Tình hình chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong năm 2017 và định hướng công tác quản lý đảm bảo nuôi heo an toàn cung cấp thịt heo an toàn cho thị trường trong năm 2018

Thứ tư - 29/08/2018 18:00 135 0

I. GIỚI THIỆU

Chăn nuôi heo là nghề truyền thống lâu đời của người dân Tây Ninh. Trên địa bàn tỉnh tổng đàn heo có 171.828 con, tập trung nhiều nhất ở huyện Trảng Bàng và Dương Minh Châu, ít nhất ở TP.Tây Ninh và Hòa Thành.

Trên địa bàn tỉnh, mô hình chăn nuôi heo trang trại quy mô từ vài trăm con đến 10.000 con/trại có 86 trang trại (trong đó 63 trại gia công, 22 trại tư nhân và 01 trại nhà nước), chiếm 50% trên tổng đàn. Những trang trại tập trung này đa số được thiết kế trại lạnh khép kín, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh thú y và môi trường, dễ kiểm soát chất lượng sản phẩm, có khối lượng hàng hóa lớn, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Những khó khăn, trở ngại đối với phát triển chăn nuôi heo của tỉnh:

- Giá heo hơi thấp dưới giá thành kèo dài trong nhiều năm gần đây.

- Chất lượng giống heo chưa cao (năng suất thấp, chất lượng thịt …) đặc biệt là trong khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ.

- Giá thức ăn cao.

- Nguy cơ dịch bệnh thường trực, đặc biệt là đối với đàn heo ở nhóm chăn nuôi nhỏ lẻ.

Bên cạnh khó khăn, ngành chăn nuôi heo của tỉnh có một số thuận lợi nhất định:

- Tập quán sử dụng thịt tươi của người tiêu dùng Việt Nam chính là "lá chắn" rất quan trọng hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước tồn tại thời gian vừa qua.

- Có vị trí địa lý gần 02 thị trường tiêu thụ lớn là TP.Hồ Chí Minh và nước bạn Cam-Pu-Chia.

- Có quỹ đất khá rộng cho phép hình thành các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn với cự ly vận chuyển vật tư - sản phẩm chăn nuôi ở mức tối ưu. Đây là cơ hội tốt để tỉnh Tây Ninh mời gọi đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển ngành chăn nuôi sản xuất hàng hóa lớn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hình thành và phát triển các vùng trang trại chăn nuôi tập trung.

II. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI HEO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH TRONG NĂM 2017

1. Tổng đàn chăn nuôi heo trên địa bàn

Tổng đàn chăn nuôi heo năm 2017 gồm heo thịt là 154.994 con; heo nái là 16.638 con; heo đực giống là 207 con. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở Dương Minh Châu với 47.150 con; Trảng Bàng với 38.317 con; Châu Thành với 19.096 con, thấp nhất là Thành Phố với 5.824 con, Hòa Thành với 5.324 con.

Chăn nuôi vẫn tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại, tập trung, đảm bảo an toàn sinh học. Hiện nay số trang trại trên địa bàn tỉnh là 106 trang trại heo với tỷ lệ số lượng nuôi heo theo hình thức trang trại, gia trại là 68,92% (tăng 13,5% so với năm 2016). Trong đó, từ đầu năm đến nay đã cấp giấy chứng nhận VietGAHP cho 12 cơ sở chăn nuôi heo.

2. Phương thức chăn nuôi

Đối với chăn nuôi heo hình thức trang trại, áp dụng công nghiệp, tự động hóa, trang bị hệ thống điều hòa nhiệt độ, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi. Đối với chăn nuôi nhỏ lẻ, bán công nghiệp người chăn nuôi không đầu tư nhiều về các trang thiết bị, ít quan tâm đến xử lý chất thải, nguy cơ dịch bệnh cao.

3. Công tác phòng chống dịch bệnh

- Tiêm phòng

Trong năm 2017, Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai tiêm phòng thuộc chương trình phòng chống dịch bệnh động vật gồm:

+ Vắc xin Dịch tả heo tiêm được 64.281 liều, đạt 100%KH.

+ Vắc xin Tai xanh heo tiêm được 15.060 liều, đạt 100,4%KH

Ngoài ra tiêm phòng xã hội hóa: Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo các Trạm tổ chức thực hiện tiêm phòng bổ sung và khuyến cáo, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tự tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi. Kết quả, trong năm 2017, mạng lưới thú y cơ sở và các hộ chăn nuôi đã sử dụng 1.228.473 liều vắc xin các loại để phòng bệnh cho gia súc, gia cầm theo lứa tuổi.

- Tỷ lệ tiêu độc khử trùng

Nhằm cắt đứt đường truyền lây của mầm bệnh, hạn chế dịch bệnh xảy ra, năm 2017, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức thực hiện 03 đợt vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm với tổng số thuốc sát trùng đã được sử dụng là 3.040 lít Benkocide và tổng số diện tích tiêu độc khử trùng là 6.142.000 m2 bao gồm các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chợ buôn bán gia cầm sống ở nông thôn, đạt 100% so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thành phố thực hiện công tác giám sát vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, phương tiện vận chuyển, cơ sở ấp trứng, điểm bán trứng và sản phẩm gia súc, gia cầm, bến bãi.

Năm vừa qua, tình hình dịch bệnh không bùng phát mạnh thành dịch nhưng cũng phát sinh một số trường hợp heo bệnh do không tiêm phòng đầy đủ, thời tiết thay đổi thất thường dẫn đến sức khỏe đàn heo kém, dễ bệnh.

4. Công tác giống

Tình hình sử dụng heo lai 3-4 máu đang được người chăn nuôi ưa chuộng, nhu cầu phát triển cao. Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có trại giống đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước. Giống heo được người chăn nuôi mua từ các hộ nuôi heo nhỏ lẻ, chưa được đăng ký giấy phép.

Đối với những trại chưa đủ điều kiện kinh doanh giống heo mà vẫn đưa giống ra thị trường thì chất lượng đàn heo con không được đảm bảo chất lượng.

Trong năm 2017, Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai thực hiện quản lý heo, bò đực giống thí điểm trên 05 huyện: Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu đối với heo đực phối giống trực tiếp. Kết quả thực hiện, đã bình tuyển 37/47 con đạt chất lượng làm giống, 10 con đề nghị loại thải không sử dụng làm giống.

5. Công tác tổ chức sản xuất chăn nuôi

Đối với hình thức nuôi gia công: Một số cơ sở chăn nuôi ký kết hợp đồng gia công với các công ty chăn nuôi (CP, Emivest, CJVina) với hình thức như sau: các cơ sở chăn nuôi đầu tư ban đầu: chuồng trại, nhân công…các công ty CP, Emivest, CJVina sẽ đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Sau đó các công ty này sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá gia công đã ký kết trong hợp đồng. Riêng Công ty CP còn chế biến gia súc, gia cầm ra các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng như xúc xích, chả giò, thịt đông lạnh,….

Chuỗi liên kết trong chăn nuôi heo: Tỉnh Tây Ninh đã và đang thực hiện một số chuỗi liên kết trong chăn nuôi theo mô hình liên kết ngang đối với một số loài gia súc, gia cầm như: heo, bò thịt, bò sữa, gà, cá, rắn… Các tổ hợp tác và hợp tác xã được hình thành tại 9 huyện, thành phố và đã có một số tổ hợp tác kinh doanh đạt lợi nhuận, bên cạnh đó cũng có một số tổ hợp tác còn yếu chưa đem lại kinh tế cho người chăn nuôi.

III. ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẢM BẢO CHĂN NUÔI HEO AN TOÀN, CUNG CẤP THỊT HEO AN TOÀN CHO THỊ TRƯỜNG TRONG NĂM 2018

1. Tổng đàn chăn nuôi heo trên địa bàn

Chăn nuôi vẫn tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại, tập trung, đảm bảo an toàn sinh học.

2. Phương thức chăn nuôi

Tiếp tục khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, tự động hóa, trang bị hệ thống điều hòa nhiệt độ, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi. Đối với chăn nuôi nhỏ lẻ, bán công nghiệp và chăn nuôi thủ công tiếp tục hạn chế phát triển hoặc khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ liên kết ngang.

3. Công tác phòng chống dịch bệnh

- Tiêm phòng

Năm 2018 thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai thực hiện tiêm phòng trên heo đối với bệnh tai xanh với 8.600 liều. Thời gian tiêm phòng vào tháng 7- 10/2018.

Tiêm phòng xã hội hóa: Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục chỉ đạo các Trạm tổ chức thực hiện tiêm phòng bổ sung và khuyến cáo, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tự tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi.

- Tỷ lệ tiêu độc khử trùng

Số đợt tiêu độc khử trùng thực hiện năm 2018 thực hiện 03 đợt, với tổng số thuốc sát trùng là: 5.000 lít. Thời gian thực hiện tùy vào điều kiện dịch tễ thực tế khi có nguy cơ cao về dịch bệnh.

4. Công tác giống

Triển khai thực hiện các dự án khuyến nông hỗ trợ nâng cao chất lượng giống (hỗ trợ tinh, hỗ trợ mua heo giống…).

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống vật nuôi để đảm bảo chất lượng giống lưu hành trên thị trường của tỉnh và đảm bảo yêu cầu các chương trình, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Khuyến cáo sử dụng heo nái lai 2 máu YL (Yorkshire, Landrace) hoặc LY; Đối với heo đực giống và tinh heo thuần gồm các loại: Duroc, Pietrain; Heo đực lai: PD (Pietrain, Duroc), PD25, PD50, PD75, hoặc thuần Duroc, thuần Pietrain. Để khi phối hợp các heo nái và tinh hoặc heo đực này sẽ cho ra tổ hợp lai 3 hoặc 4 máu.

5. Công tác tổ chức sản xuất chăn nuôi

Đối với hình thức nuôi gia công: Tiếp tục phát huy mô hình hợp đồng chăn nuôi gia công với các công ty lớn trên địa bàn tỉnh như công ty CP, Emivest, CJVina. Công ty đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là tiêu toàn bộ sản phẩm.

Tổ chức các mô hình liên kết: Phát huy mô hình liên kết ngang trong cộng đồng hộ chăn nuôi các loài gia súc, gia cầm dưới hình thức, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết để tạo sức mạnh tập thể nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng lực cung ứng sản phẩm đúng chủng loại, đúng thời hạn … như tổ hợp tác chăn nuôi gà thịt ở huyện Châu Thành mang lợi thu nhập ổn định cho các thành viên.

Tiếp tục thực hiện theo Quyết định 1268/QĐ-UBND phê duyệt đề án Phát triển chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng VietGAHP đến năm 2020.

Khuyến khích, hỗ trợ áp dụng thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP để đảm bảo sản phẩm an toàn khi cung cấp thực phẩm ra thị trường.

Hỗ trợ tinh heo cho các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh để cải thiện chất lượng đàn heo, giúp tăng sản lượng thịt cũng như hạn chế bệnh tật.

Tiếp tục thực hiện đánh giá, bình tuyển heo đực giống nhằm đảm bảo chất lượng con giống trước khi cung ứng cho người chăn nuôi. Qua công tác bình tuyển, thực hiện chính sách được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND thì những hộ kinh doanh tinh heo hoặc hộ chăn nuôi heo đực để phối giống trực tiếp khi loại thải heo đực thì được hỗ trợ 50% giá trị heo đực giống khi mua mới, tối đa 5.000.000 đồng/con đối với 20 xã biên giới.

IV. KẾT LUẬN

Dự đoán tình hình chăn nuôi heo trong năm 2018, người chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tổng đàn heo chưa giảm nhiều, giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn cao do lệ thuộc vào thị trường nhập khẩu, giá bán heo hơi các nước trong khu vực vẫn còn thấp, đặc biệt là thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm.

Tuy nhiên để tiến tới nền nông nghiệp bền vững thì cần phải phát triển chăn nuôi gắn liền với xử lý môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi heo và đảm bảo an toàn thực phầm, bảo vệ sức khỏe người chăn nuôi và người tiêu dùng; góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi trong nông nghiệp; hình thành mới liên kết trong chăn nuôi heo./.

Phòng Chăn nuôi

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây