâm Khảo nghiệm và Sản xuất Mía giống Tây Ninh, nhằm bổ sung chất hữu cơ, cải tạo đất, bảo vệ các vi sinh vật có ích và các thiên địch có lợi cho cây mía, giữ ẩm và các loại phân vô cơ bón vào đất, hiện nay trong quy trình trồng mới và chăm sóc của Trung tâm, thực hiện không đốt lá mía sau thu hoạch, mỗi một hecta giữ lá đối với mía gốc có từ 22-25 tấn phân hữu cơ và nếu là mía hom là 5-7 tấn phân hữu cơ đã phơi khô. Muốn làm đất tơi xốp mà vẫn giữ lại lá mía không đốt thì phải thực hiện cày, xới nhiều lần lơn so với đất đã đốt lá. 
Tiêu chuẩn làm đất: 
Để khâu làm đất đạt yêu cầu đề ra, điều kiện quyết định là ẩm độ của đất. Ẩm độ đất quá cao hoặc quá thấp đều ảnh hưởng đến chất lượng làm đất, cũng như sự sinh trưởng, phát triển của cây mía sau này, nếu đất khô thì nên tưới ẩm trước khi tiến hành khâu cày, xới đất. Đồng thời, phải sử dụng máy kéo có công suất lớn ≥ 80 HP làm đất thì mới đạt yêu cầu kỹ thuật. 
-Xé tơi lá :sử dụng thiết bị tề gốc nhưng chỉnh lưỡi dao cao hơn bình thường để xé nhuyễn lá mía ra để dễ cắt đứt khi cày 7 chảo 
- Cày trở 7 chảo:  2 lần. Lần thứ nhất là sau khi thu hoạch mía xong, sử dụng dàn cày 7 chảo cày qua 1 lần, mục đích là cắt ngắn lá mía ra thành nhiều đoạn và chẻ, lật gốc mía, giúp lần cày sau sâu hơn và không bị lá, gốc mía cản trở làm đùn đất. Lần cày 7 chảo thứ hai là sau khi cày phá lâm 2 chảo có gắn thiết bị cắt lá (hoặc cày phá lâm 3 chảo) 
- Xới:  mục đích là làm nát lá và gốc mía sau khi đã cày 7 chảo. Riêng trồng vụ Đông Xuân khuyến cáo nên sử dụng thêm 1 lần xới trước khi rạch hàng. 
 45cm (nhằm làm tăng tầng canh tác vốn quá nông do trước đây chúng ta không có điều kiện về cơ giới để cày sâu hơn).³- Cày sâu không lật:  Tối thiểu phải áp dụng 1 lần cày sây không lật đạt độ sâu từ  
Tốt nhất là nên tiến hành cày sâu không lật 2 lần, lần cày sau vuông gốc với lần cày trước (cày ca-rô). 
 30cm (nếu chỉ cày sâu không lật 1 lần) và cày phá lâm 3 chảo 1 lần (nếu cày sâu không lật 2 lần vuông góc nhau).³- Cày phá lâm 3 chảo: Cày phá lâm 3 chảo 2 lần, đạt độ sâu  
Cày trở 7 chảo có thể nhiều hơn 2 lần, làm sao để đất tơi, xốp, sâu nhằm giữ ẩm cho hom mía sau khi trồng, giúp mía nảy mầm nhanh và đồng đều. 
- Rạch hàng: 
 30cm.³Vụ Đông Xuân rạch hàng sâu từ  
 25cm.³Vụ hè thu rạch hàng sâu từ  
-Khoảng cách hàng:   
Nhằm thuận tiện cho việc chăm sóc mía bằng cơ giới, đồng thời tăng mật độ cây trên một đơn vị diện tích, trung tâm đang áp dụng trồng mía hàng kép. 
+ Đối với trường hợp trồng thủ công thì khoảng cách hàng giữa hai hàng đơn là 40cm, khoảng cách giữa hai hàng kép từ 1,2m đến 1,3m tùy theo giống mía đẻ nhánh nhiều hay ít. 
+ Đối với trồng mía bằng máy thì khoảng cách hàng giữa hai hàng đơn là 30cm và khoảng cách giữa hai hàng kép từ 1,2m đến 1,3m. 

III/Chuẩn bị hom giống: 
Số lượng hom cho 1 Ha: 40.000 Hom-50.000 Hom (tương đương với 10 tấn-12 tấn tùy theo giống lớn cây hay nhỏ cây) 
Hom giống phải đạt tiêu chuẩn: 
-    Sử dụng hom 3 mắt, 3 lóng. 
-    Hom mập, khỏe, không bị vết sâu bệnh. 
-    Không bị lẫn giống. 
-    Hom không quá già (tốt nhất là sử dụng hom 6 -7 tháng tuổi). 
Trong quá trình lột, tề hom phải lọai bỏ hết các hom mía không đạt tiêu chuẩn. Đối với trồng mía bằng máy thì không cần tề, chỉ cần lột hoặc róc sạch phiến lá. 

IV/ Phân bón: 
Vùng đất của Trung tâm Khảo nghiệm và Sản xuất Mía giống Tây Ninh thuộc đất xám trên phù sa cổ: đại đa số là đất cát pha thịt, một số ít diện tích là thịt pha cát, pH thấp, nghèo mùn, N & P tổng số rất thấp, khả năng giữ nước và dinh dưỡng trong đất rất kém, các chất dinh dưỡng cung cấp cho cây mía qua việc sử dụng phân bón rất dễ bị rửa trôi, thẩm di và bốc hơi, mức độ hữu hiệu của phân bón là rất thấp. 
Từ những đặc điểm cơ bản nêu trên, để đảm bảo năng suất mía, cần đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng phân bón  đầy đủ, cân đối và hiệu quả nhất. 
Phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng phân bón cho cây mía đó là: 
- Bón phân đúng liều lượng. 
- Bón phân đúng nhu cầu ở từng thời điểm sinh trường, phát triển của cây mía. 
- Bón phân đúng cách. 
- Sử dụng phân bón đúng loại. 

A/-Định mức phân bón tối thiểu cho 1 ha mía: 
 * Đối với mía trồng mới:
- Vôi:  1.000 kg – 2.000 kg (hoặc Dolomite). 
- Phân hữu cơ:  sử dụng một trong các loại sau: 
+ Bã bùn:  10-20 tấn (bã bùn qui khô). 
+ Phân hữu cơ vi sinh:  3.000 kg-5.000Kg. 
+ Phân chuồng:  10-20 tấn. 
- Phân vô cơ: 
+ Đạm (N)    :  từ 184 kg- 207 kg  (tương đương 400 kg đến 450kg Uréa ). 
+ Lân (P2O5):  từ 130 kg-160 kg (tương đương 800kg đến 1.000kg Lân nung chảy). 
+ Kali (K2O):  từ 150kg- 180 kg (tương đương 250 kg đến 300kg KCl). 
Có thể sử dụng nhiều loại phân khác nhau, nhưng phải tính toán liều lượng tương đối phù hợp với định mức trên. 
Nhằm đảm bảo liều lượng phân bón, cũng như phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây mía, trung tâm sử dụng phân bón đơn chất để phối trộn bón cho mía. Đối với Đạm, Trung tâm sử dụng phân Urea 46A+ để chống thất thoát Đạm, phân lân thì sử dụng Lân Nung chảy cho phù hợp với tính chất đất. 

* Đối với mía gốc: 
- Phân hữu cơ: Tùy theo điều kiện cụ thể mà bón từ 2-5 tấn/ha. 
- Phân vô cơ: Lượng phân vô cơ bón bằng hoặc tăng 10%-50% so với định mức của mía tơ. 

B/-Cách bón: 

1/-Đối với mía trồng mới: 
Từ khi trồng đến khoảng 30 ngày sau trồng, cây mía chủ yếu sử dụng chất dinh dưỡng từ hom mía, nên chỉ cần bón lân trước khi trồng để cây mía phát triển bộ rễ nhằm tăng khả năng hấp thu nước và chất dinh dưỡng sau này. 
- Vôi phải rải trước khi trồng ít nhất là 10-15 ngày, phân vi sinh (hoặc bả bùn, phân chuồng), rải đều trên mặt đất trước khi cày 7 chảo hoặc xới lần cuối. 
- Bón lót:  Toàn bộ lượng lân, có thể bón cùng lúc với phân vi sinh để xới hoặc cày vùi. 
- Bón thúc 1:  Sau khi trồng 30 ngày, bón 1/2 lượng phân đạm (N) + 1/2 lượng phân Ka-li (K2O). 
- Bón thúc 2:  Sau khi trồng 80-90 ngày, khi máy cơ giới còn có thể vào được, bón toàn bộ lượng phân còn lại: 1/2 đạm + 1/2 Ka-li. 
Nhằm hạn chế thấp nhất sự bốc hơi, rửa trôi, phân bón được rải đều và chôn vùi vào đất, trung tâm sử dụng thiết bị cày sâu bón phân để bón phân thúc cho mía đem lại hiệu quả cao. Khi bón thúc 1, do rễ mía mới ra còn ngắn nên bón phân vào hai mép hàng mía để rễ mía hấp thu dễ dàng hơn. Bón thúc 2 thì có thể bón giữa hàng. 

2/-Đối với mía gốc: 
-    Phân hữu cơ vi sinh và phân lân, sau khi thu hoạch mía, tề gốc xong, trung tâm sử dụng thiết bị tung phân để bón, sau đó dùng dàn bừa giữa hàng để bừa nhằm chôn vùi phân bón vào đất. 
Phân đạm và kali chia làm 2 lần bón: thúc 1 và thúc 2. 
-    Bón thúc 1:  1/2 lượng phân đạm (N) + 1/2 lượng phân Kali (K2O). 
-    Bón thúc 2:  bón toàn bộ lượng phân còn lại: 1/2  Đạm (N), 1/2  Ka-li (K2O). 
Khi bón thúc thì sử dụng thiết bị cày sâu để bón. 

V/ Trồng dặm: 
Muốn có ruộng mía năng suất cao, điều kiện đầu tiên là mật độ ruộng mía phải đảm bảo đông đặc. Do đó, việc trồng dặm những chỗ không lên trong ruộng mía là một công đoạn bắt buộc đối với người trồng mía. 
- Đối với mía trồng mới vụ Hè Thu hoặc mía Đông Xuân có tưới:  30 ngày sau khi trồng (giai đoạn kết thúc nảy mầm) tiến hành kiểm tra đồng ruộng và dặm lại những chổ mía không lên. Có thể dặm bằng hom hoặc cây con ươm sẵn. Sau khi dặm phải đảm bảo đủ ẩm cho cây mía dặm phát triển tốt. 
- Đối với mía gốc có tưới:  30 ngày sau khi xử lý gốc, tiến hành kiểm tra đồng ruộng và dặm lại những chổ mía không lên. Chiết cây trên cùng ruộng mía để dặm. 
 
VI/ Chăm sóc: 
a) Kiểm soát cỏ dại: 
Quản lý và phòng trừ cỏ dại cho ruộng mía là công việc quan trọng và thường xuyên trong quá trình canh tác mía. Nói chung, phải kiểm soát chặc chẽ tình hình cỏ dại trên ruộng mía, tuyệt đối không được để cỏ dại lấn áp mía. 
Hiện nay, có nhiều biện pháp phòng trừ cỏ dại: cơ giới, thủ công, hóa chất…đối với trung tâm, việc kết hợp giữa phun hóa chất trừ cỏ và sử dụng cơ giới bừa cỏ giữa hàng đem lại hiệu quả cao, lao động thủ công chỉ sử dụng những lúc thật cần thiết. 
- Phun thuốc tiền nảy mầm: sau khi trồng hoặc sau khi bừa, bón phân,… làm xáo trộn mặt đất tự nhiên, nếu độ ẩm đạt yêu cầu thì tiến hành xịt thuốc tiền nảy mầm ngay, nếu ẩm độ đất thấp thì tiến hành tưới rồi xịt. 
Các loại thuốc có thể sử dụng: Ametrex 80 WP, Gesapax 80 WP, Gesapax 500 FW, Atryl 80 WP,… (hoạt chất Ametryn (min 96%)), hoặc Ansaron 43 F, Ansaron 80 WP, Go-80 WP, Vidiu 80 BTN,.. (hoạt chất Diuron (min 97%)), hay Antaco 500ND, Dibstar 50 EC,…(hoạt chất Acetochlor (min 93.3%)) để phun. Liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì sản phẩm. 
Trong các hoạt chất thuốc nêu trên, thì sử dụng hoạt chất Acetochlor (min 93.3%) giá thành vừa thấp, lại không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây mía. Nhược điểm là chỉ phòng trừ cỏ dại giai đoạn tiền nảy mầm. Còn 02 hoạt chất còn lại giá thành vừa đắt, lại ảnh hưởng đến cây mía nếu phun vào thân lá mía non nên khi sử dụng phải thận trọng. Ưu điểm là trừ được cỏ hậu nảy mầm sớm (khi cỏ có từ 4-6 lá). 
- Phun thuốc hậu nảy mầm: sử dụng thuốc có hoạt chất Ametryn (min 96%) hoặc Diuron (min 97%), khi phun chú ý không phun trực tiếp vào đọt hoặc lá mía. Đối với những ruộng mía có cỏ 02 lá mầm, cần kết hợp thêm với thuốc VI 2,4-D 600 & 720DD, OK 720 & 683DD, Anco 720 DD, Zico 48 SL, 70 SL,720 DD, 520 SL, 45WP, 80 WP, 96 WP,… (hoạt chất 2.4 D (min 96 %)). 
- Trừ cỏ mía giữa hàng:  khi giữa hàng đơn của mía có cỏ, sử dụng dàn bừa cỏ giữa hàng 8 hoặc 12 chảo để bừa, vừa diệt cỏ, vừa làm tơi xốp đất. 

VII/ Khử mía lẫn: 
Đây là công tác thường xuyên đối với trung tâm giống nhằm cung cấp cho người trồng mía những giống mía mới chất lượng tốt, không lẫn giống để tạo sự đồng đều, dễ chăm sóc và thu hoạch. Công tác này đòi hỏi cán bộ canh tác của trung tâm luôn bám sát đồng ruộng, khi phát hiện những bụi mía lẫn giống thì sử dụng lao động thủ công đào tận gốc, đem ra khỏi ruộng mía và tiêu hủy. 

 VIII/ Tưới:
Đây có thể xem là giải pháp hàng đầu nhằm gia tăng năng suất mía. 
Khuyến cáo cách tưới như sau: 
            1/- Đối với mía trồng mới vụ Đông Xuân:
              - Thực hiện việc tưới lần thứ 1, ngay sau khi xuống giống từ 5-7 ngày (nếu không còn mưa) cho đến khi mía bắt đầu đẻ nhánh (30 ngày sau khi trồng). Mục đích tưới lần này là giúp mía nảy mầm đều và đẻ nhánh tốt. Sau đó bón phân thúc 1 cho mía.
              - Tưới lần thứ 2 vào giai đoạn mía bắt đầu làm lóng, vươn cao (khi cây mẹ được 2-3 lóng). Lần tưới này kết hợp với việc bón phân thúc 2. 
               Thời gian tiếp theo, tùy theo từng điều kiện cụ thể mà sắp xếp việc tưới mía cho phù hợp và có hiệu quả.
         2/- Đối với mía gốc:
- Thực hiện việc tưới, kết hợp với bón thúc 1 sau khi mía đã hoàn thành giai đoạn tái sinh gốc (30 ngày sau khi xử lý gốc). 
- Tưới lần thứ 2 vào giai đoạn đầu của làm lóng vươn cao (khi cây mẹ được 2-3 lóng), kết hợp với bón thúc 2 cho mía. 
          Thời gian tiếp theo, tùy theo từng điều kiện cụ thể mà sắp xếp việc tưới mía cho phù hợp và có hiệu quả.

VIII/ Phòng trừ sâu bệnh: 
Biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây mía mang lại hiệu quả cao nhất chính là con đường chọn giống mía tốt, không nhiễm sâu bệnh và áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm giúp cho cây mía phát triển tốt, gia tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh hại và các điều kiện bất lợi của môi trường: 
- Chọn giống tốt, sạch sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi canh tác. 
- Cày sâu, bừa kỹ, bón phân đầy đủ,cân đối và kịp thời . 
- Không để cỏ dại lấn áp mía. 
- Tưới bổ sung cho mía trong những tháng khô hạn. 
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để có những giải pháp kịp thời khi phát hiện những triệu chứng gây bất lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của cây mía. 

IX/ Thu hoạch: 
Tùy theo nhu cầu nhận hom của nông dân mà tiến hành thu hoạch, nên thu hoạch nhanh, gọn trên cùng một lô mía, tránh tình trạnh kéo dài, hoặc thu hoạch phân lô thẳng theo hàng mía để có thể tề gốc, chăm sóc phần đã thu hoạch nếu phần còn lại nông dân không có nhu cầu nhận hom. Từ 15-20 ngày sau khi thu hoạch thì tiến hành tề gốc chăm sóc, không nên chăm sóc muộn hơn sẽ ảnh hưởng đến mật độ và khả năng sinh trưởng của mía sau này. 

X-Cơ giới hóa cho cây mía: 
Do Chức năng và nhiệm vụ của TTKN&SXMG phải là đơn vị khảo nghiệm, úng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật của cây mía .Do nhân công ngày càng khan hiếm,và để giảm chí phí cho sản xuất, tăng năng suất cho cây trồng. Hiên nay TTKN&SXMGTN đã từng bước áp dụng cơ giới hóa cho cây mía được hơn 70 % từ : 
-Cày soạn đất                                              100% 
-Tề gốc và xé tơi lá mía bằng máy            100% 
-Vùi và cày vùi lá mía      bằng máy            100% 
-Trồng mía bằng máy                                   100% 
-Phun thuốc diệt mầm                                 100% 
-Bừa cỏ giữa hàng                                     100% 
-Bón phân NPKcho mía bằng máy            100% 
-Bón vôi và phân vi sinh cho mía bằng máy    100% 
-Tưới nước cho mía bằng máy                 100% 
-Bốc mía bằng máy                                     50% 
Chỉ còn 3 vấn đề :làm cỏ gốc, khử mía lẫn và chặt mía là TT chưa thể cơ giới hóa được 

Quy trình kỹ thuật trồng mía giống này áp dụng trên vùng đất của Trung tâm Khảo nghiệm và Sản xuất Mía giống Tây Ninh quản lý, quy trình luôn được cập nhật, bổ sung hàng năm cho phù hợp với tình hình sản xuất thực tế tại trung tâm. 
    


TT KHẢO NGHIỆM VÀ SẢN XUẤT
MÍA GIỐNG TÂY NINH       

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây