Tây Ninh phát triển bền vững cây cao su

Thứ sáu - 30/03/2018 21:00 1.417 0

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), dự báo sản lượng cao su thiên nhiên thế giới năm 2018 sẽ đạt 13,784 triệu tấn, tăng 4,5% so với năm 2017; trong khi nhu cầu cao su thế giới năm 2018 có tốc độ tăng trưởng thấp hơn là 2,8%và đạt 13,327 triệu tấn. Qua đó cho thấy, nguồn cung cao su thiên nhiên thế giới trong năm 2018 vẫn nhỉnh hơn so với tiêu thụ. Riêng Tây Ninh diện tích cây cao su là 100.437ha, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt trên: 2,18 tấn/ha, cao nhất trong khu vực Đông Nam Bộ, với sản lượng trên 192.897 tấn. 

Từ số liệu của Sở Công Thương, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su (cao su các loại; sản phẩm từ cao su; săm, lốp xe các loại) ước đạt 210.879, 84 nghìn USD; chiếm 5,13% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Cao su là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 4 của tỉnh.

Trong những năm tiếp theo dự báo còn khó khăn cho ngành cao su, giá mủ cao su duy trì ở mức thấp, theo dự báo của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) từ năm 2016, nhu cầu cao su thiên nhiên đã vượt sản lượng khoảng 193.000 tấn. Do đó, trong thời gian tới ngành cao su cần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh bằng cách chuyển đổi, cơ cấu lại tổng thể quy hoạch diện tích sản xuất phù hợp, không phát triển tự phát và cơ cấu lại sản phẩm cao su thiên nhiên đáp ứng nhu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế. Tăng tiêu thụ nguyên liệu cao su trong nước cho lĩnh vực chế biến sâu tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô hướng đến phát triển bền vững.

Nhằm định hướng cho cây cao su phát triển bền vững đảm bảo nguồn nguyên liệu trong chế biến công nghiệp tại Tây Ninh, trong thời gian tới cần tập trung một số vấn đề sau:

Hiện nay, tỉnh Tây Ninh đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó có tái cơ cấu sản xuất cao su, chế biến các sản phẩm từ mủ cao su. Do đó những năm tiếp theo, cần thiết phải giảm dần diện tích cao su tiểu điền, cao su trồng ở những vùng đất không phù hợp với đặc tính sinh trưởng và phát triển (diện tích trồng cao su vùng đất thấp, trồng ngoài quy hoạch, trồng trên đất lâm nghiệp, cao su đến thời kỳ thanh lý).

Đối với vùng chuyên canh, khi thiết kế lại phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, giống phù hợp cho sản lượng cao và chất lượng mủ tốt. Tiếp tục đầu tư, trồng mới theo quy hoạch ở những vùng thuận lợi, tập trung tái canh và chăm sóc vườn cây hiện có.

Theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 với tổng diện tích 85.000 ha, diện tích thu hoạch 76.500 ha, năng suất 2,2 tấn/ha và đến năm 2030 tổng diện tích 80.000 ha, diện tích thu hoạch 72.000 ha, năng suất 2,3 tấn/ha.

Có chính sách hợp lý để giảm những diện tích ngoài quy hoạch như cao su trên đất lâm nghiệp, đất trồng lúa và chuyển sang một số cây rau, củ, quả có giá trị khác (rau, xoài, chuối, dứa ....).

Các Sở, ngành, UBND các huyện, Thành phố, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tây Ninh,... Phối hợp hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của các chính sách của nhà nước như: Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh, sử dụng giống mới ít nhiễm bệnh, năng suất chất lượng cao; Thường xuyên theo dõi chăm sóc phòng trừ dịch hại, áp dụng một số kỹ thuật thu hoạch mủ cao su mới.


Công ty chế biến mủ cao su cần phải tiếp tục đầu tư công nghệ chế biến, nâng cao kỹ thuật, thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến, chuyển sang sản xuất hàng 10 nhằm giảm chi phí sản xuất có khả năng chế biến sâu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chế biến ra sản phẩm phù hợp với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Xây dựng chính sách cho thị trường tiêu thụ: ổn định và tăng tiêu thụ thị trường trong nước, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu mới, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô hướng đến phát triển bền vững; tăng cường các sản phẩm sau cao su theo yêu cầu của thị trường của các quốc gia ngoài Trung Quốc.

 Xây dựng thương hiệu chất lượng sản phẩm cao su./.

Chi cục QLCL

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây