Ngày 09/8/2018, trên Báo Thanh niên online, tác giả Giang Phương có bài viết "Cá Hải tượng 'lạc' xuống sông Vàm Cỏ Đông, ngư dân vật lộn với cá 'khủng'". Theo thông tin từ bài viết, đây là con cá do anh Huỳnh Văn Nam (ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu) bắt được trong quá trình khai thác thủy sản trên sông Vàm Cỏ Đông; và theo như anh Nam cung cấp đây là lần đầu tiên anh đánh bắt được trên sông Vàm Cỏ Đông.
(Ảnh minh họa: cá Hải tuợng tại nhà anh Nam
Nguồn: tác giả Giang Phương, Báo Thanh niên online)
Trước đó, ngày 05/6/2015 cũng trên Báo Thanh niên online, tác giả Dương Phan cũng có bài viết "Lạ kỳ 'quái vật' Sông Amazon sinh sản ở Tây Ninh" nói về đàn cá Hải tượng của gia đình ông Ngô Văn Phước ở ấp Lộc Vĩnh, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng sinh sản trong môi trường nuôi trong ao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm nắm bắt thông tin về cá Hải tượng và được Tổng cục Thủy sản trả lời ý kiến tại Công văn số 1915/TCTS-NNTS ngày 21/7/2015 về việc thông tin khoa học về cá sấu hỏa tiễn và cá hải tượng.
Theo đó, cá Hải tượng hay còn gọi là cá Hải tượng long có tên khoa học là Arapaima gigas là một loài cá nước ngọt sống ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ; có kích thước lớn (có thể đạt đến độ dài hơn 02 m); có trọng lượng lên đến 100 kg (trọng lượng tối đa phát hiện là 200 kg).
Đây là loài thủy sinh vật ngoại lai, chưa có nghiên cứu khoa học hay tài liệu khoa học về đặc tính sinh sản, sinh trưởng, tập tính bắt mồi, nguồn thức ăn cũng như khả năng ảnh hưởng của cá Hải tượng đến hệ sinh thái.
(Ảnh minh họa: cá Hải tượng sinh sản tại nhà ông Ngô Văn Phước
Nguồn: tác giả Dương Phan - Báo Thanh niên online)
Theo Quyết định số 57/2008/Q Đ-BNN ngày 02/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành Danh mục giống thuỷ sản được phép sản xuất, kinh doanh thì cá Hải tượng là loài cá không nằm trong danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại thì cá Hải tượng không nằm trong danh mục loài ngoại lai xâm hại.
Theo Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO, 2010) Hải tượng có khả năng sinh sản thấp; Hải tượng cái thể trọng 60 kg chỉ có 1.000 - 5.000 trứng, đường kính trứng cá Hải tượng vào khoảng 2,5 - 3mm. Cá thường đẻ vào mùa mưa, trứng được đặt trong tổ trong rộng 50cm, sâu 15cm, cả cá đực và cá bảo vệ trứng trong thời gian ít nhất là 1 tháng cho đến khi cá nở. Hiện nay ở Brazil và Pê-ru đã có sản xuất giống thương mại, cá bố mẹ được nuôi trong ao đất.
Để bảo vệ đa dạng sinh học, ngăn chặn sự xâm nhập và phát tán của loài cá Hải tượng, tuân thủ các quy định của pháp luật tại Quyết định số 57/2008/Q Đ-BNN ngày 02/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư 53/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định quản lý các loài thuỷ sinh vật ngoại lai tại Việt Nam; người dân cần:
1. Không sản xuất, kinh doanh cá Hải tượng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
2. Đăng ký lưu giữ các loài thủy sinh vật ngoại lai với cơ quan quản lý chuyên ngành về thủy sản.
3. Chủ sở hữu phải thông báo và giao lại thủy sinh vật ngoại lai do mình sở hữu cho cơ quan quản lý chuyên ngành về thủy sản ở địa phương khi không còn nhu cầu sở hữu.
4. Nghiêm cấm chủ sở hữu tự ý phóng sinh thủy sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại ra môi trường tự nhiên, khu bảo tồn và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi này.
Phòng Chăn nuôi.
Ý kiến bạn đọc