CƠ HỘI, THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TRONG THỜI GIAN TỚI

Thứ ba - 01/03/2022 15:00 3.702 0
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển với trọng tâm định hướng là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, sản xuất áp dụng nông nghiệp công nghệ cao và liên kết theo chuỗi giá trị

​Kết quả đến cuối năm 2021, tổng giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh đạt 19.998 tỷ đồng chiếm 22,1% tổng GRDP của tỉnh. Trong đó sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 25%, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết sản xuất - tiêu thụ đạt 13,5%,  trong đó lĩnh vực chăn nuôi đạt 48%. Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 01 ha đất trồng trọt đạt 102 triệu đồng/ha/năm.

 

Hình 1. Nông nghiệp vẫn chiếm 22,1% trong cơ cấu GRDP của tỉnh (nguồn Cục thống kê)

 

Bước sang năm 2022, dự báo Nông nghiệp Tây Ninh sẽ có những cơ hội để bứt phá vươn lên như sau:

(1) Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp đang được cả nước quan tâm triển khai thực hiện sẽ là cơ hội cho những tiến bộ khoa học công nghệ ngày càng được ứng dụng nhiều trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: giống mới, công nghệ tưới tiết kiệm nước, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, điện khí hóa, quy trình sản xuất tiên tiến…

(2) Tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ nhất là việc ký kết các hiệp định thương mại tự do FTAs, điển hình như CPTPP, EVFTA đem đến cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi thế giới đang trong giai đoạn thích ứng với đại dịch Covid-19 thì dự báo nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới đang ở mức cao, thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản (trái cây, thịt, trứng, sữa, rau, hoa, sinh vật cảnh) đang có xu thế tăng nhanh.

(3) Hạ tầng thủy lợi ngày càng được hoàn chỉnh, trong đó dự án trọng điểm tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông giai đoạn 1 hoàn thành trong năm 2022 sẽ mở rộng diện tích tưới, tiêu thêm cho gần 17.000 ha đất sản xuất nông nghiệp ở 2 huyện: Bến Cầu và Châu Thành. 

Hình 2. Thi công dự án tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông tại huyện Châu Thành

 

(4) Chăn nuôi phát triển mạnh, trong năm 2021 UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 37 dự án chăn nuôi tổng vốn đầu tư là 3.131,75 tỷ đồng, dự kiến tổng giá trị sản phẩm tạo ra hơn 3.454 tỷ đồng.

(5) Lĩnh vực nông nghiệp được xác định là một trong 4 khâu đột phá trong phát triển kinh tế cũng được xem là cơ hội để nông nghiệp Tây Ninh phát triển, nhất là khi nông nghiệp đang trong giai đoạn then chốt, thừa hưởng những kết quả từ sự đầu tư của nhà nước về chính sách hỗ trợ, đầu tư hạ tầng giao thông, thuỷ lợi,…cho phát triển nông nghiệp.

Bên cạnh những cơ hội  hiện nay để tiếp tục phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển nông nghiệp công nghệ cao nói riêng theo đúng định hướng, mục tiêu và kỳ vọng đã đề ra thì dự báo ngành sẽ phải tiếp tục đối mặt với những thách thức như sau:

(1) Dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp làm ảnh hưởng tới thu nhập của người nông dân.

(2) Tiến trình hội nhập toàn cầu buộc nông nghiệp phải thích ứng về vấn đề cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu chất lượng nông sản với các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày càng khắt khe.

(3) Vấn đề thiếu lao động trong nông nghiệp, đặc biệt là lao động có trình độ và kỹ năng chuyên môn phục vụ cho NNUDCNC cũng đang là thách thức đòi hỏi ngành nông nghiệp Tây Ninh phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới.

(4) Vấn đề liên kết sản xuất – tiêu thụ còn yếu nhất là trên các sản phẩm trồng trọt vẫn còn khá khó khăn với tỉ lệ sản phẩm được liên kết – tiêu thụ còn thấp do thiếu các doanh nghiệp chế biến sâu (lúa, rau củ quả, cây ăn trái,…) dẫn tới tình trạng nông nghiệp vẫn tiêu thụ nông sản thông qua thương lái, làm giảm lợi nhuận cho người sản xuất.

(5) Hệ thống chính sách hỗ trợ nông nghiệp cơ bản hoàn thiện nhưng đối tượng thụ hưởng và số lượng hồ sơ thụ hưởng chưa nhiều do các dự án chưa đáp ứng yêu cầu được hỗ trợ theo quy định.

Để nắm bắt được cơ hội và vượt qua những thách thức giúp nông nghiệp Tây Ninh phát triển, một số giải pháp trọng tâm phát triển nông nghiệp trong thời gian tới như sau:

(1) Tích hợp và triển khai có hiệu quả quy hoạch nông nghiệp vào quy hoạch chung của tỉnh Tây Ninh. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo đúng định hướng, đầu tư nông thôn mới có hiệu quả, chú trọng kêu gọi đầu tư phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chế biến.

(2) Huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng nông thôn, cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân nông thôn. Trong đó tập trung sửa chữa, xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi phục vụ cho nhu cầu phát triển nông nghiệp thời gian tới thông qua các dự án trọng điểm.

Hình 3. Nâng cấp đường giao thông nông thôn từ nguồn vốn CTMTQG xây dựng nông thôn mới

 

(3) Tập trung tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành phương án bàn giao quỹ đất của các công ty nông nghiệp giao về địa phương quản lý, đồng thời rà soát các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp UDCNC, nhất là các dự án liên kết cùng nông dân, hình thành chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bền vững.

(4) Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trở thành tác nhân quan trọng trong sản xuất và tiêu thụ, kết nối các thành phần trong chuỗi giá trị. 

(5) Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật viên và lao động nông nghiệp chất lượng cao, có kỹ năng và trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu của nền nông nghiệp hiện đại./.

                                                                                       Phòng KHTC Sở

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây