CÂY CA CAO TRỒNG XEN VƯỜN CÂY ĂN QUẢ

Thứ tư - 20/02/2013 21:55 904 0
Từ việc trồng xen ca cao với những cây có sẵn, các nông hộ có thể tham gia tăng nguồn thu nhập chính thức khoảng gần 500 USD/năm/ha

Diện tích đất canh tác nông nghiệp ở Tây Ninh được thống kê những năm trước đây là 286.310ha, trong đó ngoài lúa, bắp, đậu, mì...  còn bao gồm các vườn cây ăn trái trồng các loại cây như nhãn, xoài, chôm chôm, điều...với diện tích tương đối lớn, trải đều các khu vực trên 9 huyện, thị xã. Hầu hết các vườn cây này trồng chuyên một loại cây, nên sản phẩm thu hoạch chỉ dựa vào sản lượng và giá cả lên xuống của thị trường tự do mà thương lái thu mua độc quyền, nên hiệu quả về kinh tế còn hạn chế rất nhiều.

          Năm 2002 trong chương trình Khuyến lâm do Cục phát triển lâm nghiệp đầu tư cho Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh 2,5 ha cây ca cao giống mới (dòng TD) do Trung tâm công nghệ sinh học Trường Đại học Nông – Lâm thành phố Hồ Chí Minh cung cấp đã, trồng xen trong các vườn cây ăn trái ở các huyên Tân châu, Dương Minh Châu, thì loại cây này phát triển rất tốt không thua kém so với đất đỏ vùng Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên do diện tích quá ít và đầu ra phải đem về tận TP Hồ Chí Minh mới thu mua nên nông dân đã không chăm sóc dẫn đến vườn cây bị loại bỏ dần đến nay hầu như không còn.

Giống cây này ưu điểm là sau khi trồng khoảng 16 tháng nếu chăm sóc tốt thì sẽ cho trái, nên thời gian chăm sóc tương đối ngắn nếu được áp dụng kết hợp trồng xen trong các vườn cây ăn trái thì sẽ là cây hỗ trợ để tăng thêm hiệu quả kinh tế so với trồng thuần một loại cây ăn trái như trước đây.

Theo một số thông tin từ báo chí từ “Diễn đàn phát triển cây ca cao Việt Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày 9/3/2005 thì cây ca cao có triển vọng phát triển tốt ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Tây nguyên, Đông nam bộ,  và Đồng bằng sông cửu long. Ngoài ra cây ca cao còn phát huy về ưu thế nổi trội về mặt kinh tế mà Tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước – Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học, chủ nhiệm chương trình ca cao Việt Nam nêu: Cây ca cao là loại cây có thể trồng xen canh với nhiều loại cây trồng khác như điều, cà phê, chuối, dừa, nhãn, khoai môn... và mang lại nguồn lợi cho nông dân nhiều hơn hẳn so với trồng cây cà phê. Cây ca cao dễ trồng và dễ cho trái hơn cà phê, thường ra hoa kết trái vào mùa mưa nên không sợ hạn hán làm ảnh hưởng đến năng suất, không tốn nhiều công thu hoạch. Mặt khác, trồng ca cao còn làm tăng độ phì của đất, góp phần cải tạo môi trường tốt hơn cây cà phê.

Về vốn đầu tư ban đầu trong vòng 3-4 năm từ 30-40 triệu đồng/ha, nhưng thời gian thu hoạch lên tới trên 20 năm và có thị trường thuận lợi là trong 20 năm qua giá ca cao luôn ổn định ở mức trên 1.000 USD/tấn và đầu năm 2005 thì giá xuất khẩu ca cao khô đạt mức 1.700 USD/tấn.

Mặc khác, trong thời gian qua VN liên tục nhận được sự tài trợ lên đến 4.800.000 USD và 650.000 Euro từ các nguồn của chính phủ Mỹ, Hà Lan đã giúp cho VN trong công tác tập huấn cho nông dân trồng, nâng cao diện tích canh tác, đồng thời phát triển thành nhà sản xuất và cung cấp hạt ca cao đã lên men có chất lượng cao cho thị trường thế giới; song song đó thuận lợi lớn là VN đã có 130 dòng ca cao, trong đó có 15 dòng chất lượng cao có thể đưa ngay xuống cho nông dân sản xuất. Đặc biệt là đã xây dựng cơ bản qui trình kỹ thuật trồng ca cao để chuyển giao tới người dân.

Trong diễn đàn này theo Ông Bùi Bá Bổng thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thì hiện nay chúng ta đã có khoảng 3.000 ha ca cao, năm 2010 sẽ là 10.000 ha và những năm sau dự kiến khoảng 30.000 ha. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không phát triển theo dạng phân tán, chỗ nào cũng trồng mà chỉ tập trung ở một số tỉnh trọng điểm có tiềm năng như  Đắc – Lắc, Bình Phước, Bến Tre..., tạo thành những vùng sản xuất tập trung. Trồng ca cao không phải là chiếm đất của một số cây khác mà trồng xen canh là rất lý tưởng! Sắp tới Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ xây dựng chiến lược phát triển ca cao thành một chương trình trọng điểm. Bộ đã có chương trình giống ca cao và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu, tạo các giống tốt để đưa xuống cho nông dân.

Gần đây nhất vào ngày 31/5/2006, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị thường kỳ lần thứ 3 của Ban điều phối phát triển ca cao Việt Nam. Ở Hội nghị này đã tổng kết các hoạt động trong lãnh vực ca cao 6 tháng qua về sản xuất  và cung ứng giống ca cao, đào tạo tập huấn viên, tổng số dân tham gia dự án đến nay 17.342 người, tham gia dự án “hoàn thiện qui trình lên men hạt ca cao và ứng dụng lò sấy hạt ca cao bằng năng lượng mặt trời” với Úc. Dự kiến hoạt động trong 6 tháng tới: Tổ chức Hội thảo “Chiến lược phát triển giống ca cao ở Việt Nam” và hoàn tất thủ tục để Bộ NN&PTNT xét công nhận thêm 5 giống ca cao nữa. Đẩy mạnh công tác điều tra, tuyển chọn giống từ các cây giống ca cao đã trồng trong nước, phổ biến máy nghiền vỏ trái ca cao để sử dụng làm phân bón lại cho đất. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ hỗ trợ kinh phí trên 1 tỷ đồng, trong đó 50% kinh phí dành cho phát triển mô hình các giống ca cao mới, phần còn lại chi phí cho công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật nông dân trồng ca cao.

Qua các thông tin nêu trên thì những thuận lợi về chủ trương, chính sách phát triển cây ca cao ở VN đang được nhà nước chú trọng và được sự tài trợ của một số Quốc gia, Tổ chức khác nhằm phát triển cây ca cao hướng tới qui mô diện tích lên đến 100.000 ha, đồng thời về giống cây cũng đang được nghiên cứu tuyển chọn các gống mới thích hợp cho năng suất cao, đây là một bước tiến để sản phẩm chế biến từ hạt ca cao thành mặt hàng xuất khẩu cung cấp cho thị trường thế giới.

Nhìn lại tỉnh Tây Ninh giáp ranh cùng với Bình Phước, hiện nay tỉnh này đang nằm trong dự án phát triển cây ca cao và so với việc không khác nhau nhiều về thổ nhưỡng, khí hậu, đồng thời giao thông đi lại giữa 2 tỉnh tương đối thuận lợi, thì việc phát triển mô hình trồng cây ca cao xen canh trong vườn cây ăn trái theo tôi nghĩ là điều cần thiết, mặc dù chúng ta không tham gia dự án cũng có thể tiêu thụ sản phẩm thông qua các nhà máy của tỉnh bạn và các tỉnh lân cận khác hoặc qua thương lái...

Do xuất phát từ thực tế thuận lợi về chủ trương phát triển, nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây ca cao..., và điều kiện đất từ các vườn cây có sẵn ở 9 huyện, thị xã, nếu như không có biện pháp hỗ trợ tăng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cao cho vườn cây thì có nguy cơ nông dân sẽ phá bỏ dần các loại cây như: chôm chôm, sầu riêng, nhãn, xoài... như đã phá bỏ cây điều trước đây.

Để khắc phục, cứu vãn vườn cây ăn trái của nông dân làm vườn trong tỉnh, có thể trong thời gian tới gần nhất là trong năm sau 2007, cần có sự nghiên cứu của các đơn vị trực thuộc ngành Nông nghiệp của ta nên nghiên cứu áp dụng mô hình trồng xen canh cây ca cao trong vườn cây ăn trái kém hiệu quả như hiện nay (do giá thấp), để tham mưu cho Lãnh đạo nhằm hỗ trợ cho nông dân tận dụng từ vườn cây có sẵn để tăng hiệu quả sản xuất trên mảnh vườn của mình.

Vấn đề này  cần nắm lại tổng thể diện tích vườn cây ăn trái và có tổ chức thực hiện được hay không là do sự tích cực, sự nỗ lực từ các ngành, đơn vị liên quan? Còn về đánh giá hiệu quả thì tôi xin trích từ báo NNVN qua đánh giá của Ông Josef Toledano – Giám đốc chương trình ca cao bền vững toàn cầu, cho rằng: “Việc khuyến khích canh tác ca cao nông lâm kết hợp như là phương tiện đa dạng hóa và tăng sản lượng, thúc đẩy lợi ích về xã hội, kinh tế  và môi trường cho các nông hộ”. Từ việc trồng xen ca cao với những cây có sẵn, các nông hộ nhỏ sẽ có thể tham gia tăng nguồn thu nhập chính thức khoảng gần 500 USD/năm/ha, góp phần giải quyết được tận gốc tình trạng nghèo nàn ở vùng nông thôn hiện nay.

Qua đánh giá trên, cùng với sự cần cù, sáng tạo của Nông dân Tây Ninh, thực hiện mô hình cây ca trồng xen trong các vườn cây ăn trái sẽ mang lại hiệu quả cao cho vườn cây ăn trái.

Nguyễn Văn Quang Trạm KN Thị xã-2006

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây