CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN TRÂU, BÒ

Thứ hai - 28/03/2022 17:00 351 0
CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN TRÂU, BÒ

        Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò (VDNC) là loại dịch bệnh mới; lần đầu tiên xuất hiện tại Tây Ninh vào ngày 07/7/2021 ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành. Năm 2021, bệnh đã xảy ra tại 92 xã, phường, thị trấn của 09 huyện, thị xã, thành phố; tổng số trâu, bò bệnh  khoảng 16.000 con; số trâu, bò chết và hủy khoảng 1.900 con. Nhờ tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nên dịch bệnh đã được khống chế; kể từ ngày 02/12/2021 trở đi, không xảy ra ổ dịch mới trên địa bàn tỉnh.

Ngày 28/02/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 476/QĐ-UBND về việc công bố hết dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò tại địa bàn tỉnh Tây Ninh.


Hình: Bê con có triệu chứng nổi u, sấn trên da khi bị VDNC

       Mặc dù dịch bệnh VDNC đã được khống chế, nhưng nguy cơ dịch bệnh tái phát trong thời gian tới là rất cao vì những lý do sau:

- Vi rút VDNC tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô; trong điều kiện môi trường tối và ẩm ướt, như chuồng trại bị ô nhiễm, vi rút có thể tồn tại trong nhiều tháng.

- Cơ chế lây truyền đa dạng; bệnh lây lan chủ yếu qua côn trùng đốt như ruồi, muỗi, ve, mòng; …; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh nên bệnh có tốc độ lây lan nhanh.

- Chăn nuôi trâu, bò của tỉnh phần lớn là chăn nuôi nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư; còn thả rông cho ăn cỏ tự nhiên; chuồng trại và vệ sinh môi trường chăn nuôi không tốt dễ làm lây lan dịch bệnh.

 Để ngăn ngừa dịch bùng phát trở lại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện tốt các giải pháp sau:

- Thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi về loại, số lượng vật nuôi với UBND xã, phường, thị trấn; mỗi quý 01 lần theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT để cơ quan chức năng kịp thời theo dõi, quản lý dịch bệnh.

- Áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học như:

+ Chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, khi nhập đàn nên nuôi cách ly 21 ngày, nếu đàn mới không có dịch bệnh thì bổ sung vào đàn vật nuôi cũ.

+ Xây dựng chuồng trại cao ráo, thoáng mát, tránh lầy lội để hạn chế mầm bệnh và ruỗi, muỗi, ve mòng phát triển; thường xuyên vệ sinh phát quang cây cỏ, quét dọn thu gom phân rác và phun thuốc tiêu độc sát trùng và thuốc diệt côn trùng truyền bệnh khu vực chung quanh chuồng và khu chăn nuôi.

+ Hạn chế chăn thả chung trâu, bò trên cùng cánh đồng; khi nghi ngờ có bệnh xảy ra trong vùng thì cần nuôi nhốt, không chăn thả  để tránh mầm bệnh lây lan.

+ Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, thức ăn, nước uống đảm bảo sạch sẽ, hợp vệ sinh để tăng cường sức đề kháng với bệnh.

+ Tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn trâu bò: năm 2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã sử dụng 02 loại vắc xin để phòng chống dịch là Lumpivax và Mevac; cả 02 loại đều cho kết quả phòng chống bệnh rất tốt; tuy nhiên do hiệu quả bảo hộ của vắc xin khoảng 12 tháng, nên cần tiêm phòng cho đàn trâu, bò 01 lần/năm. Người chăn nuôi  lưu ý cần phải rà soát để kịp thời tiêm phòng cho những trâu, bò chưa được tiêm phòng trong thời gian trước đây như bò cái mang thai, bê con vì đa số bò bệnh, chết trong năm 2021 chủ yếu là ở đối tượng bê con dưới 6 tháng tuổi và bò cái mang thai. Trong các giải pháp phòng bệnh, tiêm phòng là giải pháp phòng bệnh tốt nhất, hiệu quả nhất và chi phí thấp nhất, giá của vắc xin không cao trong khi giá trị trâu bò là rất lớn. Người chăn nuôi có nhu cầu về vắc xin phòng bệnh có thể liên hệ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố để đăng ký và được  hướng dẫn sử dụng.



Hình: Một số loại vắc xin phòng bệnh VDNC trâu, bò

- Trường hợp nghi ngở có dịch bệnh xảy ra cần kịp thời báo cáo cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để kịp thời xử lý, tránh lây lan ra diện rộng.

 Bên cạnh đó, Ngành thú y cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau để ngăn dịch bệnh bùng phát trở lại, cụ thể:

- Kịp thời tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo phòng chống dịch, xây dựng và triển khai các Kế hoạch phòng chống các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

- Chuẩn bị vật tư, nhân lực để sẳn sàng phòng chống dịch theo phương châm vật tư tại chỗ, nhân lực tại chổ.

- Chỉ đạo hệ thống thú y theo dõi, giám sát dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng ổ dịch, xử lý triệt để ổ dịch.

- Tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm như: Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng trâu bò, VDNC trâu bò, Dịch tả heo, Tụ huyết trùng heo, Phó thương hàn heo, Tai xanh trên heo; Cúm gia cầm, Newcastle, Dại chó.

- Triển khai các đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh và khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên tiêu độc khử trùng bảo vệ vật nuôi của mình.

- Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

- Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc-tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc-tơ truyền bệnh.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tình hình dịch bệnh, các biện pháp chăn nuôi an toàn.

- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật ở cơ sở.

                                                          Phòng CNTY- Chi cục Chăn nuôi và Thú y

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây