HƯỚNG DẪN TẠM THỜI VỀ CẤP, QUẢN LÝ MÃ SỐ VÙNG TRỒNG LĨNH VỰC TRỒNG TRỌT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

Thứ tư - 09/11/2022 16:53 1.779 0
Mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đang là chủ đề được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây. Hiện nay, nước ta đang có 02 quy định riêng biệt về cấp mã số vùng trồng, trong đó:- Mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt (thường được gọi là mã số vùng trồng nội địa): được cấp và quản lý theo Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng.- Mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ hoạt động xuất khẩu: được thực hiện theo quy định tại TCCS 774:2020/BVTV – Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng, TCCS 775:2020/BVTV – Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói và quy định riêng của thị trường nhập khẩu đối với mỗi loại nông sản.
Nhãn vào vụ cho trái
Nhãn vào vụ cho trái

HƯỚNG DẪN TẠM THỜI

VỀ CẤP, QUẢN LÝ MÃ SỐ VÙNG TRỒNG LĨNH VỰC TRỒNG TRỌT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

 

Mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đang là chủ đề được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây. Hiện nay, nước ta đang có 02 quy định riêng biệt về cấp mã số vùng trồng, trong đó:

- Mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt (thường được gọi là mã số vùng trồng nội địa): được cấp và quản lý theo Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng.

- Mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ hoạt động xuất khẩu: được thực hiện theo quy định tại TCCS 774:2020/BVTV Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng, TCCS 775:2020/BVTV Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói và quy định riêng của thị trường nhập khẩu đối với mỗi loại nông sản.

Trong phạm vi bài viết này, ngành Nông nghiệp thông tin đến các tổ chức/cá nhân hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh như sau:

1. Thông tin liên quan về mã số vùng trồng 

1.1. Vùng trồng 

Là một vùng sản xuất một hoặc nhiều loài cây trồng, có thể bao gồm một hoặc nhiều điểm sản xuất được kiểm soát chung bởi một tiêu chuẩn hoặc quy trình sản xuất cho mỗi loài cây trồng hoặc nhóm cây trồng. 

1.2. Mã số vùng trồng  

Là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. 

1.3. Kết cấu mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt

“VN-Mã tỉnh-huyện/thị xã/thành phố-phường/xã-cơ sở sản xuất-năm cấp”

Trong đó:

- Mã tỉnh, huyện/thị xã/thành phố, phường/xã: sử dụng mã số các đơn vị hành  chính theo quy định của Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bảng Danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam và các văn bản cập nhật, bổ sung mã số của các đơn vị hành chính mới. 

- Mã cơ sở sản xuất: do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quy định thống nhất theo số thứ tự từ 01 đến hết. 

- Năm cấp: lấy hai số cuối của năm cấp mã số vùng trồng. 

Ví dụ: VN-72-710-25666-10-22. Trong đó: mã số tỉnh Tây Ninh: 72; mã số huyện Gò Dầu: 710; mã số xã Bàu Đồn: 25666; mã số cơ sở sản xuất: 10 và mã số năm cấp làm 2022.

2. Các yêu cầu của vùng trồng 

2.1. Yêu cầu về diện tích

- Đối với vùng trồng cây lâu năm: diện tích tối thiểu là 01 ha/mã số. 

- Đối với vùng trồng cây hàng năm: diện tích tối thiểu là 0,1 ha/mã số.

2.2. Yêu cầu về an toàn thực phẩm

Đáp ứng đầy đủ các điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12. 

2.3. Yêu cầu về truy xuất nguồn gốc

2.3.1. Hồ sơ của vùng trồng

Có hồ sơ ghi chép và cập nhật thường xuyên, đầy đủ các thông tin trong quá trình canh tác, gồm:

- Thông tin về vùng trồng: tên vùng trồng, địa chỉ vùng trồng (ấp/khu phố, xã/phường/thị trấn, huyện/thị xã/thánh phố), tên người đại diện vùng trồng, số điện thoại liên hệ của người đại diện vùng trồng, đối tượng cây trồng, tên giống cây trồng, diện tích sản xuất, tiêu chuẩn/quy trình áp dụng, vị trí tọa độ nơi sản xuất; thời gian dự kiến thu hoạch, sản lượng dự kiến, thị trường dự kiến tiêu thụ (vào đầu vụ/chu kỳ thu hoạch); thời gian thu hoạch chính thức, sản lượng chính thức khi kết thúc thu hoạch.

- Thông tin về vật tư đầu vào

+ Trường hợp mua vật tư đầu vào

  • Đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV): tên thương mại, tên hoạt chất, thời gian mua, số lượng mua, hạn sử dụng, tên và địa chỉ của nơi mua.
  • Đối với phân bón và các loại vật tư khác: tên vật tư, thời gian mua, số lượng mua, hạn sử dụng, tên và địa chỉ của nơi mua.

+ Trường hợp tự sản xuất vật tư đầu vào

  • Đối với phân bón, thuốc BVTV: nguyên liệu sản xuất, phương pháp sản xuất, hóa chất sử dụng, người thực hiện sản xuất.
  • Đối với các loại vật tư khác: phương pháp sản xuất, hóa chất sử dụng, người thực hiện sản xuất.

- Thông tin về sử dụng vật tư

+ Đối với hóa chất, thuốc BVTV: tên thương mại, tên hoạt chất, thời gian sử dụng, số lượng sử dụng, thời gian cách ly.

+ Đối với phân bón và các loại vật tư khác: tên vật tư, thời gian sử dụng, số lượng sử dụng.

- Thông tin về thu hoạch và bán sản phẩm

Một loại cây trồng có thể cho thu hoạch nhiều loại sản phẩm như: quả, hoa, lá, … và với mỗi loại sản phẩm có thể được thu hoạch theo nhiều đợt. Do vậy, cần ghi chép đầy đủ, cụ thể các thông tin sau: tên các loại sản phẩm của cây trồng; thời gian thu hoạch; ứng với từng thời gian thu hoạch của mỗi loại sản phẩm cần có: sản lượng thu hoạch, thời gian bán, sản lượng bán và thông tin của người mua hàng bao gồm: họ và tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ.

Ví dụ: thông tin thu hoạch và bán sản phẩm của cây trồng A

 

STT

Tên các sản phẩm của cây trồng

Thời gian của mỗi đợt thu hoạch

Sản lượng thu hoạch (kg)

Thời gian bán

Sản lượng bán (kg)

 Thông tin người mua hàng

Họ và tên

Địa chỉ

Số điện thoại

1

A1

a1

 

 

 

 

 

 

b1

 

 

 

 

 

 

c1

 

 

 

 

 

 

2

A2

a2

 

 

 

 

 

 

b2

 

 

 

 

 

 

c2

 

 

 

 

 

 

 

         2.3.2. Thời gian lưu trữ hồ sơ của vùng trồng

                Vùng trồng phải lưu trữ các hồ sơ tối thiểu 12 tháng tính từ thời điểm thu hoạch cuối cùng.

3. Quy trình cấp mã số vùng trồng

3.1. Các tổ chức/cá nhân có nhu cầu được cấp mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt thực hiện các nội dung sau:

- Bước 1: xây dựng vùng trồng, hoàn thiện hồ sơ đáp ứng tốt các yêu cầu của vùng trồng được quy định tại mục 2 của Hướng dẫn này.

- Bước 2: điền đầy đủ các thông tin cần thiết vào “Giấy đăng ký cấp/cấp lại mã số vùng trồng” theo Mẫu số 1 của Hướng dẫn này và gửi đến Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Lưu ý, vùng trồng cần gửi đầy đủ các tài liệu được yêu cầu kèm theo “Giấy đăng ký cấp/cấp lại mã số vùng trồng”, gồm:

+ Sơ đồ vùng trồng;

+ Danh sách các hộ nông dân của vùng trồng. Lưu ý: Danh sách bao gồm các thông tin: họ và tên nông dân; với mỗi nông dân của vùng trồng, cung cấp đầy đủ các thông tin sau: số căn cước công dân, địa chỉ nơi canh tác, vị trí tọa độ nơi canh tác, đối tượng cây trồng, diện tích, sản lượng dự kiến, số điện thoại liên hệ;

+ Bản sao giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn đã áp dụng như: VietGAP, GlobalG.A.P, …, hoặc bản sao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 đối với sản phẩm nông sản đề nghị cấp mã số vùng trồng và có hiệu lực đến thời điểm đề nghị cấp mã số, hoặc bản cam kết đảm bảo ATTP trong sản xuất theo mẫu số 4, hoặc quy trình sản xuất của các doanh nghiệp liên kết sản xuất đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Lưu ý: Bản sao các loại giấy chứng nhận phải có công chứng của chính quyền địa phương.

3.2. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện các nội dung sau: 

- Bước 1: tiếp nhận hồ sơ gồm: giấy đăng ký cấp mã số vùng trồng và các tài liệu kèm theo.

- Bước 2: thực hiện kiểm tra mức độ đáp ứng các yêu cầu của vùng trồng được quy định tại mục 2 của Hướng dẫn này đối với các thông tin đã được cung cấp từ hồ sơ đã tiếp nhận.

- Bước 3: kiểm tra thực tế tại vùng trồng đăng ký cấp mã số với các nội dung kiểm tra theo Mẫu số 2 của Hướng dẫn này. Kết quả kiểm tra được đánh giá như sau:

+ Đạt: nếu vùng trồng đáp ứng đầy đủ các nội dung kiểm tra theo Mẫu số 2 của Hướng dẫn này. Đồng thời, vùng trồng cung cấp ngay 01 bộ hồ sơ hoàn chỉnh cho Đoàn kiểm tra làm cơ sở cấp mã số vùng trồng.

 + Không đạt: nếu vùng trồng không đáp ứng đầy đủ các nội dung kiểm tra theo Mẫu số 2 của Hướng dẫn này. Đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục kiểm tra sau khi vùng trồng đã thực hiện hành động khắc phục các nội dung chưa đạt.

- Bước 4: cấp mã số vùng trồng theo Mẫu số 3 nếu kết quả kiểm tra thực tế cho thấy vùng trồng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được quy định tại mục 2 của Hướng dẫn này.

Riêng trường hợp trong thành phần hồ sơ đăng ký cấp mã số của vùng trồng được tiếp nhận có: bản sao (được chính quyền địa phương công chứng) của giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 đối với sản phẩm nông sản đề nghị cấp mã số vùng trồng(có hiệu lực đến thời điểm đề nghị cấp mã số), hoặc bản sao(được chính quyền địa phương công chứng) của giấy chứng nhận một trong các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt như: VietGAP, GlobalG.A.P, ASIAGAP, ASEANGAP, …, tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn sản xuất bền vững và đáp ứng yêu cầu tại mục 2.1 (yêu cầu về diện tích), mục 2.3 (yêu cầu về truy xuất nguồn gốc): Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ không thực hiện kiểm tra thực tế, đồng thời cấp mã số vùng trồng trước và thực hiện hậu kiểm (kiểm tra thực tế tại vùng trồng sau khi đã được cấp mã số). Thời gian hậu kiểm không quá 06 tháng kể từ ngày cấp mã số và nội dung hậu kiểm theo Mẫu số 2 của Hướng dẫn này. Kết quả hậu kiểm được đánh giá như sau:

+ Đạt: nếu vùng trồng đáp ứng đầy đủ các nội dung kiểm tra theo Mẫu số 2 của Hướng dẫn này và mã số vùng trồng đã cấp được tiếp tục duy trì sử dụng. Đồng thời, tại thời điểm hậu kiểm, vùng trồng cung cấp ngay 01 bộ hồ sơ hoàn chỉnh cho Đoàn kiểm tra làm hồ sơ lưu tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

 + Không đạt: nếu vùng trồng không đáp ứng đầy đủ các nội dung kiểm tra theo Mẫu số 2 của Hướng dẫn này và mã số vùng trồng đã cấp sẽ bị hủy.

5. Công tác kiểm tra đột xuất, giám sát định kỳ mã số vùng trồng

Sau khi tổ chức/cá nhân được cấp mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt và thực hiện hậu kiểm trong khoảng thời gian không quá 06 tháng kể từ ngày cấp mã số, các mã số vùng trồng sẽ tiếp tục được thực hiện kiểm tra đột xuất, giám sát định kỳ để làm cơ sở duy trì sử dụng mã số đã cấp, cụ thể:

- Kiểm tra đột xuất: do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện theo yêu cầu của công tác quản lý, hoặc theo tình hình phát sinh sinh vật gây hại, hoặc theo yêu cầu về đảm bảo an toàn thực phẩm sản phẩm nông sản.

- Giám sát định kỳ: do Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố thực hiện, tần suất không quá 12 tháng/lần tính từ ngày cấp mã số;

- Nội dung kiểm tra, giám sát: các nội dung theo Mẫu số 2 và tính chính xác của các thông tin mà tổ chức/cá nhân đã cung cấp tại Mẫu số 1 khi đề nghị cấp mã số vùng trồng.

- Kết quả kiểm tra, giám sát được đánh giá như sau:

+ Đạt: nếu vùng trồng đáp ứng đầy đủ các nội dung kiểm tra theo Mẫu số 2 của Hướng dẫn này và các thông tin mà tổ chức/cá nhân đã cung cấp tại Mẫu số 1 khi đề nghị cấp mã số vùng trồng là chính xác. Kết luận kiểm tra, giám sát là vùng trồng được tiếp tục duy trì sử dụng mã số được cấp.

 + Không đạt: nếu vùng trồng không đáp ứng đầy đủ các nội dung kiểm tra theo Mẫu số 2 của Hướng dẫn này hoặc phát hiện có một trong số các thông tin không đúng theo thông tin mà tổ chức/cá nhân đã cung cấp tại Mẫu số 1 khi đề nghị cấp mã số vùng trồng. Kết luận kiểm tra, giám sát là vùng trồng bị đình chỉ sử dụng mã số được cấp.

6. Các trường hợp đình chỉ sử dụng và hủy mã sốvùng trồng lĩnh vực trồng trọt đã cấp

6.1. Đình chỉ sử dụng mã số

Mã số vùng trồng bị đình chỉ sử dụng trong các trường hợp sau:

- Không đáp ứng yêu cầu tại các thời điểm giám sát định kỳ, hoặc kiểm tra đột xuất;

- Không đáp ứng một trong các tiêu chí của nội dung kiểm tra, giám sát nêu trên.

Mã số vùng trồng sau khi bị đình chỉ sử dụng sẽ được phục hồi khi cơ sở sản xuất có biện pháp khắc phục và được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chấp nhận biện pháp khắc phục đó trong thời gian 30 ngày kể từ ngày bị đình chỉ sử dụng mã số.

6.2. Hủy mã số vùng trồng

Huỷ mã số vùng trồng được cấp trong các trường hợp sau:

- Theo đề nghị của cơ sở về việc không sử dụng mã số vùng trồng được cấp;

- Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày bị đình chỉ sử dụng mã số được cấp, cơ sở sản xuất không có biện pháp khắc phục hiệu quả đối với các trường hợp bị đình chỉ;

- Vùng trồng được cấp mã số chuyển đổi loại cây trồng hoặc mục đích sử dụng không đúng so với đăng ký ban đầu;

- Kết quả hậu kiểm phát hiện vùng trồng không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được quy định tại mục 2 của Hướng dẫn này;

- Sử dụng mã số vùng trồng được cấp cho các sản phẩm không thuộc đối tượng cây trồng đăng ký, không được sản xuất tại vùng trồng đăng ký./.

 

                                                                     CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BVTV

Tác giả: Bao ve thuc vat

Nguồn tin: Chi cục Trồng trọt và BVTV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây