Mãng cầu là cây trồng truyền thống của nông dân xung quanh khu vực núi Bà Đen Tây Ninh. Những năm gần đây do có thị trường tiêu thụ nên diện tích mãng cầu tăng nhanh, nhất là ở xã Tân bình. Nếu để mãng ra hoa tự nhiên thì mùa khi thu hoạch sẽ vào thời điểm rộ của các loại cây ăn trái khác, giá bán thường không cao nên hiệu quả kinh tế thấp. Nông dân Tây Ninh đã có nhiều kinh nghiệm làm cho mãng cầu ra hoa rải vụ và đã thu được lợi nhuận cao. Từ trước đến nay nông dân thường xử lý ra hoa trên cây mãng cầu bằng phương pháp làm rụng lá (suốt lá), hiện nay một số nông dân áp dụng phương pháp bấm nhánh đã đạt hiệu qủa hơn. Sử dụng phương pháp này có lợi thế là cây không bị mất sức nhiều do đó chi phí chăm sóc cũng giảm hơn so với phương pháp tuốt lá (giảm chi phí công suốt lá, phân bón vì cây không bị mất sức), số lượng trái ít hơn nhưng tỷ lệ trái đạt loại một cao ( loại từ 2-4 trái/kg chiếm khoảng 2/3 sản lượng), năng suất không thua suốt lá.
Bấm nhánh tốt nhất nên bấm vào lúc khai thác trái vụ 2 (vụ đầu ta nên suốt lá), vì vụ hai trên nhánh cái có nhiều nhánh nhỏ, dùng kéo bấm tỉa những nhánh nhỏ vô hiệu, để lại những nhánh có màu da bò, và những nhánh này ta cắt chừa lại hai hoặc ba mắt mầm (khoảng 5cm), bấm rải đều cả cây và kết hợp bo tàn cho đẹp để dễ xịt thuốc sau này. Tỷ lệ bấm cành tuỳ theo thời vụ: tháng 4-7 (âm lịch) bấm khoảng 40-50%, tháng 7-9 (âm lịch) bấm 60-80%, tháng 10 trở đi cho đến mùa mưa bấm 100%.
Lưu ý: Theo kinh nghiệm của một số nông dân, khi bấm nhánh không nên sửdụng phân super lân + Kali, vì cây không mất sức đâm chồi mạnh dễ bị ra đọt mà không ra bông.
Ở ấp Tân Hoà- Tân Bình - Thị Xã Tây Ninh, có anh nông dân Võ Văn Mẫn, là người đầu tiên áp dụng kỹ thuật bấm nhánh và anh đã thực hiện được khoảng 6 vụ, năng suất tương đương với phương pháp tuốt lá nhưng kích cỡ trái ở vườn mãng cầu của anh từ 2 - 3 trái/kg, vì vậy có giá trị thương phẩm cao và hiệu quả cao hơn phương pháp tuốt lá.Ngô Văn Hiệp-2007
Ý kiến bạn đọc