NHẬN DẠNG BỆNH VÀNG LÙN, BỆNH LÙN XOẮN LÁ LÚA VÀ PHÒNG TRỊ

Thứ ba - 19/02/2013 14:50 1.144 0
Trong canh tác lúa, rầy nâu ngoài gây hại trực tiếp cho sinh trưởng cây lúa còn truyền bệnh nguy hiểm là bệnh vàng lùn, bệnh lùn xoắn lá, vàng lùn lùn xoắn lá, việc phân biệt bệnh truyền nhiễm nầy với các bệnh nhiễm độc từ đất như phèn, nhiễm độc hữu cơ để có giải pháp phòng trị phù hợp là cần thiết

 

 

(Từ trái qua phải: Lùn xoắn lá, vàng lùn, vàng lùn lùn xoắn lá)

Trong canh tác lúa các đối tượng sâu bệnh hại như rầy nâu, sâu cuốn lá, bọ trĩ đã trở nên quen thuộc với bà con nông dân từ cách nhận dạng, triệu chứng hại và biện pháp phòng trừ. Bên cạnh các đối tượng gây hại phổ biến trên sẽ có một số dịch bệnh xuất hiện mà bà con mình chưa quen thuộc như là bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá lúa. Hai bệnh này thực tế nó đã có từ lâu, sở dĩ  nông dân ít biết đến vì nó chưa xuất hiện phổ biến nên nó xem như là còn khá xa lạ với bà con nông dân, tuy nhiên vụ lúa hè thu năm 2006, bệnh này đã phát thành dịch ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long gây hại trên diện tích ngày càng rộng. Hiện nay Tây Ninh hai bệnh này chưa xuất hiện phổ biến nhưng đã thấy xuất hiện cục bộ ở một số vùng với tỷ lệ hại khoảng 25- 30%, có một số người cho là lúa bị nhiễm phèn, còn đa số nông dân không biết bệnh gì nên họ thường đi mua các thuốc trừ sâu, bệnh về xịt.

Triệu chứng gây hại: 

a) Bệnh vàng lùn:

 

Cây bị bệnh lá dưới chân bị vàng trước và lan dần lên các lá phía trên, màu vàng bắt đầu từ chóp lá và lan dần vào bẹ lá, giữa phần màu vàng và màu xanh của lá không có giới hạn rõ rệt. Màu vàng của phần lá bệnh có thay đổi từ vàng lợt đến vàng sậm, khi phần vàng lan đến gần bẹ lá thì chóp lá bắt đầu khô và cuốn lại sau đó cháy khô cả lá, khi bệnh lan đến đọt thì cả chồi bị bệnh cháy và chết. Lúa bắt đầu nhiễm bệnh thì cây bệnh không phát triển chiều cao nữa do đó cây bệnh trở nên lùn hơn cây bình thường không bệnh, sự chênh lệch về chiều cao giữa cây bị bệnh và cây không bị bệnh còn phụ thuộc vào giai đoạn mà lúa nhiễm bệnh, nếu lúa nhiễm bệnh sớm trong giai đoạn sinh trưởng của cây thì cây bị bệnh sẽ lùn hơn rất nhiều so với cây bình thường không bệnh, nếu bệnh xuất hiện ở giai đoạn lúa không phát triển chiều cao nữa (chiều cao đã đạt mức tối đa) thì giữa cây bị bệnh và cây không bị bệnh không có sự chênh lệch về chiều cao, trên một bụi có thể có tép (dảnh) nhiễm bệnh và tép không nhiễm bệnh, do đó có thể có cây cao cây thấp trong cùng một bụi, tuy nhiên cũng có trường hợp cả bụi bị bệnh, nếu bệnh nặng sẽ làm cho chồi lúa hoặc cả bụi bị chết. Cây lúa bị bệnh thường có số chồi ít hơn cây lúa bình thường, lúa bị nhiễm bệnh sớm có thể bị lụi đi và chết trước khi trổ, nếu nhiễm bệnh nhẹ hoặc nhiễm ở giai đoạn sau thì lúa sẽ trổ muộn hơn và dễ bị nghẹn đòng, bông lúa ngắn và có nhiều hạt lép.

 

b) Bệnh lùn xoắn lá:

 

 Cây lúa bị bệnh trở nên còi cọc, các lá ban đầu có màu xanh đậm, sau hơi vàng, trên bẹ và phiến lá, nhất là vùng gần cổ lá bị phồng  lên làm cho lá bị xoắn và bất thường, lá xoắn từ trên chóp lá xoắn xuống và xoắn theo  chiều ngược  chiều kim đồng hồ, mức độ xoắn của lá nhiều hay ít tùy theo giống và mức độ nhiễm bệnh của cây, lúa bị nhiễm lúc còn nhỏ nếp lá bị nhăn và có thể bị rách còn khi cây lúa lớn lá bị ngắn và xoắn lại, có nhiều nhánh mọc ở đốt thân bên trên mặt đất. Cây bị bệnh nặng thường không hấp thu được dinh dưỡng từ đất, có thể bị lụi đi và không trổ bông được, nhưng thường trổ không thoát hết và lép, bụi lúa bị bệnh thường có số chồi nhiều hơn bụi lúa bình thường.

Trên  bụi lúa có thể cùng nhiễm hai bệnh này. Do hai bệnh tấn công nên bụi lúa có đặc điểm lùn, trong bụi lúa vừa có lá vàng, vừa có lá xanh đậm và vặn xoắn, số tép lúa trong bụi không tăng, không giảm, rễ lúa bình thường không thối. 

Nguyên nhân:

 

Cả hai bệnh này đều do virus gây ra và chỉ đựơc lan truyền qua côn trùng môi giới là rầy nâu, hai bệnh này không lan truyền qua hạt giống, nước, đất, không khí và tác nhân cơ giới. Hai loại virus gây bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá lúa đều tồn lưu bên trong rầy nâu. Khi cây lúa bị nhiễm bệnh rầy nâu chích hút vào, chúng sẽ mang mầm bệnh và có thể truyền bệnh sang cây khác đang khỏe mạnh làm cho cây lúa mang bệnh tiềm ẩn và 15- 20 ngày sau đó lúa có thể biểu hiện triệu chứng bệnh. 

Biện pháp phòng trị

 

          Bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá đều không có biện pháp để điều trị khi cây lúa đã bị nhiễm bệnh, do đó biện pháp hữu hiệu nhất trong phòng trị hai bệnh này là quản lý thật tốt rầy nâu trên đồng ruộng.

- Gieo sạ giống kháng rầy

- Áp dụng mô hình 3 giảm, 3 tăng trong canh tác lúa. ( Gieo sạ với mật độ vừa phải, bón phân cân đối, hợp lý, hạn chế phun thuốc sâu bừa bãi trong 40 ngày đầu sau sạ để bảo tồn thiên địch, cân bằng sinh thái)

- Thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện rầy nâu và có biện pháp xử lý kịp thời.

- Khi lúa ở giai đoạn từ mạ đến đẻ nhánh nếu phát hiện rầy nâu trưởng thành dạng cánh dài, số lượng từ 5- 7 con/ 1 nhánh lúa thì phải phun thuốc diệt rầy ngay vì đây là rầy mới di chuyển từ nơi khác đến, nguồn rầy này có khả năng mang bệnh cao, khi sử dụng thuốc trừ rầy nên lựa chọn các loại thuốc đặc trị rầy nâu và thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng. Các loại thuốc phòng trừ rầy nâu như: Hopfa 41 EC, Aklaut 10 WP, Apolo 25 WP, Applaud 25 SC.

- Vệ sinh đồng ruộng, diệt cỏ dại và cỏ quanh bờ, nếu phát hiện bệnh sơm nên nhổ bỏ bụi lúa bị bệnh càng sớm càng tốt. ở những ruộng lúa bị nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên nên cày vùi hủy bỏ hoặc phun thuốc trừ cỏ không chọn lọc  như ( Gramoxone, Glyphosate ..) sau đó kết hợp cày vùi bởi vì lúa bị nhiễm 2 bệnh này không thể phục hồi. Nếu tiếp tục đầu tư chăm sóc sẽ không có hiệu quả kinh tế. Ơ những ruộng có tỷ lệ nhiễm bệnh nhỏ hơn 20% có thể nhổ bỏ và tiêu hủy những cây bệnh. Trong quá trình chăm sóc cần quản lý chặt chẽ rầy nâu

- Cày lật gốc rạ ngay sau khi thu hoạch để ngăn chặn lúa chéc  phát triển, đây sẽ là nguồn bệnh và là nơi sinh sản của côn trùng truyền bệnh. Nguyễn Văn Bình-2006-( Bài viết có tham khảo tài liệu của ĐH Cần Thơ)

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây