Hội chứng rối loạn sinh sản hô hấp ở heo (Bệnh tai xanh)

Thứ tư - 21/06/2017 16:00 456 0

Bệnh heo tai xanh còn gọi là hội chứng rối loạn sinh sản hô hấp trên heo (PRRS) là một bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh ở heo, đặc trưng bởi biểu hiện sảy thai ở heo nái mang thai và bệnh trên đường hô hấp ở heo con. Bệnh xảy ra nhiều nơi trên thế giới gây ra những thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi và tổn thất lớn cho nền kinh tế.

Ở Việt Nam, dịch tai xanh nổ ra lần đầu tiên năm 2007 và gây bệnh nặng nề năm 2010 làm thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi nước ta. Riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, năm 2010, dịch đã xuất hiện tại 95/95 xã, phường, thị trấn của 9/9  huyện, thành phố; số heo tiêu hủy do bệnh là 38.777 con. Năm 2011, dịch xảy ra ở 31/95 xã của 6/9 huyện với tổng số heo bị tiêu hủy là 1.853 con. Năm 2013, dịch xảy ra ở xã Cẩm Giang (Gò Dầu) với số heo bị tiêu hủy là 126 con. Từ năm 2014 đến nay, với sự nỗ lực và chủ động trong công tác phòng bệnh, dịch heo tai xanh không xảy ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Vi rút gây bệnh thuộc họ Arteriviridae có 2 type chính là type I gồm các vi rút chủng châu Âu và type II gồm các vi rút chủng Bắc Mỹ; Qua kiểm tra đã xác định vi rút gây bệnh tai xanh trên địa bàn tỉnh là chủng thuộc dòng Bắc Mỹ.

 Vi rút làm sức đề kháng của heo giảm nghiêm trọng nên heo bệnh thường dễ dàng bị nhiễm thứ phát các loại vi khuẩn như: liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, vi khuẩn suyễn. Vì vậy, bà con chăn nuôi cần lưu ý tiêm phòng vắc xin đầy đủ đặc biệt là các bệnh đỏ trên heo như  Dịch tả, Phó thương hàn, Tụ huyết trùng.

 Một số triệu chứng cơ bản:

 - Biểu hiện rối loạn sinh sản như:

      * Sảy thai trên heo nái mang thai ở tuần gần cuối của giai đoạn mang thai (tức là khoảng 105 - 110 ngày mang thai). 

      * Thai chết lưu, làm kéo dài thời gian mang thai lên khoảng 120 ngày. Đẻ ra thai chết khô có màu nâu đặc trưng, hoặc đẻ non, heo con yếu, heo con thở thể bụng. 

      * Tăng tỷ lệ lên giống lại, chậm độc dục trở lại sau khi cai sữa, động dục giả. 

- Biểu hiện hô hấp: Viêm phổi, ho, thở dốc và thở thể bụng như bệnh suyễn.

Để phòng chống dịch tai xanh, người chăn nuôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

1. Quản lý tốt tổng đàn: cần chọn nuôi con giống có nguồn gốc rõ ràng; xây dựng chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, chăm sóc phù hợp, đầy đủ dinh dưỡng.

2. Quản lý tốt môi trường chăn nuôi: nên nuôi cùng vào cùng ra; cách ly heo mới mua trước khi nhập đàn; thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc sát trùng chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi.

3. Tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng quy định.

Khi đã xảy ra dịch, cần phải báo ngay cho cơ quan Thú y để xử lý kịp thời. Theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, việc xử lý heo mắc bệnh Tai xanh như sau:

a) Tiêu hủy ngay heo chết do bệnh.

b) Đối với các ổ dịch nhỏ lẻ mới xảy ra trên địa bàn: Khuyến khích tiêu huỷ heo mắc bệnh để giảm thiểu nguy cơ dịch lây lan rộng, cách ly triệt để heo chưa bị mắc bệnh để theo dõi; khuyến khích giết mổ tiêu thụ tại chỗ đối với heo khỏe mạnh trong cùng đàn với heo mắc bệnh;

c) Đối với trường hợp dịch xảy ra ở diện rộng: Tiêu huỷ số heo mắc bệnh nặng (là những heo có bệnh, đã được chăm sóc tích cực, được hỗ trợ tăng cường sức đề kháng trong vòng 07 ngày nhưng không có khả năng bình phục), nuôi cách ly triệt để heo mắc bệnh nhẹ để theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh; khuyến khích giết mổ tiêu thụ tại chỗ đối với heo khỏe mạnh trong cùng đàn với heo mắc bệnh, trường hợp không giết mổ phải nuôi cách ly để theo dõi.





Hình: sơ đồ truyền lây vi rút PRRS gây dịch trong trại chăn nuôi

Thực tế, khi dịch bệnh bùng phát là rất khó khắc phục. Do đó, việc quan trọng là phải chủ động phòng dịch bằng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, nhất là sử dụng vắc xin theo đúng quy định. Trên thị trường hiện có nhiều loại vắc xin ngừa bệnh tai xanh, người chăn nuôi nên chọn vắc xin đúng chủng vi rút gây bệnh và phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất  để phòng bệnh đạt kết quả tốt nhất, bảo vệ đàn heo khỏi nguy cơ dịch bệnh./.


Phòng Dịch tễ - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây