Gương người phụ nữ dân tộc vượt khó

Thứ hai - 18/02/2013 21:10 161 0
Nhìn ngôi nhà khang trang sạch sẽ và nụ cười lúc nào cũng nở trên môi người đàn bà đã luống tuổi, không ai có thể nghĩ rằng, chủ nhân của ngôi nhà này đã trải qua bao nhiêu nỗi bất hạnh để có được cuộc sống như ngày hôm nay

 

 

Nhìn ngôi nhà khang trang sạch sẽ và nụ cười lúc nào cũng nở trên môi người đàn bà đã luống tuổi, không ai có thể nghĩ rằng,  chủ nhân của ngôi nhà này đã trải qua bao nhiêu nỗi bất hạnh để có được cuộc sống như ngày hôm nay .

            Quê ở Bến Cát – Sông Bé, sinh năm 1955, chị Thị kiều Liên, dân tộc Stiêng hiện đang ngụ tại: Tổ 7 – Ap Tân Đông – Xã Tân Thành – Huyện Tân Châu, mồ côi cả cha lẫn mẹ năm 13 tuổi. Cuộc sống mưu sinh đầy nghiệt ngã, trưởng thành trong sự cưu mang và đùm bọc của bà con anh  em mà cuộc sống đối với họ nào có dư dả gì đâu. 

            Hai mươi tám tuổi chị lập gia đình và theo về quê chồng để lập nghiệp,  những ngày tháng êm đềm và hạnh phúc nhất đối với cuộc đời chị đã vội qua mau. Chồng lâm bệnh nặng rồi chết để lại cho chị một đứa con thơ vừa tròn 18 tháng tuổi. Tài sản còn lại là một căn nhà nát và mấy giạ lúa. Thương con lại cảm cho phận mình, thử thách đến với chị qúa lớn… . Không có người trông nom con nhỏ, ôm con theo đi vào rừng chị lượm sắt, chặt le , phát rẫy……. Năm 1990 chị đã có trong tay 3,6 ha đất rẫy.

            Để giải quyết khó khăn trước mắt và nuôi sống hai mẹ con, chị chọn trồng xen canh lúa đậu vì đầu tư chi phí thấp mà lại cho thu hoạch nhanh. Năm 1999 khi nhà nước có chủ trương hỗ trợ người dân vay vốn sản xuất, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình chị được vay 3.000.000 đồng. Ngoài chi phí tái sản xuất lúa đậu, Số tiền còn lại chị dùng mua 2 con heo để nuôi, nhờ siêng năng cần mẫn lại biết tiết kiệm trong chi tiêu, một năm sau chị hoàn trả đủ vốn vay cho ngân hàng. Số tiền lời  còn lại cộng vay thêm ngân hàng 2.000.000 đồng, chị mua một con trâu cái về chăn thả để tận dụng công lao động nhàn rỗi và đồng cỏ tự nhiên còn rất phong phú.

             Năm 2003 chị mua thêm 2,4 ha đất rẫy chủ yếu canh tác cây mỳ. Tổng diện tích đất của gia đình chị hiện nay là 6 ha. Trong đó 2,3 ha nằm trong đất dự án chị đã trồng cây keo và cây dầu  được 14 năm tuổi. Diện tích đất còn lại chị trồng mỳ, mỗi năm sau khi thu hoạch trừ hết chi phí chị thu lợi 15.000.000 đồng. Ngoài ra chị còn có thêm nguồn thu nhập cũng không nhỏ từ đàn trâu của gia đình. Trong đó 4 con trâu đực dùng để cày kéo mướn và 3 trâu cái sinh sản.

              Trưởng thành trong nghèo khó, cảm thông sâu sắc và chia xẻ với những bất hạnh của người khác đó là việc làm có ý nghĩa nhất đối với cuộc đời chị. Đầu năm 2005 chị nhận và đưa về nuôi dưỡng cụ bà Lâm thị Chách, sinh năm 1911, quê quán Cam-pu-Chia bị thất lạc gia đình trong những năm tháng chiến tranh loạn lạc.  

             Sau buổi vấn thăm chị, ấn tượng sâu sắc nhất về chị trong tôi đó là một người phụ nữ đầy nghị lực và tấm lòng nhân hậu “thương người như thể thương thân”, một gương sáng đáng để mọi người noi theo.

Nguyễn Ngọc Minh – Trạm KN Tân Châu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây