Kỹ thuật chăn nuôi bò sữa

Thứ sáu - 26/04/2019 04:00 8.284 0

PHẦN 1: LỜI NÓI ĐẦU

Ngành chăn nuôi bò sữa tỉnh Tây Ninh mới hình thành và phát triển trong những năm gần đây. Tây Ninh có lợi thế về vị trí địa lý nằm gần thành phố Hồ Chí Minh, là nơi có ngành bò sữa phát triển nên việc tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thú y gặp nhiều thuận lợi. Năm 2018, tổng đàn bò sữa là 10.919 con, tăng 153% so với năm 2015. Tuy nhiên đàn bò sữa Tây Ninh chỉ tập trung chủ yếu ở huyện Trảng Bàng, Gò Dầu và Bến Cầu.

Hiện nay, tỉnh đã thu hút được một số trang trại, doanh nghiệp đầu tư phát triển bò sữa công nghệ cao như Trang trại Vinamilk, Công ty Cổ phần thực phẩm trang trại Minh Đăng cùng với việc hình thành các nhà máy chế biến sữa trong thời gian tới sẽ là nền tảng tốt cho ngành chăn nuôi bò sữa Tây Ninh phát triển.

Tuy nhiên, người chăn nuôi chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm, chưa được trang bị những kiến thức, kỹ thuật cần thiết trong chăn nuôi, do đó sản lượng và chất lượng sữa còn thấp, làm cho giá thành sản xuất cao, lợi nhuận mang lại thấp.

Nhằm giúp người chăn nuôi nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong quá trình nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa để người dân tham khảo, vận dụng theo điều kiện chăn nuôi của mình.

PHẦN II: KỸ THUẬT NUÔI BÒ SỮA

I. Chuồng trại

Chuồng trại nên xây dựng ở nôi khô ráo. Chuồng nên hướng về phía nam hoặc đông nam, có đủ ánh sáng, khô ráo và sạch sẽ.

Diện tích chuồng nuôi cho mỗi bò sữa khoảng 6 – 8 m2. Nên có một không gian riêng nuôi bê, diện tích bình quân 2 – 4 m2/con tùy theo tháng tuổi.

Máng ăn, máng uống làm bằng xi măng, có lỗ thoát nước để dễ vệ sinh và được đặt theo chiều dài của hành lang phân phối thức ăn. Chiều cao máng phía bò ăn khoảng 0,3m. Chiều cao phía đường cho thức ăn khoảng 0,75m.

Nền chuồng hơi dốc 1,5 – 2% về phía rãnh thoát nước nằm sát tường sau chuồng dẫn đến hố ủ phân, tốt nhất là nền bằng xi măng.

Nên có một gian riêng cạnh chuồng nuôi để dự trữ thức ăn và băm thái thức ăn xanh trước khi cho ăn và một gian riêng để cho bò ăn thức ăn tinh và vắt sữa.

Xung quanh chuồng nên có cây che mát và chắn gió.

II. Chọn giống

Trong chăn nuôi bò sữa, việc chọn đúng giống, giống tốt phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng chính là yếu tố quyết định tới năng suất sữa sau này vì con giống quyết định tới 40% sản lượng sữa.

Đối với các hộ chăn nuôi, tùy theo điều kiện  có thể chọn giống bò lai cấp tiến từ F1 đến F2, F3 hoặc trên 75% máu bò HF. Đối với các trang trại có điều kiện về cơ sở vật chất, kinh nghiệm chăn nuôi có thể chọn giống bò sữa HF thuần chủng; để nâng cao năng suất sữa.

Khi chọn bò giống hậu bị cần chú ý các đặc điểm:

  • Chọn con của bò mẹ cao sản và bố tốt (thừa hưởng di truyền).
  • Sinh trưởng phát triển tốt, lên giống lần đầu trước 14 tháng tuổi.
  • Chu kỳ lên giống đều đặn, khối lượng lúc 14 tháng tuổi (đối với bò F1,F2) phải đạt trung bình trên 220kg.
  • Thân hình cần đối, không quá gầy, không quá mập.
  • Không chọn những con bò còi cọc, bụng cóc, lông xù, da dày và khô cứng.
  • Vị trí núm vú đều nhau, da bầu vú có nhiều nếp gấp.
  • Không chọn con cái sinh đôi cùng bê đực.

III. Chăm sóc và đỡ đẻ cho bò sữa

Bò cái sắp đẻ sẽ tách ra khỏi đàn 15 ngày trước khi đẻ, cho bò ở chỗ tĩnh lặng, sạch sẽ và được theo dõi thường xuyên để có thể can thiệp kịp thời nếu có biến cố xảy ra.

Hiện nay, thông thường người ta sẽ để bò đẻ tự nhiên, nếu trong khoảng thời gian 2 – 3 giờ mà bò cái vẫn chưa đẻ được thì mới phải can thiệp vào. Thời gian mang thai của bò là 9 tháng 10 ngày nhưng cũng có nhiều trường hợp chênh lệch thời gian từ 5 – 6 ngày.

Nửa giờ sau khi đẻ cho bò cái uống nước ấm pha muối và cám theo tỷ lệ 10 lít nước + 1 kg cám và 50 g muối để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể bò.

Sau khoảng thời gian 1 – 2 giờ bê bắt đầu cứng cáp thì cho bê con bú sữa đầu.

Sau khi sanh nên cho bò ăn thức ăn bồi dưỡng và thức ăn xanh non; rửa tử cung bò bằng nước sát trùng khoảng 3 – 4 ngày đầu để ngừa viêm nhiễm.

IV. Nuôi dưỡng, chăm sóc bò vắt sữa

Sau khi đẻ, cho bò ăn uống tại chuồng ngày 2 lần. Cho ăn thức ăn tinh trước, thô sau, đảm bảo thức ăn xanh tươi ngon, bổ sung thức ăn giàu protein, và cho uống nước đầy đủ để có nhiều sữa.

Những ngày đầu bò mới đẻ thường bầu vú còn cứng nên lúc vắt sữa phải lấy nước nóng chườm bầu vú cho mềm lại, đồng thời tăng cường xoa bóp bầu vú 3 – 4 lần/ngày cho đến khi bầu vú bò mềm hẳn thì lúc đó lượng sữa mới tăng dần lên được.

Cần cho bò ăn và vắt sữa đúng giờ tạo phản xạ có điều kiện cho bò sữa và kích thích tiết sữa khi đến giờ được ăn.

* Những quy định về vắt sữa:

- Vắt đúng giờ, cố định người vắt.

- Giữ yên lặng nơi vắt sữa, không gây cảm giác khó chịu cho bò

- Dụng cụ vắt sữa sạch sẽ, hợp vệ sinh.

- Bò cao sản vắt trước, trung sản và thấp vắt sau. Trong 1 con bò viêm vú, vú nào không viêm vắt trước, vú nào viêm vắt sau. Sữa bò viêm phải vắt ra ngoài, không được sử dụng.

- Sữa bò trong vòng 7 ngày đầu chỉ cho bê uống, không được nhập chung vào sữa hàng hóa.

* Khẩu phần ăn cho bò vắt sữa

Một bò sữa bình thường cần một lượng thức ăn vừa đủ để duy trì mọi hoạt động, vừa để tiết sữa. Bò cho lít sữa thứ 6 mới tính thức ăn tinh, cứ 1 kg sữa thì cần 0,4 kg thức ăn tinh. Thức ăn tinh cho 01 con bò sữa khoảng 6 - 8kg/ngày.

Lượng thức ăn xanh tương đương với 10% trọng lượng cơ thể. Cỏ tươi cho 01 con bò sữa khoảng 30 – 40 kg/ngày.

Bò sữa cần có đủ nước uống trong 1 ngày từ 40-60 lít. Với bò sữa có sản lượng cao thì lượng nước phải nhiều hơn. Nếu thiếu nước uống 1 ngày, ngày hôm sau lượng sữa tụt ngay và 10 ngày sau lượng sữa vẫn chưa hồi phục được như mức cũ. Do đó máng uống phải luôn có nước sạch, mát để bò uống tự do.

Vào mùa khô cần phải bổ sung thêm năng lượng (rỉ mật) và đạm (Urea 60 – 80g/con/ngày chia làm 3 lần trong ngày).

Thời gian khai thác sữa kéo dài khoảng 270-300 ngày. Tuy nhiên một số con có năng suất sữa cao chậm lên giống nên có thể khai thác trên 300 ngày.

V. Phối giống cho bò

Sau khi đẻ 20 – 30 ngày thì bò lên giống trở lại, thời gian động dục kéo dài từ 18 – 36 giờ. Thời điểm phối giống tốt nhất rơi vào lần động dục thứ 2, tức là 45 – 60 ngày sau khi đẻ. Đối với những con bò có sản lượng sữa cao thì nên phối giống vào tháng thứ 3 hoặc thứ 4 để kéo dài chu kỳ vắt sữa.

Thời điểm phối giống thích hợp là khi nước nhờn keo dính, âm hộ hơi mở, niêm mạc chuyển từ màu đỏ hồng sang nhạt, lúc đó bò có biểu hiện đứng yên khi con khác nhảy lên. Hoặc xác định thời điểm phối giống theo quy luật sáng – chiều, tức là nếu thấy bò có biểu hiện động dục buổi sáng thì phối giống vào buổi chiều, nếu bò động dục buổi chiều thì phối giống vào buổi sáng hôm sau. Khi bò cái đã thụ thai thì sau 21 ngày sẽ không có biểu hiện động dục lại. Do đó khi gieo tinh cần ghi chép lại ngày gieo tinh, số hiệu tinh để theo dõi trong 1- 2 chu kỳ kế tiếp bò có hiện tượng động dục lại không.

Có hai phương pháp phối giống cho bò sữa là phối giống trực tiếp và phối giống nhân tạo. Tuy nhiên phối giống nhân tạo thường phổ biến hơn vì có thể chủ động chọn giống theo đúng yêu cầu chăn nuôi phù hợp với giống bò mẹ để cho ra đàn bò con có chất lượng tốt.

VI. Chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái chữa

Trong 3 tháng đầu mang thai, cho bò ăn theo khẩu phần quy định của bò vắt sữa, đảm bảo đủ tiêu chuẩn khẩu phần ăn và nước uống. Tránh thay đổi thức ăn đột ngột, không xua đuổi khi chăn thả, không dùng thuốc sát trùng, thuốc kích thích cho bò trong giai đoạn này.

Bò mang thai từ 4 – 7 tháng cần cho ăn thức ăn giàu protein, thức ăn tinh, muối, chất khoáng đầy đủ và cho thêm cỏ tươi vào buổi chiều tối. Không chăn thả ở bãi quá xa.

Khi bò mang thai được 7 tháng bắt buộc phải cho cạn sữa, dù năng suất nhiều hoặc ít. Mục đích nhằm đảm bảo sản lượng sữa, sức khỏe bò mẹ và sức khỏe bê con trong lứa tới. Thực hiện cạn sữa bằng cách: giảm số lần vắt sữa; thay đổi giờ vắt sữa; thay đổi thứ tự các vú được vắt hoặc cắt thức ăn tinh. Khẩu phần thức ăn trong 01 ngày đêm cho 1 con bò thời kỳ cạn sữa: 1,5 Kg TAHH; 30 -40 Kg cỏ tươi; 5-8 Kg xác mì; 25-30 g muối. Thời gian này cần nhốt bò chữa ở chuồng riêng. Không tiêm thuốc kích thích và tiêm phòng vắc xin vào thời điểm này. Vào những ngày sắp đẻ, tùy tình trạng sức khỏe của từng con mà giảm thức ăn tinh để kích thích tiết sữa.

VII. Nuôi dưỡng bê từ 1 ngày tuổi cho đến bò trưởng thành

7.1. Bê từ 0 – 7 ngày tuổi

Trong thời gian 7 ngày đầu sữa mẹ rất quan trọng vì có chứa Colostrum là thành phần có chất kháng thể và chất dinh dưỡng cao nên cần phải cho bê con bú sữa đầu từ sớm.

Đối với bò mẹ khai thác sữa thì không nên cho bê con bú trực tiếp mà phải vắt sữa ra xô rồi mới tập cho bê con uống để tránh tình trạng sau này bò mẹ phản ứng lại với phản xạ mút vú sẽ gây khó khăn cho việc vắt sữa sau này.

Cách cho bê uống sữa

  • Lúc đầu bê con sẽ chưa biết uống sữa nên bà con cần phải nhúng ngón tay vào sữa rồi bỏ vào miệng cho bê con mút.
  • Sau đó từ từ kéo dần ngón tay xuống xô sữa, khi đó bê con mút ngon tay sẽ mút luôn cả sữa trong xô vào miệng.
  • Tập dần dần trong khoảng thời gian 3 – 4 ngày thì bê sẽ quen dần và tự động uống được sữa trong xô đựng.
  • Khẩu phần sữa khoảng 5 – 6kg/ngày và tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể của bê con.

7.2. Bê từ 8 – 120 ngày tuổi

Khoảng thời gian đầu ngoài sữa làm thức ăn chính thì nên tập cho bê con ăn cỏ non, cám để bê sớm phát triển dạ cỏ. Bê 4 tháng tuổi là giai đoạn chuẩn bị cai sữa nên cần phải bổ sung thêm đạm, khoáng vi lượng và đa lượng vào khẩu phần ăn.

7.3. Giai đoạn bê cai sữa đến giai đoạn bò tơ

Đây được xem là giai đoạn chuyển tiếp rất quan trọng, ngoài kỹ thuật chăm sóc và các yếu tố lây truyền bệnh từ bên ngoài thì sự phát triển của cơ thể bê cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thành thục và sản lượng sữa sau này. Do đó việc chăm sóc nuôi dưỡng, chế độ ăn uống, tắm chải, vận động phải được thực hiện tốt và theo đúng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt.

Khẩu phần thức ăn tinh của bò giai đoạn này là thức ăn có 16-18% protein; từ 4 – 12 tháng tuổi thì cho ăn từ 0,6 – 0,8 kg/con/ngày; bò tơ thì cho ăn 1 – 1,2kg/con/ngày.

Ngoài thức ăn tinh thì cần phải bổ sung thêm: Mật, muối, urea, những loại thức ăn này thường được bổ sung vào mùa nắng, cỏ khô sẽ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng nên cần phải bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho bò bằng cách hòa tan các loại thức ăn trên vào nước rồi tưới vào cỏ khô.

Đối với Urea chỉ bổ sung cho bò từ 9 – 12 tháng tuổi với lượng 15 – 20g/con và chia làm 3 lần/ngày.

Đối với thức ăn thô như cỏ, rơm thì có thể cho bò ăn tự do.

VIII. Cách phòng trị bệnh

8.1. Vệ sinh ăn uống

Thức ăn phải đảm bảo sạch sẽ, không bị chua, hôi thối, không bị ẩm mốc hoặc lẫn các tạp chất.

Nước uống phải sạch, tốt nhất là nước giếng.

8.2. Vệ sinh thân thể

Bò cần được tắm chải thường xuyên để da bài tiết tốt. Thường xuyên phun thuốc diệt ve cho bò.

8.3. Vệ sinh chuồng trại

Chuồng trại cần được giữ khô ráo, sạch sẽ. Thực hiện tiêu độc, khử trùng định kỳ mỗi tháng 1-2 lần.

8.4. Tiêm vắc xin phòng bệnh

Thực hiện tiêm phòng vắc xin đầy đủ phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tụ huyết trùng trâu bò, lở mồm long móng.

Định kỳ kiểm tra phát hiện bệnh sớm để có thể chữa trị kịp thời./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh (PTYCĐ)

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây