Quy hoạch sản xuất, phát triển và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ ba - 06/01/2015 20:45 283 0

 KS. Nguyễn Thị Thúy An

Thực trạng sản xuất, kinh doanh rau quả ở nước ta nói chung và Tây Ninh nói riêng còn nhiều bất cập về vệ sinh an toàn thực phẩm, gây tác động tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhằm kiểm soát quá trình sản xuất rau, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng các vùng sản xuất rau tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Quy hoạch sản xuất, phát triển và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh.

Cuối năm 2011, Quy hoạch sản xuất, phát triển và tiệu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 đã được phê duyệt. Trong đó, mục tiêu gồm có: xây dựng 9 mô hình sản xuất rau an toàn tại các huyện, thành phố; xây dựng cửa hàng kinh doanh sản phẩm rau an toàn, mỗi huyện bố trí 2 cửa hàng tiện lợi để tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm; xây dựng dự án mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng công nghệ cao. Dự kiến, đến năm 2015, toàn tỉnh đạt diện tích gieo trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 5.000ha, trong đó diện tích sản xuất chuyên canh là 522ha. Và đến năm 2020, diện tích gieo trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trong toàn tỉnh sẽ là 15.000 – 16.000ha, trong đó diện tích sản xuất chuyên canh là 3.883ha.

Sau khi quy hoạch, diện tích canh tác rau trên toàn tỉnh có biến động nhưng không lớn so với trước quy hoạch, hầu hết các huyện đều có diện tích giảm so với trước đó, riêng Thành Phố Tây Ninh tăng 144 ha so với năm 2011. Diện tích trồng rau lớn nhất tập trung ở các huyện Trảng Bàng, Bến Cầu, Châu Thành, Gò Dầu và Dương Minh Châu. Diện tích sản xuất chuyên canh rau đủ điều kiện để chứng nhận VietGAP trên địa bàn tỉnh là 402/638,2ha. Các vùng sản xuất chuyên canh này đã được phân tích mẫu nước tưới, đất trồng và cho kết quả đạt yêu cầu chứng nhận. Hiện, tỉnh đã cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau là 15 điểm, diện tích 53,3ha và 200m2 nhà xưởng cho 1 tập thể và 217 hộ dân; đã xây dựng 5 mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 13,9ha với sự tham gia của 45 hộ nông dân. Trong đó, có 3 mô hình đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP/rau với diện tích là 8,4ha của 26 hộ nông dân. Hai mô hình còn lại đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện để đơn vị Tư vấn thẩm định, cấp giấy chứng nhận. Hiện tại, hệ thống cửa hàng kinh doanh rau an toàn đang trong quá trình rà soát, xây dựng thí điểm. Riêng vấn đề xây dựng mô hình sản xuất công nghệ cao, trên địa bàn tỉnh có một mô hình trồng nấm kim châm được cơ giới hóa hầu hết các công đoạn sản xuất với quy mô 1ha, năng suất 200kg/ngày ở huyện Dương Minh Châu và một điểm trồng dưa lưới trong hệ thống nhà kính với quy mô 3ha ở huyện Trảng Bàng. Ngành cũng đang đề xuất xây dựng một số mô hình trồng rau ăn lá áp dụng phương pháp thủy canh trong nhà kính. Thông qua việc xây dựng các mô hình, điểm trình diễn, người nông dân trồng rau ngoài việc được tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất, còn được hỗ trợ về chi phí thực hiện các hạng mục như: xây dựng nhà lưới, nhà kho, nhà sơ chế, chi phí hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí phân tích mẫu đất trồng, nước tưới, sản phẩm,…

Trong quá trình triển khai đề án Quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn do chưa có hệ thống chuyên kinh doanh mặt hàng rau an toàn, người sản xuất chưa có nơi tiêu thụ ổn định, giá bán chưa có sự khác biệt  giữa rau an toàn sản xuất theo quy trình VietGAP và rau sản xuất chưa được chứng nhận, diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, không thể đáp ứng được yêu cầu về số lượng chủng loại rau của các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối. Tuy nhiên, được sự quan

tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, có sự phối hợp của các ban ngành có liên quan, cùng với đội ngũ cán bộ kỹ thuật tận tụy với công việc, tích cực vận động, hướng dẫn người dân quy trình sản xuất, nông dân đã mạnh dạn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, nhận thức ngày càng cao về ý nghĩa của việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Đây là nền tảng rất tốt cho việc thúc đẩy phát triển và quản lý sản xuất rau an toàn theo mục tiêu của Quy hoạch.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây