Giống tre điềm trúc được được đưa vào mô hình trình diễn của chương trình khuyến nông từ năm 2000, sau 2 năm trồng theo dõi và năm 2004 tại vườn tre điềm trúc thuộc Ấp Vịnh, Xã An Cơ, Huyện Châu Thành, Tây Ninh, ông Quách Trung Trực đã tiến hành thực hiện cho ra măng từ tháng 11 của năm 2004 kéo dài đến tháng 9 năm 2005 và sau đó tiếp tục thành công từ tháng 11 năm 2005 cho đến nay (giữa tháng 6/2006), khả năng doanh thu 55 triệu đồng/ ha/năm là hiện thực. Với sự mong muốn đem lại lợi ích cho những nông hộ trồng tre, ông Trực đã phổ biến kinh nghiệm cho tre ra măng mùa nghịch đối với tre điềm trúc như sau:
a) Chọn măng tốt để lại làm cây mẹ:
Vào tháng 5 và 6 là giai đoạn có mưa và thời tiết rất thuận lợi cho cây tre ra măng rộ, lúc này trong cây tre có 3 loại măng; măng mọc ở trên mặt đất là măng nanh, măng mọc hơi xa gốc mẹ nhưng không được xa lắm chỉ khoảng 10 cm, hai loại măng này đều xắn bán, măng mọc rất sâu từ trong đất cách xa gốc mẹ 20-30, có khi 40 cm. Đây là mụt (cây) măng được chọn để chừa lại làm cây mẹ.việc chọn các cây mẹ trong năm không phải chọn cùng lúc trong 1 bụi tre mà thời gian chọn có thể kéo dài từ đầu tháng năm đến hết tháng 6 hoặc hơn nữa. Do đó phải thường xuyên chọn măng để lại và làm dấu bằng sơn để không xắn lầm. Mỗi bụi chừa lại 4 mụt (cây) đối xứng nhau làm sao cho bụi tre được tròn đều trông đẹp mắt.
b) Tỉa bỏ cây già, vệ sinh bụi tre.
Đây là khâu quan trọng để cho năng suất măng cao. Luôn luôn trong bụi tre phải giữ đủ 3 đời, đời ông, đời mẹ, đời con; và bụi tre giữ lại khoảng 8-10 cây. Tỉa cây già là những cây có vỏ ngoài mốc, xù xì, cây ốm yếu, cây cong. Tỉa cây mẹ là những cây mọc khít nhau, cũng cây xấu ốm. Mục đích của tỉa cây là làm cho bụi tre có độ thông thoáng, có khoảng cách nhất định giữa cây này và cây kia để măng dễ mọc và mọc nhiều. Khi chặt tỉa cây phải chặt sát gốc, nếu được đào cả gốc để tránh hiện tượng chồi non mọc um tùm sau này. Rong các nhánh mọc ở độ cao dưới 2 m nếu không không chọn lại để làm giống. Rong nhánh để tạo sự thông thoáng khi đi xắn măng và măng sẽ được nhiều hơn. Công việc này làm cuối mùa mưa khi mưa đã chấm dứt thật sự.
c) Bón Phân
Sau khi tỉa cây, vệ sinh cành nhánh sạch sẽ, cào hết tất cả những chất tủ gốc, cuốc bỏ rễ già, các mục măng hư, gốc măng lồi….Có điều kiện cuốc thành rãnh sâu để bón phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh, phân vô cơ N-P-K. Phân chuồng tuỳ gốc lớn nhỏ 2-3 kg phân chuồng. Phân hợp chất N-P-K tuỳ gốc lớn nhỏ, tuỳ năm, nếu tre 2 năm bón 0,5 kg /1gốc, tre 3 năm bón 1 kg/1gốc, tre càng lớn càng tăng dần.
d) Tủ gốc
Sau khi bón phân chuồng, phân N-P-K. Tủ gốc bằng rơm rạ, rác mục, xác vỏ mì, hoặc bằng lá tre khô, kết hợp tro trấu, tro dừa. Tủ gốc cho tre vào mùa nắng càng nhiều càng tốt mục đích giữ ẩm, giữ các mắt măng khi được hình thành sẽ không bị khô do không khí nóng ở thời điểm tháng 12 làm giảm lượng măng ở các tháng1,2,3.
e) Phơi đất hay ngưng nước
Sau khi đã thực hiện xong các bước 1,2,3,4, phơi nắng ít nhất 1 tháng, nếu mưa chấm dứt tháng 10 phơi đến hết tháng 11. Giai đoạn này ngưng không cho nước vào. Nếu tre trồng ở đất sâu như đất ruộng độ ẩm rất cao nên thời gian phơi đất phải kéo dài hơn. Phơi cho đến khi nào thấy lá tre héo lúc buổi trưa và chiều là đạt yêu cầu.
f) Tưới nước
Đây là khâu quan trọng nhất sau khi đã thực hiện 5 khâu trên. Để kích thích cho tre ra măng lần đầu tiên nếu có điều kiện về thuỷ lợi cho nước ngập liên tục vài lần, kinh nghiêm tưới đậm, ngâm nước 3 ngày, lập đi lập lại 2-3 lần là có kết quả và khi tre đã cho ra măng rồi thì tuần tưới 1 lần cũng được nhưng dứt khoát không cho khô đất và nhất là luôn giữ ẩm gốc tre bằng tủ gốc và tưới tại gốc.
Qua thực tế kết quả thu hoạch và bán măng , ông Trực xây dựng biểu đồ tương quan sản lượng và giá măng (hình), theo đó
Sản lượng măng tính đến ngày 18/6/2006 là 10.000kg, thu được 40 triệu đồng. Sản lượng măng năm 2005 là 14.500kg, thu được 57 triệu đồng (thu đến tháng 10 năm 2005).
Những ưu và nhược điểm của vấn đề xử lý cho tre ra măng mùa nghịch:
* Ưu điểm
-Dù lượng măng ít nhưng giá cao, cung ít hơn cầu nên măng rất dễ bán không bị chê măng xấu, măng nhỏ. Vào mùa thuận măng thường khó cạnh tranh với măng mạnh tông
* Nhược điểm:
-Mùa nắng các chồi non phát triển ở gốc rất mạnh cản trở việc lên măng và làm xấu gốc tre, tốn nhiều công để dọn sạch.
-Do mùa nắng không khí khô, lượng nước tưới không đủ nên khả năng cho măng yếu nhất là vào tháng1 và 2. Nếu khắc phục được măng cho ở các tháng này rất cao và bán có giá.
-Phương pháp làm ra măng mùa nghịch chỉ áp dụng được với tre Điềm trúc, không áp dụng cho tre Mạnh tông.
Kinh nghiệm để có măng đẹp
-Nước: Luôn luôn phải đầy đủ, càng tưới đậm càng tốt, cho ngập nước trong 1 ngày là sẽ có măng lên rộ. Nếu không ngập được phải đắp bồn tưới tại gốc để giữ độ ẩm cho mắt măng.
-Phân bón: Tre rất háo phân, nếu quan sát thấy măng nhỏ thì lập tức bón phân ngay, bón xung quanh và cả trên bụi tre, bón phân xong phải tưới bằng dây tưới để măng không bị xót phân, phân thích hợp nhất là 16-16-8-13S
-Tủ gốc: Phải thường xuyên tủ gốc, càng che lấp gốc kín, măng càng non và cho măng càng nhiều
Trồng tre điềm trúc lấy măng mùa nghịch mang lại hiệu quả cao, phù hợp với nông dân ít vốn, không tốn nhiều công lao động. Một người chăm sóc 1 ha tre nhẹ nhàng, ngoài việc thu nhập do bán măng còn có thể thu thêm thừ việc bán thân, lá tre.
Trạm Khuyến nông Châu Thành
Ý kiến bạn đọc