Tác hại của việc sử dụng lưới dớn trong khai thác thủy sản

Thứ tư - 22/08/2018 15:00 298 0

Ngày 14/7/2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, phát hiện và xử lý các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh.  

Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh và đạt được kết quả khả quan.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng sử dụng lưới dớn trong khai thác thủy sản vẫn còn diễn biến phức tạp, xuất hiện ở nhiều thủy vực khác nhau như: khu vực nội đồng mùa nước lũ; ven sông Vàm Cỏ Đông và các kênh, rạch trong lưu vực sông; trong các khu vực bán ngập của hồ Dầu Tiếng.

Lưới dớn được dùng để đánh bắt các loài thủy sản ở vùng nước có độ sâu nhỏ; có cấu tạo gồm: lưới dẫn chặn đường di chuyển của cá, lưới cánh lắp ở hai bên cửa dớn tạo thành một góc xiên để hướng cá đi vào cửa dớn; cửa hom dẫn cá vào trong dớn không cho cá quay trở ra; lưới chuồng là nơi nhốt cá sau khi đã vào dớn.  

       

(Ảnh minh họa: Sử dụng lưới dớn khu vực nội đồng)

Lưới dớn trong khai thác thủy sản ở tỉnh Tây Ninh đa số là dùng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ, chiều dài lưới dẫn từ 10 m đến 30 m hoặc tổ hợp nhiều  bộ lưới dớn có độ dài hàng trăm m và có nhiều miệng dớn gom cá; đánh bắt theo kiểu tận thu, loài thủy sản nào dù là nhỏ nhất cũng khó có thể thoát ra ngoài khi đã lọt vào miệng dớn. 

Phương thức khai thác thủy sản bằng lưới dớn là phương thức khai thác ngăn cản đường di cư sinh sản, sinh trưởng của cá, tận thu tất cả các loài thủy sản trong khu vực đăng chắn; làm suy giảm, mất khả năng phục hồi nguồn lợi thủy sản tự nhiên, mất đa dạng sinh học; vi phạm các quy định trong bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và khai thác thủy sản. 

Hành vi sử dụng lưới dớn để khai thác thủy sản bị xử lý theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 14,Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, dao động từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đặt biệt là Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 14/7/2015 của UBND tỉnh; người dân tham gia khai thác thủy sản không được sử dụng các loại ngư cụ cấm (trong đó có lưới dớn) nhằm góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh nhà, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường và sinh kế lâu dài của gia đình và xã hội./. 

Phòng Chăn nuôi Thủy sản

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây