Vai trò của vitamin c trong nuôi trồng thủy sản

Thứ ba - 28/10/2014 18:00 507 0

 Cổ Thị Tuyết Hằng

Hiện nay, thời tiết thay đổi thất thường nên cá nuôi rất dễ mắc bệnh. Do đó, việc cung cấp sức đề kháng cho cá là rất cần thiết, bằng cách bổ sung thêm hàm lượng Vitamin, đặc biệt là Vitamin C cho cá.

1. Vai trò của Vitamin C đối với tôm, cá

Vitamin C hay còn gọi là Acid Ascorbic, là một chất dinh dưỡng vi lượng thiết yếu cho cá vì nó cần thiết cho quá trình tổng hợp collagen và cartilage cấu trúc xương.

Vitamin C được xem như là chất kháng ôxy hóa, kích thích hệ miễn dịch, giảm stress và hỗ trợ hấp thu sắt giúp ngăn ngừa hiện tượng thiếu máu thường gặp ở cá do thiếu Vitamin C.

Đa số các loài cá không có khả năng tự tổng hợp Vitamin C do thiếu enzym L-gulono-lactone oxidase, đây là enzyme chuyển hóa L-gulonolactone thành Vitamin C ở gan và thận cá.

2. Nhu cầu sử dụng Vitamin C của tôm, cá

Hình thức nuôi có ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu vitamin của động vật thủy sản.

+ Mô hình nuôi quảng canh, hay quảng canh cải tiến không cần cung cấp vitamin vì cá tôm có thể sử dụng vitamin từ thức ăn tự nhiên.

+ Mô hình bán thâm canh, thâm canh và nuôi trong lồng bè, thức ăn tự nhiên rất giới hạn nên cần phải cung cấp đầy đủ vitamin.

Nhu cầu vitamin của cá tôm thay đổi tùy theo giai đoạn phát triển.

+ Ở giai đoạn ấu trùng, tôm cá cần được cung cấp lượng vitamin C nhiều hơn giai đoạn trưởng thành và giai đoạn bố mẹ. Thông thường lượng vitamin C cần thiết cho cá giống dao động trong khoảng 25 – 50mg/kg thức ăn.

+ Cá tôm trong thời kì sinh sản cần một lượng lớn Vitamin A, E, C.

Ngoài ra, vitamin C còn có tác dụng tăng khả năng chịu đựng trên tôm cá khi đánh bắt hay khi vận chuyển. Khả năng đề kháng bệnh của cá tôm tăng lên khi bổ sung vitamin C, E, B6, Pantothenic acid, Choline vào thức ăn.

Nhu cầu Vitamin C của một số loại tôm cá

 

Loài

Nhu cầu (mg/kg)

Kích cở

Tác giả

Cá trê phi

45

19.9

Eya (1996)

Cá trê trắng

69

1.5

Misfra và ctv (1996)

Cá chép

45

Cá bột

Gouillou-Coustans (1998)

Cá rô phi

79

1.1

Shiau và Jan (1992)

Cá nuôi bị thiếu Vitamin C thường thể hiện qua dấu hiệu: các dạng dị tật xương sống, tật ưỡn lưng và hiện tượng xuất huyết ở gốc vây, xung quanh miệng và mắt; màu sắc cơ thể chuyển sang đen tối. Cá bị bệnh thì giảm sinh trưởng; đồng thời, giảm khả năng chống chịu sốc và sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh.

3. Phòng bệnh

Để phòng bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản, người nuôi cần bổ sung một lượng vitamin C thích hợp cho từng đối tượng nuôi, tuỳ theo loại thức ăn dùng, đặc biệt trong trường hợp dùng thức ăn tổng hợp để nuôi tôm cá.

Định kỳ mỗi tháng bổ sung Vitamin C khoảng 3-5 ngày liên tục.

Khi thời tiết thay đổi hay xung quanh vùng nuôi có dịch bệnh thì cũng nên bổ sung Vitamin C vào thức ăn. Hoặc trước khi vận chuyển và sau khi thả cá cũng nên cung cấp thêm vitamin C nhằm tăng sức đề kháng, tránh sốc cá.

Liều lượng sử dụng tùy thuộc vào loại Vitamin C, từng loài và từng kích cở cá.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây