Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Dương Minh Châu

Thứ năm - 07/06/2018 15:00 414 0

Hiện nay, tình hình an toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nó không chỉ diễn ra ở các nước đang phát triển, kém phát triển mà còn ở cả những nước phát triển. Thực phẩm là một trong những nhu cầu cần thiết cho sự tồn tại của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì những mục đích lợi nhuận cho mình mà các nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm sử dụng những biện pháp sản xuất, kinh doanh nhằm hạ giá thành cho ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho người tiêu dùng. Với thực trạng về nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng cao của con người hiện nay thì vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được xã hội hết sức quan tâm.

Sử dụng các loại thực phẩm không an toàn, người tiêu dùng đã phải trả giá quá đắt bằng chính sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của mình do bị ngộ độc thực phẩm và là mầm móng gây ra căn bệnh ung thư quái ác đang ngày một tích tụ và chờ bộc phát. Nhưng có không ít người tiêu dùng không quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi mua các thực phẩm thiết yếu tiêu dùng hàng ngày.

Bên cạnh đó, một số ít nhà chăn nuôi vì kém sự hiểu biết hoặc vì lợi ích cá nhân mà sử dụng những loại thức ăn tăng trọng không rõ nguồn gốc để kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi cho ra các thực phẩm từ gia súc, gia cầm không an toàn cho người tiêu dùng.

Trước đây, hầu hết các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Về điều kiện vệ sinh tại cơ sở chưa được đảm bảo. Đặc biệt, nguồn nước thải trực tiếp xả ra môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt tại các hộ xung quanh. Tình trạng này không chỉ gây mất vệ sinh, mà còn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Có thể thấy rằng, công tác quản lý đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên để ngành chăn nuôi có thể phát triển bền vững, quản lý tốt an toàn thực phẩm thì cần phải thực hiện việc tổ chức giết mổ tập trung. Nếu thực hiện tốt, có thể kiểm soát được gia súc, gia cầm giết mổ, tiêu thụ, từ đó phát hiện sớm và kiểm soát được dịch bệnh hạn chế nguồn bệnh lây lan trên diện rộng; đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường sống ở khu dân cư…

Vì vậy, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng cần phải xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung theo đúng tiêu chuẩn, có nhân viên thú y thực hiện việc kiểm soát từ khâu tiếp nhận đến quá trình giết mổ, đóng dấu kiểm soát, xuất thịt đi các chợ... là điều hết sức cần thiết.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra hiện tượng bơm nước, bơm hóa chất vào gia súc, gia cầm trong quá trình giết mổ, nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để loại bỏ các cơ sở kinh doanh, giết mổ gia súc gia cầm không đảm bảo về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để công tác kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm đạt hiệu quả cao, rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương. Thiết nghĩ, cần phải kêu gọi các các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở giết mổ để đảm bảo về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như đảm bảo về khoảng cách với khu dân cư, đảm bảo về điều kiện vệ sinh môi trường xung quanh; đồng thời vận động các cơ sở nhỏ lẻ không đảm bảo về điều kiện vệ sinh, không đảm bảo về địa điểm quy gom về cơ sở giết mổ tập trung.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ vi phạm; có những chính sách ưu đãi về vốn, đất đai và hỗ trợ đầu tư hạ tầng như điện, đường… cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giết mổ, chế biến thực phẩm; đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi liên kết từ người chăn nuôi (xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác) doanh nghiệp và người tiêu dùng…

Thực hiện Quyết định số 1867/QĐ-UBND ngày 28/9/2012 của UBND tỉnh Tây Ninh về phê duyệt dự án "Quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012-2020"; Công văn số 265/CCTY ngày 22/5/2014 của Chi cục Thú y về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở, điểm giết mổ gia súc gia cầm. Trạm Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các Ban ngành liên quan có kế hoạch kiểm tra đề nghị nâng cấp, di dời các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Phối hợp với Ngành môi trường hướng dẫn sửa chữa nâng cấp cơ sở giết mổ, xây dựng hệ thống xử lý nước thải và lập dự án đánh giá tác động môi trường các cơ sở giết mổ.

Trước năm 2012: Toàn huyện có 10 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đã xuống cấp, không được đảm bảo về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không đảm bảo về khoảng cách với khu dân cư.

Đến nay, các sơ sở giết mổ nhỏ lẻ được tập trung lại còn 8 cơ sở giết mổ, đạt tiêu chuẩn theo quy định và các cơ sở giết mổ này đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, có nhân viên Thú y thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ hàng ngày để nâng cao chất lượng thực phẩm nhằm mang lại những sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng./.

Cơ sở giết mổ trước khi sửa chữa



Cơ sở giết mổ sau khi sửa chữa


Trạm Chăn nuôi và Thú y Dương Minh Châu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây