GIẢI PHÁP “3 GÓI” BẢO VỆ VỤ LÚA ĐÔNG XUÂN

Thứ ba - 19/02/2013 16:45 138 0
Giải pháp bảo vệ lúa đông xuân khỏi bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, vàng lùn lùn xoắn lá

 

 

Vụ lúa Đông Xuân 2006 – 2007 đến gần trong lúc dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL, LXL) đang bùng phát mạnh khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông nam bộ (ĐNB). Qua 4 ngày (26 – 29/10/2006) làm việc tại 8 tỉnh tại ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Diệp Kỉnh Tần khẳng định, nếu không quyết liệt chống dịch, nguy cơ bùng phát dịch bệnh, “phá sản” vụ lúa này khó tránh khỏi. Dịch VL, LXL đang diễn biến khác nhiều với dịch năm 1978, trước đây chỉ làm cho cây lúa bị cháy rầy, nhưng nay nó truyền bệnh làm cho cây không trổ bông được, lá xoăn vàng và lùn. Điều đáng lo ngại nhất là đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, nhiều địa phương chống dịch chưa đúng cách và triệt để khiến nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch là rất lớn.

Diễn biến tình hình rầy nâu và dịch bệnh VL, LXL rất phức tạp, rầy nâu thấp nhưng tỉ lệ rầy nâu mang mầm bệnh rất cao (70%), diện tích nhiễm bệnh gia tăng trên các trà lúa Thu - Đông, mùa và Đông - Xuân sớm phân bố ở khắp các tỉnh, thành phía Nam, kể cả Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Gió mùa Đông Bắc đã họat động, rầy nâu mang mầm bệnh trở lại ĐBSCL từ tháng 10 đến tháng 12/2006. Trong khi lịch mùa vụ xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2006-2007 ở ĐBSCL gần kề là mối nguy cơ thật sự cho lúa vụ Đông Xuân 2006-2007 ở ĐBSCL, vụ chính của cả nước. Nếu không tích cực, quyết liệt và đồng bộ phòng chống dịch bệnh vào lúc này thì  vụ ĐX chắc chắn sẽ mất mùa, dẫn đến vụ hè thu tới cũng sẽ mất mùa và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống hàng triệu nông dân nghèo, gia tăng tỉ lệ hộ nghèo và phát sinh nhiều vấn đề xã hội, chính trị khác.

GIẢI PHÁP BẢO VỆ VỤ LÚA ĐÔNG XUÂN

 

Để bảo vệ lúa Đông Xuân 2006-2007 cần làm tốt 3 gói kỹ thuật sau:

 

1. Quản lý nguồn bệnh thật chặt chẽ

- Nhổ bỏ (khi tỷ lệ bệnh <10%), chú ý phải vùi cây bệnh xuống bùn

- Tiêu hủy (khi tỷ lệ bệnh >10%) = cày vùi, cày trục huỷ, sử dụng phun thuốc cỏ không chọn lọc…

- Trước lúc tiêu hủy cần phải phun xịt trừ rầy không cho rầy bay đi phát tán sang ruộng khác, việc này cần có tính cộng đồng rất cao (phun xịt đồng loạt)

 

- Muốn làm được điều này cần vận động tuyên truyền cho dân hiểu nguy cơ của đại dịch VL, LXL để cùng chia xẻ (tiền nhà nước chỉ là hỗ trợ chứ không phải đền bù). Nếu nông dân nấn ná không chịu tiêu hủy chờ thu hoạch sẽ cực kỳ nguy hiểm vì đây là ổ dịch sẽ lây lan rất nhanh. Nhà nước đã có khung chính sách hỗ trợ gồm có: tiền cày trục bỏ, tiền thuốc dập dịch, giống cho vụ sau, công dập dịch, chi phí thông tin tuyên truyền tập huấn… xung quanh 1,3 - 1,4 triệu đồng/ha. Phương châm: tiêu diệt nhanh, gọn, quyết liệt các ổ dịch (các ruộng đang bị nhiễm vàng lùn dù bất cứ tỷ lệ nào)  

 

2. Quản lý Rầy Nâu:

                Cần hiểu cho đúng rằng, IPM trong thời bình (có rầy nâu nhưng chưa thành dịch) thì áp dụng không phun thuốc trừ sâu sớm trong vòng 40 ngày, sử dụng các biện pháp giống kháng, canh tác, sinh học… Chỉ áp dụng thuốc hóa học khi cần thiết và áp dụng đúng theo 4 Đúng. Tuy nhiên, IPM trong thời chiến (có dịch Rầy nâu và dịch vàng lùn, lùn xoắn lá) biện pháp hóa học là chủ lực, kèm theo các biện pháp khác. Phải quản lý rầy nâu thật tốt trong giai đoạn lúa non từ 0-30 ngày, không cho rầy có cơ hội tiếp xúc, chích cây lúa.

 Cách làm:

- Né rầy: canh rầy vào đèn rộ thì ngâm giống gieo sạ lập tức trong vòng 3-10 ngày sau đó là an toàn.

- Che chắn rầy bằng nước (sạ ngầm cải tiến); khi thấy có nhiều rầy hoặc chủ động bơm nước lên ngập khỏi chảng ba cây lúa (che chắn không cho rầy bu bám và chích hút cây lúa non) - Biện pháp sạ ngầm (cây lúa nằm trong nước) từ 0-15 ngày tuổi cũng thoát được sự tấn công của rầy.

- Xử lý hạt giống: Sử dụng các loại thuốc có trong danh mục (bảo vệ sự chích hút lây lan của rầy trong vòng 10-15 ngày  là cần thiết)

- Phun xịt đồng loạt thuốc trừ rầy khi có rầy giai đoạn 15-30 ngày sau sạ, cực kỳ quan trọng, cắt ngay lứa rầy đầu tiên này thì bệnh VL-LXL không có thể xâm nhập  vô cây lúa (đòi hỏi có tính cộng đồng rất cao mới có hiệu quả)

- Từ lúc lúa làm đòng - trổ - chín: cần thiết xịt rầy phải theo dự báo và hướng dẫn của CB chỉ đạo.

- Xịt rầy lần cuối cùng: trước thu hoạch hay trước tiêu hủy (không cho rầy cánh dài bay đi, lây lan sang ruộng khác hoặc lây lan sang vụ sau)

- Bà con nông dân tuân thủ sử dụng thuốc theo 4 Đúng, luân phiên bộ thuốc đặc trị rầy có hiệu quả không nên xịt chỉ có 1 loại rầy mau kháng thuốc, kém hiệu quả.

 

3. Quản lý Ruộng lúa

- Gieo sạ đồng loạt, thời vụ do Ban chỉ đạo thông báo (dựa vào dự báo rầy, dự báo tình hình nước…).

-Trước khi gieo sạ cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng thật tốt, làm đất kỹ bảo đảm có mặt bằng ruộng tốt.

-Sử dụng giống chống chịu, hạn chế sử dụng các giống bị nhiễm rầy nặng.

-Sạ thưa sạ hàng (mật độ sạ từ 80-100kg/ha)

-Bón phân cân đối, bón đủ lân và kali, bón đạm theo nguyên tắc hơi thiếu đến vừa đủ (khoảng 80% nhu cầu hay lượng bón trước đây đã dùng), nếu thiếu thì dặm vá thêm bằng phân bón lá. Chấp nhận năng suất vừa phải nhưng an toàn dịch bệnh và sẽ có lợi nhuận tối ưu trong tình hình này.

Tuyệt đối không bón thừa đạm vào cuối vụ - bón phân theo bảng so màu lá hoặc bón phân đón đòng theo kỹ thuật ko ngày không số.

- Sử dụng các chất sinh học, kích kháng (humate, super humate) để làm cho cây lúa khỏe, tăng sức đề kháng đều có lợi cho bảo vệ cây và làm tăng năng suất, chất lượng lúa về sau.

- Quản lý nước thật tốt theo hướng tiết kiệm và có một thời gian để khô mặt ruộng (từ cuối đẻ nhánh hữu hiệu đến làm đòng, khoảng từ 30-40 ngày sau sạ)

- Nên thu hoạch đúng độ chín (85-90%), khi bông cái có 2/3 từ chót bông trở vào đã chín màu vàng rơm, 1/3 tính từ trong cậy chuyển sang màu vàng xanh nhưng bóp thấy no hạt là thời điểm cắt lúa cho năng suất, chất lượng cao nhất.

 

- Không nên phơi mớ ngoài đồng quá lâu ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo, nên sử dụng máy gặt đập liên hợp và có công nghệ phơi sấy bảo đảm phẩm chất lúa gạo.

                - Tuyệt đối  không để lúa chét trên đồng ruộng. Về lâu dài  không sản xuất 3 vụ lúa (tiến tới cắt vụ 3), giữa 2 vụ lúa phải có thời gian cách vụ ít nhất là 1 tháng. Nên luân canh 2 lúa + 1 màu (chen vụ màu giữa 2 vụ lúa chính Đông Xuân và Hè Thu), 2 màu + 1 lúa hoặc sử dụng mô hình lúa + cá, lúa + tôm đều cho lợi nhuận cao hơn  và bảo đảm cắt được đại dịch Rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.

 

TS. Mai Thành Phụng (Phó Ban phòng chống rầy nâu, VLLXL TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG QUỐC GIA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN)-2006

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây