Sáng ngày 10.8.2018 Trạm Chăn nuôi và Thú Y huyện Châu Thành tổ chức Hội thảo giới thiệu Bê lai bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo – hiệu quả từ Dự án khuyến nông phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn huyện Châu Thành. Tham dự buổi hội thảo có Lãnh đạo Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cùng hơn 30 nông dân chăn nuôi của các xã trên địa bàn huyện Châu Thành đến dự.
Hình 1: Ông Nguyễn Nam Hùng, Trưởng Trạm chăn nuôi và Thú Y huyện Châu Thành Báo cáo tóm tắt kết quả triển khai Dự án
Tại buổi hội thảo ông Nguyễn Nam Hùng cho biết từ khi triển khai Đề án đến nay Trạm Chăn nuôi và Thú Y huyện Châu Thành đã thực hiện gieo tinh nhân tạo cho 160 con bò cái trên địa bàn huyện, trong đó có 25 bê con đã được sinh ra.
Bên cạnh đó nông dân đã được cán bộ của Trạm Chăn nuôi và Thú Y huyện Châu Thành giới thiệu những ưu, khuyết điểm của gieo tinh nhân tạo so với phối giống trực tiếp, ngoài ra các nông dân còn được giới thiệu về đặc điểm, ngoại hình, các thông số kỹ thuật của bê lai đầu tiên này và giải đáp những vướng mắc mà bà con còn e ngại chưa dám mạnh dạn áp dụng phương pháp gieo tinh nhân tạo mà Trạm đang triển khai hiện nay.
Hình2: Khách mời và Bà con tham dự Hội thảo
Một số ưu điểm của Gieo tinh nhân tạo như:
♦ Tạo ra bê lai chất lượng tốt, tăng hiệu quả kinh tế cho bà con chăn nuôi;
♦ Tinh của bò đực có chất lượng giống rất tốt do được tuyển chọn kỹ.
♦ Giảm chi phí nuôi đực giống, chi phí vận chuyển bò đực giống đến nơi phối giống.
♦ Khắc phục được sự chênh lệch tầm vóc cơ thể khi phối giống trực tiếp (thường bò đực giống chuyên thịt thường trọng lượng 600-1.400kg, trong khi bò cái chỉ vào khoảng 250-300kg).
♦ Sử dụng tinh từ đực giống đã được kiểm tra về khả năng thụ thai, năng suất thịt sẽ tránh được những rủi ro và chắc chắn con lai có năng suất thịt cao, nghĩa là, áp dụng kỹ thuật gieo tinh nhân tạo là cơ hội để có được đời con tốt thông qua khai thác tối đa tiềm năng di truyền của những đực giống tốt nhất đã được chọn lọc.
♦ Tránh được những bệnh lây lan qua đường sinh dục.
♦ Thuận lợi cho việc quản lý giống (tránh đồng huyết …).
♦ Tinh của bò đực giống tốt có thể được cất giữ sau 30 năm và trong thời gian ấy có thể truyền giống cho bò cái ở bất cứ nơi nào, bất cứ khi nào ta muốn.
Hình 3: Ông Nguyễn Công Binh - Giới thiệu những ưu, khuyết điểm của Phương pháp gieo tinh nhân tạo so với phối giống trực tiếp
Tại buổi hội thảo, anh Nguyễn Hữu Quân (ngụ ấp Tầm Long, xã Trí Bình) là 1 trong những hộ đã thực hiện gieo tinh nhân tạo (giống bò Brahman), chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trước và sau khi áp dụng phương pháp lai tạo giống bò của mình, hiện nay bê con của anh đã được 2 tháng tuổi, trong lượng 86 kg, sống khỏe mạnh, tăng bình quân 1,07kg/ngày, anh Quân rất hài lòng về phương pháp gieo tinh nhân tạo mà Trạm Thú y huyện đang triển khai vì mang lại hiệu quả cao; anh Quân cho biết thêm, hướng sắp tới anh sẽ áp dụng toàn bộ phương pháp gieo nhân tạo trên đàn bò của mình.
Hình 4: Bò mẹ và Bê lai giống Brahman (57 ngày tuổi) được sinh ra bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo
Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt được triển khai từ nay đến năm 2020 theo Quyết định số 1267/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2017 của UBND tỉnh Tây Ninh, theo đó nông dân muốn thực hiện gieo tinh nhân tạo giống bò chuyên thịt như (Red Angus; Brahman; Red Sindhi; BBB; Droughtmaster…) cho bò của mình sẽ không phải tốn bất cứ chi phí nào, toàn bộ chi phí do nhà nước hỗ trợ. Người chăn nuôi bò muốn tham gia xin liên hệ với Trạm Chăn nuôi và Thú y trên địa bàn huyện/thành phố mình để được hướng dẫn./.
Trạm Chăn nuôi và Thú y Châu Thành
Ý kiến bạn đọc