Một số lưu ý trong chăn nuôi vào giai đoạn thời tiết giao mùa

Thứ sáu - 10/11/2023 14:56 932 0

Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, mưa nhiều làm độ ẩm tăng cao, thời tiết chuyển sang lạnh về đêm và sáng sớm tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, khi sức đề kháng vật nuôi giảm sẽ dễ bị mắc bệnh trong giai đoạn này, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi.

Để chủ động phòng tránh, bảo vệ đàn vật nuôi trong thời tiết giao mùa, Trạm Chăn nuôi và Thú y Thành phố khuyến cáo các hộ, trang trại chăn nuôi trên địa bàn cần áp dụng một số biện pháp để phòng bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa giúp đẩy mạnh năng suất trong chăn nuôi như sau:

1. Chuồng trại

- Khi nền chuồng còn thấp, có thể đắp thêm đất, nâng cao nền chuồng để phòng chống ngập nước.

- Kiểm tra, gia cố lại chuồng trại cho chắc chắn nhất là phần mái, rèm che, tường chuồng. Mái chuồng cần gia cố bằng cách chằng néo, đặt các bao cát lên để hạn chế tốc mái khi có gió mạnh, đề phòng mưa tạt, gió lùa vào chuồng nuôi. Đối với hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải cần làm sạch toàn bộ hoặc dọn bớt phân rác thải trong bể chứa và xử lý theo quy định để tránh bị tràn, chất thải gây ô nhiễm khi bị ngập, khơi thông cống rãnh, hạn chế ngập nước khi mưa lớn.

 

(Hộ chăn nuôi ở xã Tân Bình, Thành phố Tây Ninh che bạt chuồng trâu tránh mưa tạt, gió lùa)

- Trong khi mưa lớn phải thường xuyên kiểm tra chuồng trại, kịp thời gia cố khắc phục nếu có vị trí bị hư hỏng. Nếu có nguy cơ bị ngập cần đưa gia súc đến chỗ cao ráo hơn hoặc di dời ngay. Sau cơn mưa nhanh chóng thu gom dọn dẹp vệ sinh phân rác, vệ sinh tiêu độc chuồng trại, thay mới hoặc bổ sung lớp đệm lót khô sạch trước khi đưa vật nuôi vào.

2. Thức ăn, nước uống và thuốc thú y

Về thức ăn: Cần phải tính toán dự trữ số lượng, loại thức ăn đảm bảo phù hợp với số lượng, loài vật nuôi nhằm phòng trường hợp những ngày mưa nhiều. Đối với gia cầm và heo cần dự trữ thức ăn tinh, thức ăn công nghiệp. Đối với trâu bò, dê cần dự trữ thức ăn tinh, cỏ tươi, và thức ăn thô khô như rơm, cỏ khô, đá liếm hoặc tốt nhất ủ chua, ủ urê cỏ, rơm rạ cho ăn dần. Lưu ý bảo quản thức ăn ở kho hoặc nơi cao ráo, không bị ngập và mưa tạt ướt. Nếu thức ăn bị hỏng, ôi mốc phải vứt bỏ ngay, tuyệt đối không cho vật nuôi ăn.

 - Về nước uống: Thời tiết mưa kéo dài có thể gây ngập làm ô nhiễm nguồn nước bởi vậy phải có phương án dự trữ nước sạch cho vật nuôi. Di dời bồn dự trữ nước lên chỗ cao ráo; chuẩn bị thuốc khử trùng nước như cloramin B, phèn chua… để sử dụng làm sạch nước uống cho vật nuôi khi cần. Sau mưa vệ sinh lại toàn bộ hệ thống ống dẫn, máng uống nước; thau rửa và khử trùng bể chứa nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước. Không sử dụng nước bẩn, nước bị ô nhiễm cho vật nuôi uống.

Về thuốc thú y và vắc xin tiêm phòng: Đàn vật nuôi cần được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định, tăng cường phòng các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng qua thức ăn, nước uống, bổ sung vitamin, khoáng chất…

3. Nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý:

Nuôi dưỡng: Trong mùa mưa cho vật nuôi ăn uống đầy đủ khẩu phần, đúng loại thức ăn cho từng giai đoạn, từng loài vật nuôi; uống nước sạch và bổ sung vitamin, premix, khoáng, B-complex, men tiêu hóa để tăng cường sức đề kháng.

Chăm sóc, quản lý: Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ đàn vật nuôi không để mầm bệnh xâm nhập. Đối với đàn vật nuôi đủ tuổi nên xuất bán nhanh nhằm hạn chế khả năng rủi ro do bão lụt, giảm thiểu áp lực cho người chăn nuôi. Trước và sau mưa thường xuyên theo dõi, kiểm tra đàn vật nuôi. Nếu con vật ủ rũ bỏ ăn hoặc có triệu chứng bất thường cần phát hiện kịp thời và tách riêng, theo dõi điều trị. Khi vật nuôi có các biểu hiện dịch bệnh như dịch tả heo, viêm da nổi cục trâu bò, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh… phải báo ngay cho chính quyền địa phương và lực lượng thú y để kịp thời xử lý.

4. Vệ sinh phòng bệnh:

- Trước mùa mưa: Phát quang bụi rậm, cỏ dại, cây cối xung quanh chuồng nuôi. Quét dọn, thu gom phân rác, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại bằng các thuốc khử trùng có hoạt phổ rộng và tác dụng kéo dài như vôi bột, các sản phẩm có hoạt chất: Formaldehyde, Glutaraldehyde, Benzalkonium…

- Trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, nếu có vật nuôi bị chết chưa rõ nguyên nhân hoặc nghi dịch bệnh phải báo cơ quan thú y và xử lý theo quy định. Tuyệt đối không vứt xác ra môi trường xung quanh, nhất là sông, suối, ao hồ, kênh, mương.

       (Phun thuốc sát trùng hộ nuôi heo ở phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh)

- Sau mưa người chăn nuôi cần thực hiện phương châm “nước rút tới đâu vệ sinh tẩy uế môi trường, chuồng trại tới đó”. Đưa vật nuôi đến nơi khô ráo. Tách riêng những con vật bị bệnh để chăm sóc điều trị. Tiêm phòng vaccin bổ sung ngay cho đàn nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục... Nạo vét bùn đất, thu gom phân rác, tiến hành rắc vôi, vệ sinh chùi rửa toàn bộ chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi. Sau khi vệ sinh sạch sẽ, quét vôi tường chuồng và tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại.

         (Tiêm phòng Cúm gia cầm ở phường III, TP. Tây Ninh)

           Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Không tái đàn khi chưa đảm bảo môi trường và an toàn dịch bệnh./.

                       

Tác giả: Chan nuoi thu y

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây