Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp

Thứ năm - 26/07/2018 21:00 92 0

Việt Nam là một nước nông nghiệp. Tuy vậy, nông nghiệp là lĩnh vực luôn có độ rủi ro thiên tai, dịch bệnh cao nhất là sản xuất nông nghiệp trong điều kiện manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, người nông dân cần một sự bảo đảm cho thành quả và công sức lao động của mình và bảo hiểm nông nghiệp chính là giải pháp chuẩn xác nhất, giúp người nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp, đưa ngành nông nghiệp ngày càng tiệm cận hơn với sản xuất hàng hóa.

Nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất; ngày 18/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 6 năm 2018.

Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ là cây trồng: Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau; Vật nuôi: Trâu, bò, lợn, gia cầm; Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.

Mức hỗ trợ: Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp; Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp; Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường: Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ và công bố của UBND cấp tỉnh về địa bàn được hỗ trợ theo quy định tại khoản 2, Điều 21 của Nghị định này, tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp lập hồ sơ đề nghị phê duyệt đối tượng được hỗ trợ và gửi đến UBND cấp xã nơi tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất nông nghiệp để được xem xét, phê duyệt.

Thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp được quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo khoản 1, Điều 22 của Nghị định này trong từng thời kỳ.

Theo Nghị định, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo quy định. Tổ chức thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định này. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn phối hợp thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định. Tổ chức thực hiện phê duyệt đối tượng được hỗ trợ theo quy định. Căn cứ dự toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và thực hiện cấp kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định. Chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức thực hiện công tác kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm theo quy định.

Việc thực hiện chính sách về bảo hiểm nông nghiệp sẽ góp phần đưa loại hình bảo hiểm nông nghiệp đến gần với người nông dân hơn./.

Phòng Thú y Cộng đồng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây