Kỹ thuật chăn nuôi bò thịt

Thứ sáu - 26/04/2019 04:00 2.070 0

PHẦN 1: TỔNG QUAN

Tây Ninh là một trong những tỉnh khu vực phía nam có số lượng bò nhiều do có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành chăn nuôi bò như đất đai, đồng cỏ chăn thả rộng, nguồn thức ăn xanh và phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, địa hình cao, ít mưa bão, lũ lụt. Tổng đàn bò năm 2018 là 84.681 con, đứng thứ 2 các tỉnh Đông Nam Bộ.

Thị trường tiêu thụ thịt bò Tây Ninh khá tốt. Trong những năm gần đây, khi thu nhập của người dân được cải thiện thì nhu cầu tiêu dùng các loại thịt có giá trị dinh dưỡng cao như thịt bò cũng tăng, đòi hỏi ngành chăn nuôi bò thịt phải phát triển mạnh và bền vững mới có khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, do người chăn nuôi chưa được trang bị những kiến thức, kỹ thuật cần thiết, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, khẩu phần ăn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của bò theo từng giai đoạn cũng như việc phòng trị bênh chưa được thực hiện đầy đủ dẫn đến năng suất thấp, nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao.

Nhằm giúp người chăn nuôi cải thiện năng suất sản xuất tốt hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò thịt để người dân tham khảo, vận dụng theo điều kiện thực tế của mình.

PHẦN II: KỸ THUẬT NUÔI

I. Chọn giống

Một trong những yếu tố quyết định đến thành công của nghề chăn nuôi bò thịt là lựa chọn giống bò vì giống bò quyết định tới năng suất, chất lượng thịt và giá thành sau này.

1.1. Nuôi bò thuần giống thịt

Các giống bò thuần chuyên thịt được sử dụng phổ biến như Brahman, Angus, BBB, Charolais….

Ưu điểm: Nhanh chóng có đàn bò giống ổn định và chất lượng cao.

Nhược điểm: Chi phí mua con giống cao. Đòi hỏi trình độ chăn nuôi và kỹ thuật cao.

1.2. Nuôi bò cái nền lai Zebu và tạo con lai giống thịt

Theo cách này thì chọn những bò cái có chất lượng tốt làm nền. Sử dụng tinh bò đực giống thịt để phối giống cho đàn cái nền tạo ra con lai nuôi thịt.

Nếu khả năng đáp ứng nhu cầu cỏ (cỏ tươi, cỏ khô, cỏ ủ) chỉ đạt dưới 30% so với nhu cầu thức ăn thô của bò, phần thức ăn thô còn lại là rơm rạ và bò được ăn tự do thì dùng đực Zebu (Red Sinhdi, Brahman, Sahiwal) phối trực tiếp hoặc gieo tinh nhân tạo với bò cái nền địa phương tạo con lai Zebu. Con lai từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi đạt tăng trọng trung bình 350-400 g/ngày. Bê 12 tháng tuổi đạt có thể đạt 140-160kg.

Nếu khả năng đáp ứng nhu cầu cỏ (các dạng) từ 60-70% so với nhu cầu thức ăn thô của bò, có đủ rơm khô, rơm ủ urea cho bò ăn tự do. Trong nuôi dưỡng có bổ sung thêm cám cho bò mẹ nuôi con và cho bê con trước và sau cai sữa thì sử dụng tinh của những giống chuyên thịt nguồn gốc nhiệt đới như Red Angus, Droughtmaster,... phối cho bò cái nền lai Sind tạo con lai nuôi thịt. Con lai đạt tăng trọng trung bình 400-450 g/ngày. Bê lai 12 tháng tuổi đạt 160-180kg hoặc hơn.

Nếu chủ động được thức ăn thô xanh, thức ăn tinh quanh năm theo yêu cầu phát triển của con vật (nuôi dưỡng theo nhu cầu để đạt năng suất tối đa) thì sử dụng tinh bò chuyên dụng thịt châu Âu (Charolais, Limousin, BBB, Hereford...) phối cho bò cái nền lai Sind (bò cái đã được cải tiến, khối lượng từ 250-300kg) để tạo ra con lai chuyên thịt. Con cái lai F1 có thể giữ lại làm giống, con đực và con cái không đủ tiêu chuẩn giống nuôi vỗ béo 3 tháng trước khi bán thịt. Nuôi tốt con lai có thể đạt tăng trọng 600-650 g/ngày. Bê 12 tháng tuổi đạt 240-260kg. 18 tháng tuổi con đực đạt khoảng 350kg, vỗ béo 3 tháng đạt trên 400kg bán thịt.

II. Xây dựng chuồng

Chuồng nuôi bò nên được xây dựng ở những khu vực rộng và riêng biệt để đảm bảo vệ sinh môi trường một cách tốt nhất. Nơi xây chuồng phải có vị trí đất cao ráo, thoáng mát, dễ dàng làm vệ sinh cũng như có thể đảm bảo hệ thống thoát nước hoạt động tốt.

Tùy thuộc vào số lượng đàn bò mà có thể bố trí diện tích chuồng cũng như thiết kế chuồng một cách cân đối phù hợp nhất nhưng cần đảm bảo thông thoáng, mát mẻ và không quá lạnh vào mùa mưa hay mùa đông. Độ cao của chuồng nên từ 3,2-3,5m. Nền đốc 2-2,5%, tránh trơn trợt. Diện tích đảm bảo tối thiểu 4m2/con.

Chất liệu để làm máng ăn, máng uống nên được làm từ xi măng hoặc gỗ, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình nhưng cần chú ý yếu tố sạch sẽ và dễ vệ sinh.

Hố phân hoặc hầm biogas nên được xây dựng gần chuồng bò để thuận tiên cho việc vận chuyển. Ngoài ra, khi xây dựng hố phân, nên chú ý lát gạch, láng xi măng cũng như thiết kế nắp đậy để tránh được nước cũng như tránh được mùi hôi thối bốc lên, nhất là trong những ngày mưa gió ẩm ướt.

III. Thức ăn

3.1. Thức ăn thô

Thức ăn thô là những thức ăn như cỏ, rơm, phụ phẩm cây trồng… dạng còn tươi hay phơi khô. Thức ăn thô chứa nhiều xơ (xơ chiếm trên 18% chất khô), thể tích lớn (cồng kềnh) nhưng số lượng chất dinh dưỡng trong 1kg thức ăn thấp. Thức ăn thô là thức ăn chủ lực, là phần căn bản trong khẩu phần ăn của bò.

Thảm cỏ tự nhiên hiện nay đang thu hẹp dần. Hơn nữa cỏ tự nhiên không được quản lí và chăm sóc vì vậy thảm cỏ thoái hóa dần, năng xuất và chất lượng thấp, không đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng cho những giống gia súc đã được cải tiến có năng suất cao. Do đó cần kết hợp trồng cỏ thâm canh, bổ sung thêm thức ăn tại chuồng, đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng của vật nuôi. Khi chọn giống cỏ trồng, ngoài năng suất và chất lượng cỏ cần chú ý đến điều kiện đất đai, khí hậu và thời tiết. Một số giống cỏ được trồng phổ biến hiện nay như: cỏ Voi, cỏ RUZI, cỏ Sả, cỏ Stylo, cỏ VA06…

Thức ăn thô xanh thường phong phú trong mùa hè thu nhưng lại thiếu trong mùa đông xuân hoặc mùa khô. Do đó cần áp dụng các biện pháp dự trữ cho bò vào mùa thiếu cỏ như: ủ thức ăn xanh; làm cỏ khô…

3.2. Thức ăn tinh

Thức ăn tinh: gồm những loại thức ăn như hạt ngũ cốc và phụ phẩm từ hạt, khô dầu,... (thức ăn tinh khô) hoặc rỉ mật, xác khoai mì, hèm bia (thức ăn tinh ướt). Thức ăn tinh có hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn (giàu năng lượng và protein), ít xơ, khả năng tiêu hóa cao. Một số loại có chứa nhiều chất khoáng. Thức ăn tinh là phầm thêm vào khẩu phần căn bản khi mà thức ăn thô không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng.

Thức ăn tinh cho bò thịt không cần có hàm lượng protein cao như đối với bò sữa. Trung bình 13-14% protein thô là phù hợp. Thức ăn tinh cho bê tập ăn cần chất lượng nguyên liệu cao hơn, không có urea và hàm lượng protein từ 16-18%.

Nếu mua thức ăn tinh hỗn hợp ở nhà máy thì chọn loại thức ăn có 13-14% protein là được.

3.3. Thức ăn bổ sung

Thức ăn xơ thô thường không chứa đủ các loại khoáng và vitamin cần cho quá trình sinh tổng hợp và hoạt động của vi sinh vật dạ cỏ. Các loại khoáng thiếu thường là Ca, P, Cu, Zn, Mn, Fe và S. Trong đó P và S có ảnh hưởng rất lớn đến sinh tổng hợp vi sinh vật dạ cỏ.

Thức ăn bổ sung: gồm những loại thức ăn như bột xương, bột sò hoặc vitamin được bổ sung thêm vào khẩu phần để đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng. Thức ăn khoáng và vitamin thường tồn tại dưới dạng bột (premix) để bổ sung vào thức ăn hỗn hợp hoặc dưới dạng đá liếm.

3.4. Nước

Nhu cầu nước của bò phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thành phần thức ăn; nhiệt độ môi trường; sản lượng sữa của bò mẹ; khối lượng cơ thể và tăng trọng của bò tơ. Bò cần trung bình 30 lít/ngày, khi tiết sữa cần cộng thêm cứ 3 lít nước cho 1kg sữa sản xuất ra.

IV. Chăm sóc và nuôi dưỡng bò thịt

4.1. Bê con giai đoạn bú sữa

Sau khi sanh, bê phải được bú sữa đầu, vì sữa đầu cung cấp chất dinh dưỡng đặc biệt cao cho bê con, sữa đầu còn cung cấp kháng thể giúp bê chống lại bệnh và vì trong sữa đầu có những chất giúp bê tống chất thải ở đường tiêu hóa ra ngoài.

Trong khoảng 10 ngày đầu bê còn yếu, nên nhốt bò mẹ cùng với bê con tại chuồng hoặc cột dưới bóng cây râm mát sạch sẽ, không thả bò mẹ dẫn theo bê ra đồng. Bê con được bú mẹ tự do. Sau 2 tuần tuổi bê bắt đầu tập ăn cỏ. Tập cho bê con ăn thức ăn hỗn hợp từ tuần thứ 4, vừa giúp dạ cỏ phát triển tốt giúp bê ăn được nhiều thức ăn thô sau này, vừa giúp bò mẹ đỡ hao mòn cơ thể và nhanh lên giống trở lại. Đến tháng tuổi thứ 4 hoặc khi bê ăn được 0,5kg thức ăn tinh/ngày thì giảm số lần bú mẹ chỉ cho bú một lần/ngày và sau 5 tháng tuổi (khi bê ăn được 1 – 1,5 kg thức ăn tinh/ngày) thì cai sữa hẳn. Không trộn lẫn thức ăn tinh với nước vì thức ăn sẽ bị chua dễ gây ra bệnh đường tiêu hóa. Khi bê đã được 3 tháng tuổi thì thức ăn tinh cho bê không cần cho thêm kháng sinh. Sau 6 tháng tuổi thì thức ăn tinh có thể cho thêm urea, hoặc cho ăn thức ăn tinh của bò lớn.

Phải luôn có máng uống trong đó có đủ nước sạch cho bê uống, nhất là vào những ngày nắng nóng. Nhu cầu nước của bê sau 1 tháng tuổi có thể từ 5-10 lít mỗi ngày.

Mặc dù trong sữa có khá đầy đủ các chất dinh dưỡng nhưng so với yêu cầu của bê con thì sữa vẫn thiếu một số khoáng chất và vitamin, nhất là sắt và vitamin D. Vì vậy nên bổ sung thêm khoáng dưới dạng đá liếm và cho bê vận động dưới ánh nắng mặt trời buổi sáng.

 

4.2. Bê giai đoạn sau cai sữa đến 12 tháng tuổi

Từ sau cai sữa đến khoảng 12 tháng tuổi, ngoài thời gian chăn thả ngoài đồng, bê phải được bổ sung thêm cỏ xanh non chất lượng cao tại chuồng (ăn tự do) và tối thiểu 1kg thức ăn tinh mỗi ngày.

Sau 12 tháng tuổi tùy theo ngoại hình vóc dáng của bê mà giảm hoặc ngừng hẳn việc bổ sung thức ăn tinh. Tăng dần lượng thức ăn thô chất lượng thấp như rơm, rạ.

 

4.3. Vỗ béo bò thịt

Có 2 phương pháp vỗ béo được áp dụng: phương pháp vỗ béo ngắn và phương pháp vỗ béo dài. Vỗ béo ngắn áp dụng cho bò tơ khoảng 18 tháng tuổi hoặc bò sinh sản già loại thải. Thời gian vỗ béo kéo dài khoảng 80-90 ngày, khẩu phần có tỷ lệ thức ăn tinh cao, nuôi nhốt. Vỗ béo dài ngày áp dụng cho bò tơ khoảng 12 tháng tuổi. Thời gian vỗ béo kéo dài cả 6 tháng, chăn thả và bổ sung thức ăn tại chuồng. Khẩu phần có tỷ lệ thức ăn tinh thấp hơn so với phương pháp vỗ béo ngắn ngày nuôi nhốt.

Mục đích vỗ béo là rút ngắn thời gian nuôi, để đạt tăng trọng cao nhất trong thời gian ngắn nhất nhằm nâng cao số lượng và chất lượng thịt. Trước khi vỗ béo cần được tẩy giun sán.

Tùy mục tiêu tăng trọng mà khối lượng thức ăn tinh của khẩu phần khác nhau, vì vậy thời gian làm quen khẩu phần vỗ béo có thể kéo dài từ 2-3 tuần. Thức ăn tinh vỗ béo bò gầy, bê đực không cần hàm lượng protein cao như thức ăn cho bò tơ.

 

V. Chăm sóc và nuôi dưỡng bò sinh sản

5.1. Phối giống

Bê cái hậu bị từ 13 tháng tuổi trở đi cần chú ý theo dõi có hiện tượng lên giống. Tuy vậy chỉ phối giống lần đầu tiên cho bê cái khi bê đã được 17-18 tháng tuổi và đạt khối lượng bằng 70% khối lượng lúc trưởng thành. Chỉ gieo tinh các giống bò thịt cao sản cho bò cái lai Sind từ lứa đẻ thứ 2 và trên những bò cái có khối lượng từ 250kg trở lên.

Khi phát hiện bò lên giống cần cho phối giống ngay (nếu phát hiện bò lên giống buổi sáng thì nên cho phối giống vào buổi chiều hoặc phát hiện vào buổi chiều thì nên cho phối giống vào sáng sớm hôm sau), nếu chậm trễ thì phối giống không có kết quả vì chỉ có 24 giờ cho phối giống đậu thai.

5.2. Bò cái mang thai

Khi bê cái mang thai lứa đầu, cơ thể vẫn tiếp tục lớn, vì vậy phải chăm sóc nuôi dưỡng bê cái thật tốt để sau này trở thành bò mẹ lớn con và bê con sinh ra cũng nặng cân, nhanh lớn.

Giai đoạn mang thai là 9 tháng 10 ngày.

Từ phối giống đến 7 tháng, khẩu phần hàng ngày gồm 28-30 kg cỏ; 3-4 kg rơm và phụ phế phẩm.

Từ tháng 8 đến đẻ, khẩu phần hàng ngày gồm 30-40 kg cỏ; lượng thức ăn hỗn hợp bằng 1 - 1,5% thể trọng của bò. Lượng thức ăn hỗn hợp tăng từ từ để bò và hệ vi sinh vật dạ cỏ quen dần với sự thay đổi thức ăn. Tuần cuối số lượng thức ăn hỗn hợp khoảng 1kg/bò.

5.3. Giai đoạn đẻ và nuôi con

Điều cần thiết là phải dự kiến ngày sanh của bò để chủ động chăm sóc bò mẹ khi sanh.

Tuần đầu sau khi sanh cần cho bò mẹ ăn thức ăn nhẹ dễ tiêu như cám gạo, rỉ mật và cỏ xanh non. Sau tuần đầu tiên mới tăng từ từ các loại thức ăn khác. Trong giai đoạn bò mẹ nuôi con, trung bình bò mẹ tiết từ 4-5kg sữa mỗi ngày. Vì vậy thức ăn cho bò mẹ ngoài dinh dưỡng duy trì cần cộng thêm dinh dưỡng cho sản xuất sữa nuôi con. Luôn có đủ nước cho bò mẹ uống tự do, đặc biệt là vào mùa khô. Cung cấp đủ muối, khoáng cho bò dưới dạng hỗn hợp bột xương và muối để cho bò ăn tự do.

 

5.3. Bò đực làm giống

Chọn bê đực làm giống phải chọn từ lúc sơ sinh. Chỉ chọn những bê có lí lịch rõ ràng, chắc chắn chúng được sinh ra từ những con bố mẹ tốt nhất. Khối lượng sơ sinh và khối lượng khi cai sữa phải vượt trội so với những con khác trong đàn. Từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi bê phải được nuôi với chế độ đặc biệt để đạt mức tăng trọng tối đa. Sau 12 tháng nuôi theo chế độ đực giống. Khẩu phần đảm bảo duy trì thể trạng không mập quá nhưng không gầy ốm.

Về ngoại hình chọn những con nhìn bề ngoài có nét đặc trưng của giống đực, không nhầm lẫn với con cái, có tính hăng nhưng không hung dữ, hai hòn cà to và cân đối, bắp thịt nổi rõ, chân và móng thẳng, khỏe, bước đi chắc chắn, hùng dũng.

Tuổi bắt đầu phối giống vào khoảng 24 tháng, tuổi phối giống tốt nhất ở bò đực giống là vào lúc 3-5 năm tuổi.

Khẩu phần ăn của bò đực giống ở giai đoạn trưởng thành làm việc có thể tính đơn giản như sau: Số lượng thức ăn tinh hỗn hợp bằng 0,6% khối lượng cơ thể. Số kg cỏ xanh bằng 8% khối lượng cơ thể.

Khẩu phần chia làm 2 lần cho ăn vào buổi sáng và buổi chiều. Sau mỗi lần phối giống cần bồi dưỡng cho bò đực ăn cỏ tươi, thức ăn tinh, bánh dinh dưỡng, đá liếm.

VI. Phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe cho bò

Cung cấp thức ăn và nước đầy đủ đáp ứng nhu cầu của từng giai đoạn phát triển của bò. Thiếu thức ăn con vật phải sử dụng những chất dự trữ trong cơ thể, con vật sẽ sụt trọng lượng nhanh và trở nên gầy. Trong những trường hợp nghiêm trọng khi con vật mất 40% trọng lượng ban đầu của cơ thể có thể bị chết.

Sử dụng nguyên liệu làm thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không chứa các chất gây độc như: HCN, gossypol, độc tố nấm mốc…

Giảm stress nhiệt cho bò khi nhiệt độ cao bằng các biện pháp làm mát chuồng như quạt gió, phun nước, cột bò dưới bóng râm; đồng thời điều chỉnh việc cung cấp thức ăn, nước uống cho bò bằng cách sử dụng các loại thức ăn có chất dinh dưỡng cao, chia thức ăn làm nhiều bữa, cung cấp đủ nước sạch cho bò uống suốt ngày đêm.

Tiêm vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tụ huyết trùng trâu bò, lở mồm long móng…

Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc sát trùng khu vực nuôi thường xuyên./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh (PTYCĐ)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây