KỸ THUẬT NUÔI CÁ BỐNG TƯỢNG

Thứ sáu - 01/03/2013 15:45 7.995 0
Cá bống tượng là loài cá đặc trưng của vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam, cá được tìm thấy ở các lưu vực thuộc hệ thống sông Cửu long và sông Đồng Nai. Hiện nay cá bống tượng xuất khẩu sang nhiều nước với giá cao nhất trong các loài cá nuôi nước ngọt.

Cá bống tượng là loài cá đặc trưng của vùng nhiệt đới, chúng phân bố rộng rãi ờ vùng Đông Nam A. Ở Việt Nam, cá được tìm thấy ở các lưu vực thuộc hệ thống sông Cửu long và sông Đồng Nai.

Hiện nay cá bống tượng đang được thị trường thế giới ưa chuộng, đã xuất khẩu sang nhiều nước với giá cao nhất trong các loài cá nuôi nước ngọt.

Những năm gần đây, nhân dân đã phát triển nuôi nhiều loài cá này ở đồng bằng sông Cửu Long, hồ Trị An (Đồng Nai), hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh). Cá được nuôi trong ao, hồ hoặc nuôi lồng, bè.

 

Đặc điểm sinh học:

            Cá bống tượng có kích thước lớn nhất trong các loài họ bống, tối đa dài 50cm. Thân phía trên có hình trụ tròn, phía sau dẹp ngang, thân có màu nâu, bụng màu xám nhạt, lưng và bên thân có đốm đen, vi đuôi tròn, dài, vi ngực dài và nhọn.

            Cá bống tượng có tập tính sống ở các hang, hốc dưới đáy, ban ngày thường vùi mình dưới bùn, hoạt động nhiều về đêm, khi gặp nguy hiểm có thể chúi sâu dưới đáy bùn và có thể sống được nhiều giờ.

            Cá bống tượng thuộc loài cá dữ, miệng có răng dài và bén để bắt mồi. Cá thích ăn thức ăn tươi sống, chủ yếu là động vật thuỷ sinh: cá nhỏ, cua, ốc, tôm, tép.

            Cá bống tượng tăng trưởng chậm, nhất là ở giai đoạn dưới 100g/con, cá đạt 0,5-0,7kg/con sau một năm nuôi.

            Cá bống tượng thành thục sinh dục khi được một năm tuổi, mùa vụ sinh sản từ tháng 5-9 hàng năm. Cá đẻ trứng dính bám vào giá thể dưới đáy ao. Cá có thể đẻ nhiều lần trong năm, thời gian tái phát dục khoảng 30 ngày. Hiện nay con giống có thể thu từ tự nhiên hoặc cho sinh sản nhân tạo.

 

Kỹ thuật nuôi cá thịt:

 

 

Chuẩn bị ao:

 

Diện tích ao từ vài trăm m2 trở lên, độ sâu từ 1,2-1,5m, ao gần nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm, cấp và thoát nước dễ dàng.

 Tát cạn ao, vét bớt bùn đáy ao, dọn sạch cỏ quanh bờ ao, sửa lại cống cấp và thoát nước.

Rải vôi bột 10kg/100m2 ao, phơi nắng 3-4 ngày, bón lót phân chuồng hoai 30-50kg/100m2, sau đó lấy nước từ từ vào ao qua cống có lưới lọc để ngăn cá tạp theo vào ao.

 

Thả cá giống:

 

Hiện nay cá bống tượng được mua từ 02 nguồn: Giống sản xuất tự nhiên và giống nhân tạo.

Giống tự nhiên rẻ hơn, nhưng kích cỡ không đồng đều, thường bị xây xát khi đánh bắt cho nên bị hao hụt nhiều khi nuôi, hơn nữa thường không gom đủ số lượng để thả nuôi một lần.

Giống nhân tạo giá cao hơn, kích cỡ cá nhỏ hơn nhưng có ưu điểm là cỡ cá đồng đều, khoẻ mạnh, cung cấp đủ số lượng 1 lần cho nhu cầu nuôi.

Cỡ cá giống tha: Cá tự nhiên từ 70-100g/con, cá sản xuất nhân tạo thường chỉ xuất bán cá dài khoảng 4-5cm, nên cần ương nuôi thêm thời gian cho cá đạt kích cỡ thả nuôi.

Mật độ thả: 2-3con/m2.

Mùa thả: Có thể thả nuôi quanh năm tuỳ điều kiện giống và ao nuôi.

 

Chăm sóc, quản lý:

Thức ăn chủ yếu là tép rong, cá nhỏ, cua, ốc... được cắt nhỏ vừa miệng ca, rải đều trên sàn ăn, mỗi ao nên làm nhiều sàn ăn và phân bố đều quanh ao, sàn được đặt cách đáy ao 20-30cm . Lượng thức ăn chiếm từ 3-5% trọng lượng cá có trong ao.

Thường xuyên theo dõi mức ăn và hoạt động của cá để điều chỉnh lượng thức ăn kịp thời. Mỗi ngày cho ăn 2 lần (sáng và chiều tối), giữ cho thức ăn luôn sạch, không hôi thối, vệ sinh sàn ăn trước khi thức ăn mới vào, cho ăn thức ăn tươi, đầy đủ số lượng và chất lượng.

Định kỳ 10-15 ngày, dùng nước vôi tạt cho ao(2-3kg vôi/100m2).

Trong quá trình nuôi cần lưu ý việc phòng bệnh cho cá là tốt nhất.

Giữ nước ao luôn tốt bằng cách định kỳ thay nước ao, giữ môi trường nuôi luôn sạch bệnh.

 

Thu hoạch:

Sau 10-12 tháng nuôi, tuỳ vào kích cỡ cá giống thả, kéo lưới kiểm tra, cá đạt trọng lượng từ 0,4-0,8kg/con là có thể thu hoạch, lúc này cá đạt giá trị thương phẩm cao nhất.

 

Phòng và trị bệnh:

 

            Để việc nuôi cá bống tượng đạt hiệu quả cao phải chú ý phòng bệnh là chính, song cũng phải làm tốt việc trị bệnh cho cá.

            Phòng bệnh: Cá giống trước khi thả nuôi phải được chọn cẩn thận, cá khoẻ mạnh, không xây xát, không mang mầm bệnh. Cá được tắm nước muối 3-5% trong 3-5 phút để diệt mầm bệnh.

            Trộn thức ăn với Premix (1-2% trọng lượng thức ăn), Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá.

            Dùng nước vôi rải xuống ao, hoặc treo bao vôi boat ở đầu nguồn nước chảy, góp phần diệt nấm và mầm bệnh cho cá, cải thiện môi trường nước ao.

            Trị bệnh: Cá bống tượng khi nuôi thường mắc một số  sau đây:

 

Bệnh đốm đỏ:

            Biểu hiện bệnh lý: Cá kém ăn , bơi chậm chạp, các phần dọc thân, đuôi, tia vây xuất hiện các đốm đỏ, vết loét.

             Dùng Sulfamit trộn vào thức ăn cho cá ăn 2-3 lần (15g/100kg thức ăn) hoặc tắm cho cá bằng dung dịch nước muối 4-5% trong 10 phút có sục khí.

 

Bệnh trùng mỏ neo:

Biểu hiện bệnh lý:Trùng bám trên thân cá ở các gốc vây ngực, vây hậu môn. Cá bệnh nặng khi toàn thân bị trùng mỏ neo bám vào hút máu và chất dinh dưỡng làm cho cá gầy yếu và chết.

Trị bệnh: Tẩy ao bằng vôi bột, hoặc treo bao vôi ở đầu nguồn nước chảy

Hồ Văn Xuân-2007

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây