Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng đi mới cho nghười nông dân

Thứ ba - 06/01/2015 15:35 282 0

Trần Thanh Sang                                                     

Ngày 31 tháng 7 năm 2014 Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số: 3367/QĐ-BNN-TT, phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2014 – 2020. Trong đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2014 – 2015, chuyển đổi khoảng 260 ngàn ha diện tích gieo trồng lúa sang cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thuỷ sản. Giai đoạn 2016 – 2020, chuyển đổi khoảng 510 ngàn ha diện tích gieo trồng lúa sang cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thuỷ sản. Với nguyên tắc cây trồng chuyển đổi phải có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. 

Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cùng với mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản đã đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp ở các huyện, TP trên địa bàn tỉnh. Nói chung mỗi huyện tuỳ theo điều kiện từng nơi mà nông dân có hướng sản xuất riêng, điển hình như huyện Bến Cầu có mô hình trồng bắp giống trên nền đất lúa, trồng thuốc lá…

Đến tham quan mô hình trồng dừa kết hợp với chăn nuôi của ông Trương Văn Tuấn ngụ ấp Thanh Trung xã Thanh Điền huyện Châu Thành, cho chúng tôi cảm giác rất ấn tượng với cách thiết kế vườn một cách bài bản, từ khâu lên luống trồng dừa đến cách thiết kế chuồng nuôi một cách khoa học, hợp lý.

Được kế thừa diện tích 3ha đất của cha mẹ cho ( trong đó có khoảng 1,5 ha vườn soài và 1,5 ha đất trồng lúa 2 vụ), từ năm 2010 ông đã mạnh dạn cải tạo đất chuyển đổi từ vườn soài và đất lúa không hiệu quả sang vườn dừa kết hợp nuôi vịt, cút, gà và tận dụng mương nước nuôi cá.  

Ông cho biết, những năm trước đây trồng lúa năm nào cũng lỗ, mỗi năm chỉ làm được vụ mùa, đến mùa nước nổi là ruộng phải bỏ hoang. Chán nản vì làm đâu thua đó, có lúc ông bỏ nhà xuống Thành Phố định kiếm nghề khác làm, nhưng được anh em trong gia đình động viên cho mượn vốn. Có được số vốn kha khá ông tìm tòi học hỏi cách nào cải tạo lại mảnh đất ông bà để lại, ông xuống tận Bến Tre tìm tòi học hỏi và mua được giống dừa xiêm lùn. Về ông thuê xe múc đến phá bỏ vườn tạp cải tạo lên luống trồng dừa, do chưa nắm được kỹ thuật trồng cũng như cách xử lý đất nên dừa trồng xuống chết dần, sau này ông mới biết được dừa chết là do đất mới cải tạo còn nhiễm phèn nặng cây dừa không chịu được nên chết dần.

Đến nay, vườn dừa đã xanh tốt, những cây lớn đã bắt đầu có lưỡi mèo, điều đó hứa hẹn trong năm tới sẽ cho gia đình nguồn thu đáng kể. Ngoài dừa, trong vườn ông còn thả thêm 1.500 con vịt siêu thịt Super M2, một trại cút 5.000con cút đẻ, và khoảng 3.000 con cá thát lát cườm dưới mương nước.

Ông Tuấn phấn khởi cho chúng tôi biết, ông chuẩn bị cho xuất bán lứa vịt này với giá hiện tại là trên 40.000đ/kg sẽ cho ông khoảng lời khá. Còn trại cút bắt đầu cho trứng ổn định, với giá trứng cút trên thị trường hiện nay cũng khá cao nên cho thu nhập từ trứng cút cũng đáng kể. 

Trong sự phấn khởi đó, ông cũng có những trăn trở, những khó khăn trong quá trình sản xuất như: giá cả thị trường sản phẩm chăn nuôi còn bấp bênh, lứa thì lời lứa thì lỗ, tình hình dịch bệnh cũng xãy ra thường xuyên. Nhất là với loại hình kinh tế trang trại như ông cái khó mà trại nào cũng vướn không riêng gì ông, đó là nguồn vốn đầu tư, ông cho biết để trang trại tạm gọi là đã thành hình như ngày hôm nay không biết ông đã bỏ ra hết bao nhiêu tiền đầu tư, mà thu hoạch thì chưa đáng kể. Nguồn thu từ chăn nuôi chỉ đủ để đầu tư phân bón chăm sóc cây dừa, chỉ là để lấy ngắn nuôi dài.

Qua những trăn trở trên của ông Trương Văn Tuấn, đã đặt ra cho chúng tôi những người chuyển giao TBKHKT một số vấn đề cần giải quyết. Để việc chuyển đổi thực hiện được tốt, theo đúng lộ trình, kế hoạch, quy hoạch của tỉnh, đề xuất tỉnh hỗ trợ các địa phương kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng cho vùng chuyển đổi để việc triển khai sản xuất được thuận lợi và hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ giống, phân bón, cơ giới hóa đối với vùng chuyển đổi sản xuất thành vùng tập trung theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vay vốn để doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm; cung ứng giống, phân bón, vật tư cho nông dân theo hình thức trả chậm, tạo điều kiện cho nông dân mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất.

Thông qua việc đẩy mạnh khuyến nông trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng những mô hình chuyển đổi phù hợp làm điểm trình diễn để tạo động lực cho nông dân các vùng đất nhiễm phèn, canh tác khó khăn khắc phục các hạn chế,  cởi bỏ những rào cản trong nông nghiệp, tích cực phá thế độc canh bằng việc đưa thêm nhiều cây trồng, vật nuôi ngoài cây lúa và con heo, con gà truyền thống vào canh tác, hiệu quả sinh lợi được tăng cao, nông nghiệp – nông thôn khởi sắc mạnh mẽ.

Tuy nhiên công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít những khó khăn, ảnh hưởng đến điều kiện phát triển kinh tế của người dân, phần lớn là do thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản còn nhỏ lẻ, giá cả bấp bên, không ổn định, số lao động nông nghiệp chuyển sang các nghề khác có thu nhập cao ngày càng tăng... Các cấp các ngành chức năng tỉnh cần nghiên cứu để đưa ra những giải pháp khả thi nhằm củng cố, phát triển, tạo bước đột phá đối với ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đặc biệt là nghề nông, tạo điều kiện qui hoạch tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.

Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở tỉnh ta đang có những hướng đi tích cực, giúp nông dân làm giàu từ sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

 

 


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây