Hiện nay, ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn và thách thức khi đối mặt với sản phẩm chăn nuôi giá rẻ nhập khẩu trong quá trình hội nhập quốc tế. Để ngành chăn nuôi có thể cạnh tranh bằng cách xuất khẩu ngược ra thế giới thì việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh là giải pháp phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 440/QĐ-BNN-TY ngày 03/4/2015 về việc phê duyệt Đề án "Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh". UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 11/01/2016 về việc Phê duyệt Kế hoạch thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà hướng tới xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020.
Ngày 03 tháng 5 năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh đã ký Hợp đồng về việc thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu" trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Nội dung cụ thể như sau: số cơ sở chăn nuôi tham gia hưởng lợi từ dự án là 10 cơ sở, số vật nuôi được hỗ trợ tham gia mô hình là 18.000 con gà, số cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh là 06 cơ sở... các hộ nông dân sẽ được hỗ trợ một phần vắc xin, thuốc sát trùng, thuốc tẩy ký sinh trùng, tập huấn 2 lớp: trong đó lớp 1 về quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học; quy trình phòng bệnh và vệ sinh thú y trong chăn nuôi gia cầm; hướng dẫn thành lập nhóm liên kết trong chăn nuôi gia cầm, liên kết trong việc mua nguyên liệu đầu vào và bán sản phẩm đầu ra; lớp 2: trình tự đăng ký và hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và newcastle; đề án thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, các văn bản liên qan đến xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Dự kiến đến cuối năm 2018, trong 10 hộ tham gia dự án, tỷ lệ vật nuôi được tiêm phòng 100%, đảm bảo tỷ lệ bảo hộ trên 70%, tối thiểu có 8 hộ được công nhận an toàn dịch bệnh.
Hình: Các hộ dân tham gia đăng ký tham gia Dự án Khuyến nông
Đến tháng 7/2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức triển khai thực hiện đạt được một số kết quả như sau:
- Tiến hành khảo sát, chọn địa điểm trình diễn và chọn hộ tham gia dự án.
- Tổ chức họp các hộ tham gia mô hình để thống nhất phương thức thực hiện.
- Tổ chức lớp tập huấn về các nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học.
- Tiến hành các thủ tục mua sắm và cấp phát vật tư bao gồm thuốc sát trùng, vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm và Newcastle cho 05 hộ chăn nuôi tham gia mô hình.
- Phối hợp hộ chăn nuôi xây dựng Cơ sở An toàn dịch bệnh.
Qua mô hình này bà con nông dân sẽ nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi gà ATDB, để từ đó nhân rộng mô hình chăn nuôi gia cầm, phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đồng thời qua đó tuyên truyền, nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn đến các cơ sở chăn nuôi khác tại địa phương để góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
Để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh tại huyện Tân Châu thành công thì vai trò, trách nhiệm của hộ chăn nuôi hết sức quan trọng. Đây chính là các chủ thể trực tiếp tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Hộ chăn nuôi phải tuân thủ thực hiện hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thú y trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Dự án triển khai thành công là mô hình để người chăn nuôi gia cầm trong tỉnh tham quan, học tập.
Hình: Phát pano tuyên truyền dự án cho hộ dân trong mô hình
Phòng Dịch tễ Thú y - CCCNTY
Ý kiến bạn đọc