Trong những năm gần đây, công tác gieo tinh nhân tạo cho đàn gia súc (trâu, bò, heo) đã được người chăn nuôi ứng dụng ngày càng nhiều, vì nó mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người chăn nuôi trong việc cải tạo đàn gia súc, nhất là đối với gia súc lớn.
Để hòa nhập với tình hình phát triển và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi nhất là cải tạo đàn bò giống tại địa phương, UBND Tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 1267/QĐ-UBND ngày 8/6/2017 về việc phê duyệt Đề án phát triển Chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu lai cải tạo đàn bò thịt trong tỉnh đạt năng suất chất lượng cao. Chi cục Chăn nuôi và Thú y và Trạm Chăn nuôi các huyện, thành phố là những đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện đề án trên.
Nhằm đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên có tay nghề trong công tác gieo tinh nhân tạo. Năm 2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh đã kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia súc lớn (đơn vị thuộc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ-Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức khóa đào tạo cho 37 kỹ thuật viên gieo tinh nhân tạo bò từ ngày 07/05/2018 đến ngày 28/05/2018.
(Bê lai Brahman do GTNT tại ấp Trâm Vàng, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu)
Tại lớp tập huấn các học viên đã được cung cấp những thông tin cơ bản về thực trạng và định hướng phát triển chăn nuôi bò thịt ở nước ta. Đồng thời các giảng viên cũng đã trang bị những kiến thức tổng quan về gieo tinh nhân tạo; hoạt động sinh sản ở bò cái; sự động dục ở bò và kỹ thuật phát hiện động dục; cách xác định thời điểm phối giống thích hợp để có tỷ lệ thụ thai cao; kỹ thuật gieo tinh nhân tạo cho bò; kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng bò cái chửa; một số rối loạn sinh sản thường gặp và cách xử lý...
Ngoài học lý thuyết, các học viên được thực hành kỹ thuật gieo tinh nhân tạo trực tiếp trên bò cái. Với những kiến thức thu được trong quá trình trao đổi, học tập, thực hành các học viên đã hiểu thêm nhiều điều để áp dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả trong quá trình thực hiện gieo tinh nhân tạo cho đàn bò địa phương.
Ngoài ra, công tác thụ tinh nhân tạo đã góp phần khắc phục hiện tượng gia súc giao phối đồng huyết và cận huyết dẫn đến suy thoái chất lượng đàn bò của địa phương. Bên cạnh đó, công tác thụ tinh nhân tạo đã phát huy được những ưu điểm vượt trội của ưu thế lai bò giống chuyên thịt như bê sinh ra thể trạng lớn hơn, tăng trưởng nhanh hơn, tỷ lệ thịt xẻ cao hơn so với gia súc sinh ra từ giao phối tự nhiên…
Nhằm tiếp tục cải tạo và nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò, các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai các kế hoạch nhằm hỗ trợ gieo tinh nhân tạo miễn phí cho bò cái của nông hộ cũng như công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, hội thảo, tham quan mô hình), nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò thịt.
Công tác triển khai gieo tinh nhân tạo cho đàn gia súc nói chung và trên đàn bò nói riêng là một chủ trương đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, chương trình gieo tinh nhân tạo cho đàn bò có tác động trực tiếp đến ngành chăn nuôi và là tiền đề quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn của tỉnh./.
Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Gò Dầu
Ý kiến bạn đọc