Việt Nam nhận hơn 41 triệu USD đầu tiên từ bán tín chỉ các bon rừng

Thứ sáu - 29/09/2023 09:19 392 0
Nongnghiep.vn - 10,3 triệu tấn các bon giảm phát thải từ rừng, tương đương với 10,3 triệu tín chỉ các bon đầu tiên của Việt Nam đã nhận được 80% tổng kinh phí, hơn 41 triệu USD.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, Giám đốc Quan hệ Đối tác Emergent Sean Frisby và Phó Đại sứ Na-uy Mette Moglestue đồng chủ trì hội thảo.

Ngân hàng thế giới đã chuyển cho Việt Nam 80% tổng kinh phí tương đương 41,2 triệu USD

Để chuẩn bị cho đàm phán Thỏa thuận mua bán giảm phát thải (ERPA), Emergent và các thành viên LEAF thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 26 - 29/9, đồng thời phối hợp với Cục Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo chia sẻ thông tin về Sáng kiến kiến Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp vào ngày 27/9, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF).

Ngày 27/9, Cục Lâm nghiệp và Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp Emergent, tổ chức điều phối của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) phối hợp tổ chức Hội thảo chia sẻ thông tin về sáng kiến Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp cho các bên liên quan.

Mục tiêu của Hội thảo chia sẻ thông tin về Sáng kiến LEAF nhằm chia sẻ thông tin về LEAF với các cộng đồng địa phương, dân tộc thiểu số, các tổ chức chính trị - xã hội và các bên liên quan trước khi Emergent và Việt Nam tiến tới đàm phán và ký kết ERPA. Hội thảo tạo cơ hội để các bên liên quan đến chương trình giảm phát thải từ rừng khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ trao đổi, tìm hiểu thông tin và đưa ra ý kiến phản hồi.

Liên minh LEAF tập hợp các quốc gia có rừng, các doanh nghiệp, và các chính phủ tài trợ tham gia thúc đẩy các giao dịch tín chỉ các bon rừng quy mô quốc gia, do ART1 (Nền tảng giao dịch REDD+) phát hành theo tiêu chuẩn TREES2 (Tiêu chuẩn môi trường REDD + tối ưu).

Tiêu chuẩn TREES2 đảm bảo chất lượng về môi trường và an toàn xã hội ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, LEAF cũng đặt ra các tiêu chí nghiêm ngặt để sàng lọc người mua từ khối tư nhân. Doanh nghiệp chỉ có thể tham gia LEAF nếu thực tế doanh nghiệp có thực hiện các chương trình giảm phát thải, nhằm đảm bảo rằng tín chỉ được mua thông qua LEAF là bổ sung, chứ không phải bù đắp cho hành động giảm phát thải của doanh nghiệp.

Liên minh LEAF được hỗ trợ bởi 4 chính phủ tài trợ (Anh, Mỹ, Na Uy, Hàn Quốc) và hơn 25 tập đoàn (trong đó có Amazon, PWC, Unilever), là các thành viên có cam kết mạnh mẽ về giảm mất rừng.

Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hành động cụ thể là việc ký Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu (2015), cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tham gia nhiều sáng kiến về biến đổi khí hậu như Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), Tuyên bố về rừng và sử dụng đất, Đối tác lãnh đạo về rừng và khí hậu.

Thực hiện cam kết giảm phát thải, đối với đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, giảm 15,8% lượng phát thải (146 triệu tấn CO2) bằng nguồn lực quốc gia và giảm 43,5% lượng phát thải (403 triệu tấn CO2) khi có hỗ trợ quốc tế.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo thông tin, tháng 10/2020, Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ với Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam sẽ chuyển cho WB 10,3 triệu tấn, với giá 5 USD/tấn và 95% lượng này sẽ được tính đóng góp NDC. Đến nay, các thủ tục về pháp lý, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng và Ngân hàng thế giới đã chuyển cho Việt Nam 80% tổng kinh phí tương đương 41,2 triệu USD.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và Giám đốc Tổ chức Emergent, cơ quan quản lý hành chính của LEAF đã ký Ý định thư về giảm phát thải, đây là căn cứ để hai bên đàm phán, ký kết và thực hiện Thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng cho 11 tỉnh vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Theo Ý định thư này, Việt Nam dự kiến sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022 - 2026 với giá tối thiểu là 10 USD/1 tấn CO2tđ. Toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng cho LEAF sẽ được tính vào cam kết đóng góp giảm phát thải (NDC) của Việt Nam.

viet nam nhan 41 trieu usd dau tien tu ban tin chi cac bon rung 164016 571 170613

Đến nay, các thủ tục về pháp lý, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng và Ngân hàng thế giới đã chuyển cho Việt Nam 80% tổng kinh phí tương đương 41,2 triệu USD. Ảnh: Tùng Đinh. 

Các tỉnh Nam Trung bộ sẵn sàng cho hoạt động giảm phát thải

Vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên với tổng diện tích rừng khoảng 4,29 triệu ha (rừng tự nhiên 3,16 triệu ha; rừng trồng 1,13 triệu ha) chiếm trên 29% diện tích rừng cả nước, có tầm quan trọng đặc biệt về tài nguyên rừng, đa dạng sinh học đã được lựa chọn để thực hiện sáng kiến LEAF.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận chia sẻ Bình Thuận là một trong 11 tỉnh dự kiến tham gia thực hiện Thỏa thuận ERPA trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh LEAF. Theo đó, tỉnh Bình Thuận rất quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh và việc chuẩn bị các hoạt động REDD+ đã được tỉnh triển khai lồng ghép vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hàng năm.

“Đây là tiền đề để tỉnh Bình Thuận thể hiện khả năng sẵn sàng tham gia các Chương trình liên quan đến việc thị trường các bon khi được các cấp triển khai. Với diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn, hơn 296 ngàn ha, việc tham gia mua bán giảm phát thải thông qua tín chỉ các bon sẽ mang lại nguồn kinh phí quan trọng cho tỉnh để tiếp tục đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; góp phần nâng cao đời sống và sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, các hộ sống trong và ven rừng nói chung; chia sẻ, giảm áp lực kinh phí đầu tư của địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Vũ Đình Cường, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng nêu một số khó khăn khi triển khai thực hiện chương trình giảm phát thải tại Việt Nam. Ông Cường nêu thực tế rằng việc chi trả dịch vụ môi trường rừng dựa vào kết quả trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thành hiện thực do yêu cầu và rào cản nhiều hơn được áp đặt theo cơ chế REDD+.

Bên cạnh đó, tuy có sự hỗ trợ tăng cường năng lực của các tổ chức quốc tế nhưng cơ chế REDD+ vẫn còn liên quan nhiều vấn đề quản trị rừng phức tạp. Nên khả năng đáp ứng tiếp nhận để triển khai của bộ phận quản lý gặp nhiều khó khăn. Việc lồng ghép các nội dung REDD+ và kết nối vào hệ thống chính sách ngành lâm nghiệp cùng với các mục tiêu kinh tế - xã hội khác còn phải tiếp tục nỗ lực tích cực hơn nữa giữa các bên tham gia.

Để hoàn thiện các yếu tố giảm phát thải theo lộ trình, ông Cường đề xuất Bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ tỉnh kết nối các chương trình dự án hợp tác quốc tế nhằm huy động sự hỗ trợ các nguồn lực kỹ thuật tài chính để tiếp tục thực hiện.

Sáng kiến LEAF đang triển khai cho cấp vùng tại 11 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ. Đề nghị mức phát thải cơ sở và kết quả giảm phát thải được tính sau khi khấu trừ. Khi đó tính toán tổng lượng tín chỉ có thể thương mại theo yêu cầu của TREES2 tại 5 tỉnh Tây Nguyên và 6 tỉnh Nam Trung bộ có thể được thuận lợi.

Tác giả: So Nong Nghiep

Nguồn tin: nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây