Vai trò của người tiêu dùng trong đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp

Thứ sáu - 30/03/2018 22:00 413 0
Ngày nay, đời sống xã hội ngày càng được nâng cao thì an toàn thực phẩm càng trở thành vấn đề được quan tâm nhiều hơn. Với không ít người tiêu dùng, bên cạnh việc chọn mua thực phẩm gì để đáp ứng các tiêu chí “ngon, bổ dưỡng, hợp giá thành” cho chế độ dinh dưỡng hàng ngày, thì yếu tố “an toàn” cũng luôn được đặt lên hàng đầu.

Thực phẩm thì rất phong phú, đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tuy nhiên rất khó phân biệt đâu là thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn gây hại cho sức khỏe người dùng. Với những người tiêu dùng, họ còn hoang mang, lo lắng và băn khoăn vì vẫn còn tình trạng thực phẩm bẩn, không bảo đảm ATTP đang lưu hành trên thị trường. Do vậy, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn: Vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, giết mổ chưa có kiểm soát của cơ quan thú y, sử dụng hóa chất, chất cấm trong bảo quản nông sản. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đã và đang cố gắng để hạn chế đến mức tối thiểu các vấn đề về mất an toàn thực phẩm. Nhưng vai trò của người tiêu dùng là rất quan trọng trong việc góp phần phát hiện tố giác các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Hãy là người tiêu dùng thông minh, nói không với thực phẩm bẩn và thực phẩm không an toàn. Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho chính bản thân và xã hội người tiêu dùng cần tăng cường vai trò của mình:

  • Cần trang bị các kiến thức cần thiết về an toàn thực phẩm nhằm tránh mua các sản phẩm kém chất lượng: sản phẩm không nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm, màu sắc đậm, bắt mắt, to,… những loại thực phẩm này thường được sử dụng nhiều loại phân thuốc hóa học để tăng năng suất và đánh lừa người tiêu dùng; quá trình đóng gói và phân phối sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ.
  • Tham gia các lớp tuyên truyền, tập huấn về an toàn thực phẩm, tìm hiểu và nhận biết các dấu hiệu về một sản phẩm an toàn.
  • Lựa chọn những địa điểm bán hàng uy tín, chất lượng, cung cấp các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có bao gói và nhãn mác, màu sắc tự nhiên; rau, quả nên mua theo mùa vụ; các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm mua ở những quày kinh doanh, các điểm cung cấp sản phẩm thịt an toàn, có dấu kiểm soát của cơ quan thú y.

  • Tập dần thói quen chọn sản phẩm có thương hiệu: sản phẩm rau an toàn, rau VietGAP, rau hữu cơ, chất lượng với mức giá hợp lý thì các cơ sở sản xuất thực phẩm không an toàn sẽ không còn chỗ để tồn tại. 
  • Tăng cường vai trò giám sát của công dân cũng như người tiêu dùng đối với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
  • Cần thay đổi tư duy sản xuất "heo hai chuồng, rau hai luống" nếu tất cả những người sản xuất đều thay đổi tư duy này thì tất cả những người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm sạch, an toàn.
Một khi nhận thức của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm ngày càng được nâng lên thì việc loại bỏ các sản phẩm độc hại, không đảm bảo an toàn không còn là vấn đề khó. Song song đó, vẫn rất cần sự kết hợp đồng bộ từ mọi người chúng ta, từ người quản lý, người sản xuất, người kinh doanh đến người tiêu dùng đều phải đồng lòng thực hiện với mục tiêu mang đến cho thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng. Để bảo vệ sức khỏe chính bản thân cũng như xã hội thì không ai khác là chính người tiêu dùng phải phát huy vai trò của mình trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp./.
Chi cục QLCL

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây