RAU ĂN LÁ, MÔ HÌNH CẦN SUY NGHĨ HƯỚNG ĐI

Thứ ba - 05/03/2013 22:45 234 0
Một ngày đầu tháng 12 năm 2006, trong dịp đi công tác tôi được cùng anh em bên Hội Nông dân xã ghé thăm gia đình anh Phạm Quyết Tiến ở ấp Giồng Cà, xã Bình Minh, là nông dân chuyên trồng rau ăn lá, qua câu chuyện tôi được anh cho biết vườn rau của anh thường xuyên cung cấp cho chợ Đất Thánh Phường 3 và chợ Mới Phường 2 thị xã hàng ngày, bất kể nắng mưa.

 

 

Rau ăn lá các loại nói chung là thực phẩm cung cấp chủ yếu hàng ngày cho các bữa ăn của gia đình cũng như các hàng quán, các bếp ăn tập thể...là nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống con người và mọi người đều có thể mua ở các hàng quán, các chợ theo nhu cầu của mình . Có kẻ bán thì ắt sẽ có người mua, tuy nhiên có ai trong hàng trăm, hàng ngàn người mua đó nghĩ rằng muốn làm ra loại rau này người sản xuất ra nó phải lao động cật lực, phải thức khuya, dậy sớm không quản cực khổ mới đưa đến tận tay người tiêu dùng vào lúc sáng sớm mỗi ngày và trong loại hàng hóa rau ăn lá đó, có thể phần đông người tiêu dùng sẽ có một thoáng suy nghĩ và đặt câu hỏi khi mua chúng, vì không biết rau này có dư  lượng phân, thuốc như thế nào, có đảm bảo an toàn không...??

Với diên tích đất hiện có là 0,7 ha, trong đó anh cất nhà, xây chuồng trại nuôi 5 con heo nái và heo thịt, đào ao thả cá... hết 0,5 ha còn lại 0,2 ha anh chừa lại (trong đó 500m2 dùng gieo ươm con giống để trồng). Anh đã mạnh dạn đầu tư làm hệ thống tưới, làm nhà lưới che trên diện tích 1500m2 chuyên trồng các loại rau ngắn  ngày để cung cấp cho các chợ ở thị xã.

 Đó là công việc, là nguồn thu nhập chính đã giúp vợ chồng anh vượt qua khó khăn ban đầu để đến nay nuôi 3 đứa con khôn lớn, một thì đang học cao đẳng, một Trung học An inh và 1 cháu đang học lớp 12 chuẩn bị thi vào đại học trong năm tới.

Trở lại công việc trồng rau của gia đình, anh cho biết: Hằng ngày vợ chồng anh phải thức dậy vào lúc 3 giờ sáng để thu hoạch rau xong, lựa loại bỏ cây không đạt rồi bó lại, cho đến 5 - 6 giờ sáng thì vợ anh chở đi bỏ mối hết thì về sớm, nếu không hết do nhiều quá thì  số còn lại ngồi bán lẻ tại chợ cho đến  khoảng 10 - 11 giờ mới về. Còn phần anh ở nhà lo cho heo, bò, cá và cuốc xới chăm sóc trên diện tích trồng rau của mình, chờ vợ về cùng lo cơm nước ăn uống xong thì cũng đã 12 giờ hoặc hơn. Công việc cứ thế , từ ngày này sang ngày khác, một năm 365 ngày đều đặn cung cấp đủ rau các loại trên không thiếu một ngày cho các bạn hàng ở chợ.

Về phương thức canh tác thì anh trồng theo dạng cuốn chiếu, thu hoạch hết lứa rau này thì đến lứa rau kế tiếp, cho nên đất trong vườn rau không hề có chỗ trống. Đất sau khi được cuốc xong thì anh dùng phân bò, heo đã hoai cùng với vôi, tro trấu, lân, DAP rải lên và cuốc xới lại, đánh thành từng luống để gieo các loại rau.

Quá trình  chăm sóc thời gian đầu còn sử dụng thêm Urê, DAP phun trên lá và do thời gian thu hoạch 1 lứa rau khoảng 25 - 26 ngày nên về sau thì dùng một số phân bón lá hữu cơ để tưới cho rau phát triển tốt hơn.

Đối với việc phòng trừ sâu bệnh thì dùng các loại thuốc sâu sinh học như  VBT có ghi trên nhãn thời gian cách ly ngắn là 3 ngày sau khi phun xịt thuốc, nhưng ở đây anh đã ý thức được trách nhiệm của người trồng rau đối với sức khoẻ cộng đồng nên  đã ngừng phun tưới các loại phân và thuốc sâu đến 7 ngày sau mới thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

+ Về phân bón: Phân hữu cơ, phân vô cơ, phân bón lá...là 10.000đ, thuốc sâu sinh học, giống rau, điện, công tưới rau là 10.000đ, công lao động 1,5 công là 60.000đ, như vậy tổng chi phí cho 1 ngày quy ra 80.000đ.

+ Về thu hoạch: Rau các loại thu hoạch được 70 kg/1ngày, với giá bán bình quân là 2.000đ/kg, thì thu được 140.000đ/ngày.

Như vậy mỗi ngày trừ chi phí anh lãi được 60.000đ/ngày trên thành quả lao động của gia đình trong việc trồng rau ăn lá, nếu tính tháng 30 ngày thì lãi được 1.800.000đ/2.000m2 . Ngoài ra trong năm gia đình còn các khoảng thu khác từ bò, heo con để lại nuôi và cá ao.

Thực tế cho thấy rằng việc trồng các loại rau ăn lá là mô hình đem lại hiệu quả cho những gia đình có diện tích đất ít, với diên tích 2.000m2  tính ra lợi nhuận thu được 1 năm cũng khoảng trên 20 triệu đồng, thuy nhiên đòi hỏi người nông dân phải cần cù, chịu khó và vất vả hơn so với trồng các loại cây lâu năm khác.

Đây cũng là mô hình rất dễ áp dụng trong điều kiện những vùng nông thôn nhằm sử dụng nhân công nhàn rỗi của gia đình, góp phần vào nâng cao thu nhập thông qua sản xuất giúp cho  đời sống kinh tế của người dân ngày một khá lên.

 Tuy nhiên để bảo đảm nguồn rau an toàn cung cấp cho người tiêu dùng đối với thị trường rau trong tỉnh, chúng ta rất cần công tác Khuyến nông và bảo vệ thực vật phải quan tâm thường xuyên hơn để hướng dẫn, cung cấp thông tin cho người sản xuất sử dụng nguồn phân bón sạch, thuốc bảo vệ thực vật sinh học... nhằm hướng họ đi vào sản xuất theo quy trình rau an toàn. Có như vậy mới bảo vệ được người tiêu dùng, tránh được bệnh tật do dư lượng phân, thuốc trong quá trình sản xuất rau và từng bước tiến tới việc sản xuất nguồn rau sạch cung ứng cho nhu cầu thị trường, cho các cửa hàng đủ uy tín để phục vụ cho người tiêu dùng ngày một tốt hơn, an tâm hơn.

Nguyễn Văn Quang- Trạm KNTX-2007

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây